Trong giai đoạn giãn cách, việc tập luyện giảm xuống và thói quen ăn theo tâm trạng tăng lên đã khiến “body image” (tự cảm nhận cơ thể) trở nên cực kì tiêu cực. Thật may, 8 cách dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện được nó.
Ở thời điểm này, “body image” nên là thuật ngữ cần được nhiều người biết đến. Hiểu nôm na, nó chính là cách bạn tự đánh giá về ngoại hình và tin rằng tất cả mọi người đều nghĩ giống bạn. Tùy vào mỗi người mà “body image” có thể tích cực, tiêu cực hoặc ở ngưỡng trung lập. “Body image” sẽ trở nên tiêu cực trong nhiều tình huống, ví dụ như khi bạn thấy dấu hiệu tuổi tác trên cơ thể, không mặc vừa bộ đồ trước đây từng rất vừa vặn, hoặc khi bạn so sánh cơ thể của mình với hình ảnh các influencers trên mạng. “Body image” tiêu cực không chỉ gây hại cho sức khỏe tâm lý, mà còn làm bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, nó cũng gây rối chế độ ăn, khiến bạn điên cuồng tập luyện, ảnh hưởng tới sức khỏe chung của cơ thể.
Trước tiên, bạn hãy đổi câu hỏi dành cho mình trước đã: Không phải là bạn muốn cơ thể hoàn hảo ra sao, mà là bạn đã trân trọng cơ thể nhiều đến mức nào. Cách bạn nghĩ về cơ thể không nên bị gói gọn trong định nghĩa “ngoại hình”. Thay vì để ý đến những điều bạn không thích trên cơ thể, hãy tập trung vào việc cơ thể này đã giúp gì cho bạn. Chẳng hạn như cánh tay kia giúp bạn ôm những người yêu mến, khuôn miệng kia giúp bạn nở nụ cười, dạ dày giúp bạn tiêu hóa thức ăn, bộ não giúp bạn học và làm việc. Trân trọng cơ thể trên khía cạnh chức năng sẽ giúp bạn cải thiện được “body image”.
Hãy chọn lọc những người bạn muốn chơi cùng, bắt đầu với những người không có định kiến ngoại hình, không đánh giá tiêu cực về cơ thể của bạn, cơ thể của chính họ, và cơ thể của nhiều người khác. Tất nhiên, bạn cũng nên trở thành một người như thế trước đã, bởi vì “mây tầng nào sẽ hút mây tầng đó”. Thường xuyên tiếp xúc với năng lượng tích cực và tập cho mình một cái nhìn không phán xét sẽ giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Hãy thở một hơi dài, sống cuộc đời mình, yêu cơ thể mình và ngừng quan tâm đến hình thể của người khác.
Nếu chính bạn còn không thể thương mình, hy vọng người khác làm như thế là vô nghĩa. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, tính tự thương mình sẽ giúp bạn tích cực hơn, trong khi tự đánh giá, dè bỉu, hà khắc với bản thân sẽ mang hiệu ứng ngược lại. Vậy nên hãy nhìn lại những trải nghiệm của mình bằng đôi mắt dễ chịu thay vì cứ chê bai nó.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách chọn cho mình một cuốn sổ, ghi lại những điều làm bạn hạnh phúc và biết ơn trong ngày hôm đó, hoặc chỉ cần giữ chúng trong suy nghĩ cũng được. Và hãy nghĩ rằng, tất cả những trải nghiệm hạnh phúc và biết ơn sẽ không tồn tại nếu bạn không có một cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa, cơ thể cũng đã cùng bạn vượt qua những giai đoạn bệnh khó khăn, vậy nên bạn đừng hà khắc vì những thay đổi của nó.
Bạn hãy chuyển động cơ thể theo cách sẽ khiến bạn vui, giúp bạn kết nối và lắng nghe được cơ thể của mình. Tập thể dục thể thao, nhún nhảy theo một bài nhạc, tập yoga,… lựa chọn nào cũng được miễn là nó không liên quan tới ngoại hình. Thay vì nghĩ chuyện cơ thể trông ra sao, hãy tập trung vào việc bạn vui vẻ như thế nào khi chuyển động.
Trước tiên, hãy hỏi cơ thể bạn cần gì mỗi ngày và để cơ thể trả lời thay cho cảm xúc cá nhân. Có thể thứ cơ thể bạn cần không phải là ăn kiêng, tập luyện, giảm cân, mà là năng lượng, sự thư giãn và một giấc ngủ ngon. Hãy thành thật trả lời và lên kế hoạch những hoạt động cần thiết cho cơ thể.
Hòa nhập với thiên nhiên sẽ mang lại nhiều cải thiện cho sức khỏe, bao gồm cả cách bạn nghĩ về cơ thể của mình. Những hoạt động như leo núi, chăm sóc vườn tược, trồng cây trên ban công, hoặc tắm nắng sẽ giúp bạn tập trung vào cách cơ thể hoạt động, và thêm trân trọng nó hơn.
Thật ra, thói quen so sánh với người khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một khi thói quen đó bắt đầu trở nên tiêu cực, khiến bạn nghĩ xấu về bản thân và người khác thì hãy tìm cách ngừng lại. Bạn có thể thử 6 cách kể trên để bớt tự so sánh với người khác.
Có nghiên cứu cho rằng ăn kiêng không hiệu quả như nhiều người vẫn tưởng. Nó chỉ có tác dụng giảm cân tạm thời và có thể làm giảm sút sức khỏe chung. Thay vì ăn kiêng, hãy ăn bằng trực giác: nghĩa là để ý đến cảm giác đói, sự thèm ăn, dấu hiệu no để quyết định bạn nên ăn lúc nào và ăn nhiều bao nhiêu. Cách ăn đó rất tốt cho tâm lý và sức khỏe thể chất của bạn.