Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo Tổng Công ty Dược khẩn trương làm việc với các đơn vị nhập khẩu vắcxin để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tình trạng căng thẳng, chen lấn, xô đẩy diễn ra ở điểm tiêm chủng vắcxin 182 Lương Thế Vinh, Hà nội sáng 25/12. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phê bình điểm tiêm chủng Lương Thế Vinh
Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia khẩn trương phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin và làm việc với tất cả các điểm tiêm chủng trên Hà Nội để có kế hoạch tiêm chủng cụ thể, khoa học, không để tình trạng mất trật tự, chen lấn như ở điểm tiêm Lương Thế Vinh xảy ra.
Trước sự cố hỗn loạn tại điểm trên, để kịp thời chấn chỉnh công tác tiêm chủng dịch vụ, cuối giờ chiều 25/12, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc “họp nóng” và Bộ Y tế nghiêm khắc phê bình đơn vị tổ chức tiêm chủng vắcxin dịch vụ 5 trong 1 tại 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp đã giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối tổ chức cuộc họp để trao đổi, thảo luận và thống nhất cách thức triển khai tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng vắcxin dịch vụ để tránh tình trạng tập trung đông người gây mất trật tự, chen lấn, xô đẩy gây bức xúc cho người dân.
Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, các điểm tiêm chủng phải linh hoạt trong khâu thủ tục cho những cháu nhỏ đến tiêm, ai đến trước được tiêm trước.
“Do đây là lần đầu tiên phòng tiêm chủng vắcxin tại điểm 182 Lương Thế Vinh tổ chức tiêm vắcxin dịch vụ nên cách tổ chức chưa khoa học, thiếu hợp lý,” ông Phu cho hay.
Tiếp tục tiêm Quinvaxem tại điểm tiêm dịch vụ
Vắcxin Pentaxim (Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib), hiện miền Bắc đã tiếp nhận 15.000 liều vắcxin này.
Vắcxin này do Công ty Sanofi Pasteur – Cộng hòa Pháp sản xuất, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Phát triển đầu tư Hồng Thúy nhập khẩu vào Việt Nam.
Về tình hình nhập khẩu vắcxin dịch vụ, bà Đặng Hồng Thúy – Giám đốc Công ty tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy cho biết, công ty bà đã đặt hàng lên con số hàng trăm nghìn liều nhưng không được đáp ứng.
“Chúng tôi được nhà sản xuất thông báo cung ứng 15.000 liều (đã phân phối cho các cơ sở) và sắp tới có tiếp 23.000 liều (đến tháng Một mới ra thị trường), như vậy tổng cộng là 43.000 liều,” bà Thúy cho hay.
Theo bà Thúy, để đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng vắcxin 5 trong 1 thì mỗi năm Việt Nam cần nhập khoảng 600.000 đến 1 triệu liều. Dự báo sang năm 2017, tình hình cung cấp vắcxin sẽ ổn định hơn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Long chỉ đạo phải tiếp tục triển khai tiêm chủng vắcxin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, trong thời gian qua, khi vắcxin dịch vụ chưa về, lượng trẻ được tiêm Quinvaxem tại các điểm tiêm dịch vụ rất ổn định.
Tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, mỗi tháng có đến 4.000 liều Quinvaxem được tiêm cho trẻ.
Theo VietnamPlus