“Bộ tứ thất thường” điện, xăng, y tế, giáo dục: thủ phạm gây lạm phát - Tạp chí Đẹp

“Bộ tứ thất thường” điện, xăng, y tế, giáo dục: thủ phạm gây lạm phát

Tin Tức

Tổng Cục trưởng Đỗ Thức tại phiên họp báo công bố số liệu kinh tế 2012 chiều 24/12 (ảnh: BD).
Tổng Cục trưởng Đỗ Thức tại phiên họp báo công bố số liệu kinh tế 2012 chiều 24/12 (ảnh: BD)
.

Tiềm ẩn các yếu tố đẩy CPI năm tới

Trước ý kiến cho rằng, CPI năm nay tăng không phải do yếu tố tiền tệ đặt giữa bối cảnh dư nợ tín dụng tăng rất khiêm tốn, Tổng Cục trưởng Đỗ Thức khẳng định, CPI là kết quả của mối quan hệ cung cầu. Do vậy, M2 mới là yếu tố quyết định đến CPI.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng trước, cung tiền M2 đến 20/11/2012 ước tăng 15,33% so với tháng 12/2011.

Điểm đặc biệt trong năm nay đó là khoản dùng để mua ngoại tệ chiếm đến hơn phân nửa, nhờ vậy CPI năm nay được kiềm chế. Theo đó, trong năm nay, NHNN đã “bơm” vào lưu thông một khoản rất lớn 200.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD, tương đương với lượng ngoại tệ được NHNN mua vào năm 2007). Tuy nhiên, do cầu thấp nên không xảy ra lạm phát như 2007.

Nếu tất cả cung tiền đều dồn vào tiêu dùng và sản xuất thì chắc chắn CPI sẽ tăng cao, Tổng Cục trưởng Đỗ Thức cho hay.

Trả lời câu hỏi của Dân trí về khả năng tác động lên các chỉ số kinh tế vĩ mô của kế hoạch bơm 100.000 – 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu năm 2013, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số bị tác động nhất sẽ là CPI.

Tuy nhiên, theo ông Tuyến, cần xem xét cung tiền xử lý nợ xấu sẽ bơm vào ngành gì và đạt hiệu quả ra sao. Từ đó mới đưa ra được đánh giá cụ thể.

Từ quý III năm nay, Chính phủ đã có chính sách, mỗi tháng tăng gấp đôi đầu tư so tháng trước, song CPI vẫn được kiếm chế, không diễn biến đột biến. Do vậy, ông Tuyến cho rằng, nếu cung tiền đúng việc đúng ngành thì không những không “đe dọa” tới CPI mà còn hỗ trợ cho tăng trưởng.

Cũng về CPI năm tới, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp cảnh báo, năm tới lạm phát sẽ có thể tăng 7-8% do một số mặt hàng vẫn còn phải tiếp tục điều chỉnh giá, đặc biệt là dịch vụ y tế. Hiện tại nhóm này mới chỉ có 30 tỉnh tăng giá và còn hơn 30 tỉnh nữa thời gian tới sẽ tăng. Vì vậy, theo bà Vân, trong điều hành, Chính phủ cần thận trọng.

Điện, xăng dầu: Thật cần thiết thì mới nên tăng

Tại phiên họp báo, Tổng Cục trưởng Đỗ Thức cũng đề cập đến chiều tác động, ảnh hưởng của hoạt động điều hành từ các bộ, ngành lên chỉ số CPI năm nay nói riêng và cả thời kỳ này nói chung.

Đồng ý với lộ trình tăng giá một số mặt hàng mà Chính phủ hoặc cho phép các Bộ ngành trực tiếp quản lý như xăng dầu, điện, giáo dục, y tế, tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia cũng lưu ý, khi còn sự can thiệp của cơ quan quản lý thì việc quản lý và điều hành giá cần thực hiện một cách hài hòa.

Nếu tháng 9 không đổ dồn tất cả chi phí y tế, giáo dục vào rổ tính thì chắc chắn tình hình CPI không đến mức độ quá “sốt” và khiến dư luận lo lắng như vậy. Tháng này, CPI đột ngột tăng lên 2,2% trong khi tháng 6, tháng 7 giảm và tháng 8 tăng nhẹ. Theo đó, việc tăng giá y tế và giá giáo dục đã tạo ra tính “giật cục” của CPI tháng 9.

“Các tháng trước thì lo giảm phát thiểu phát, đến tháng 9 lại cho rằng mục tiêu 8% không giữ được. Công tác dự báo nhìn chung rất bị động với tình hình thực tế.” – Tổng cục trưởng Đỗ Thức nói.

Nguồn: TCTK/Dân trí.

Nguồn: TCTK/Dân trí.

Bình luận về điều chỉnh giá điện, ông cho rằng đó là điều cần thiết để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng điều chỉnh ở mức độ nào thì cần xem xét. “Cá nhân tôi không đồng ý lắm, rằng, sống trong điều kiện này mà giá điện lại phải theo giá quốc tế”.

Để giá điện theo giá thị trường thì điều kiện cần là giám sát giá thành, các yếu tố cấu nên giá thành trong giá điện, rà soát lương của công nhân viên ngành điện. Theo ông, lương ngành điện cũng phải ở mức chung của lao động Việt Nam thì mới hợp lý, còn lương cao mà lại muốn giá thành theo giá quốc tế thì bất cập.

“Tất nhiên, sau khi xem xét thấy rằng lương đã phù hợp, giá thành minh bạch và cần phải điều chỉnh giá bán thì có thể tăng”.

Về giá xăng dầu, Nghị định chính phủ cho phép tăng không quá 10 ngày, 1 tháng điều chỉnh 3 lần thì cũng là phù hợp. “Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu thật cần thiết thì mới tăng như vậy”.

Bởi, nếu đã điều chỉnh tăng trong vòng 10 ngày thì việc giảm cũng cố gắng thực hiện trong 10 ngày, như vậy mới công bằng và hài hòa. Còn khi tăng thì điều chỉnh đúng quy định còn giảm lại không kịp thời là điều không phải – Tổng Cục trưởng Đỗ Thức nhận xét.

Ông gọi điện, xăng dầu, y tế và giáo dục là nhóm hàng “thất thường”. Khi tính, nếu trừ đi nhóm “thất thường” này, CPI năm nay sẽ giảm từ 6,81% về mức rất thấp là 3,31%.

Dù vậy, CPI kiềm chế ở 6,81% cũng đã là đáng ghi nhận. Đây cũng là kết quả của một quá trình duy trì chính sách tiền tệ có kiểm soát. Dù việc tăng giá ở mức nào, nhất là tại các nhóm hàng kể trên, sẽ đều tác động đến khả năng chi trả và đời sống của người dân. Song bù lại, lương năm nay điều chỉnh khá cao từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng (trên 25%) nên tăng CPI như hiện nay về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến mức sống của dân cư – đại diện cơ quan thống kê đánh giá.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

25/12/2012, 10:50