Đoàn tàu của ngành đường sắt tại ga Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Lái tàu còn phải “bao”… khách
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sáng nay (5/1/2016), đánh giá cao những kết quả đạt được của VNR, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đường sắt có hơn 100 năm xây dựng và phát triển và có một câu hỏi phải đặt ra: Liệu đường sắt có thay đổi được không sau hơn 100 năm?
Khẳng định ngành đường sắt đã thay đổi được qua thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận: “Kết quả đổi mới của đường sắt vừa qua được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đường sắt là thương hiệu quốc gia, đây là lời khen dành cho ngành đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải rất tự hào.”
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho rằng, ngành đường sắt đã tập trung vào 10 chữ “thuận tiện, đúng giờ, an toàn, hiệu quả, hài lòng” thì đến nay cần phải kiểm điểm làm được gì trong những chữ đó.
Dù đầu tư cho đường sắt không nhiều nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngành đã tự đổi mới, quyết liệt tái cơ cấu, biết cách “thắt lưng buộc bụng” thay đổi chất lượng dịch vụ, xây dựng các ke ga, biểu đồ chạy tàu tỷ lệ đúng giờ tăng lên nhiều và thực hiện tái cơ cấu quyết liệt nên đã thu được nhiều kết quả cao như doanh thu đạt hơn 11.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 65 tỷ đồng.
“Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải chỉ thực hiện cổ phần hóa 33 doanh nghiệp Nhà nước trong đó đường sắt là 24 doanh nghiệp (chiếm hơn 70%). Tuy nhiên, các công ty vận tải đường sắt là chủ lực nhưng lãi chỉ 5 tỷ đồng trong năm 2015. Năm 2016, Tổng công ty phấn đấu lên 10 tỷ đồng là quá ít, làm sao có thể cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác? Vé tàu hỏa vẫn cao hơn máy bay thì ai đi đường sắt?,” Bộ trưởng đặt ra câu hỏi.
Chứng minh điều này, theo Bộ trưởng, vé bay chặng Pleiku-Hà Nội của hãng hàng không chỉ có giá 280.000 đồng (liên tục được khuyến mại), kể từ khi hàng không khai thác đường bay này, giá vé đường bộ đã giảm xuống 250.000 đồng trong khi vé tàu cao hơn nhiều lần.
Thậm chí, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khi tái cơ cấu và cổ phần hóa, số lao động là 11.000 người. Đến nay, số lượng máy bay tăng gấp đôi, doanh thu tăng, nhưng người bắt đầu giảm. Đầu năm nay giảm còn hơn 6.000 người. Vietnam Airlines không đuổi người lao động ra đường mà tách thành bộ phận riêng. Do đó, có thể tăng lương cho phi công, sửa chữa và các bộ phận chủ lực dẫn đến thu nhập bình quân tăng.
“Trong khi đó, đường sắt vẫn duy trì số lao động lớn, lương thấp là đương nhiên. Lái tàu của ngành lương chỉ tầm 4-5 triệu nên họ phải ‘bao’ khách lên tàu [kèm người không vé lên tàu-PV] để tăng thêm thu nhập. Đường sắt tư duy quản lý như thế này thi hai chữ ‘hiệu quả’ chưa đạt. Ngành đường sắt mắc bệnh cố hữu, nếu hài lòng với những gì đạt được thì làm sao nỗ lực được nữa,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ thực tế.
Bộ trưởng đề nghị VNR cần phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội Luật Đường sắt sửa đổi. Đường sắt phải theo thị trường bình đẳng giữa các phương thức vận tải; hiện đại ngay hệ thống đường sắt bằng các mục tiêu, giải pháp, con người, hạ tầng…
“Trong thời gian tới, VNR hợp với Bộ Giao thông Vận tải để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt đôi, khổ đường sắt 1.435mm trước mắt chạy chung tàu hàng và khách đồng thời lựa chọn đoạn tuyến nào để ưu tiên đầu tư như Hà Nội-Vinh, Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long… Một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa không hể để hệ thống đường sắt như hiện nay,” người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu VNR khẩn trương chuyển các công ty sang cổ phần, đẩy mạnh xã hội hóa, phải làm quyết liệt hơn, chọn tuyến đường hiệu quả để kêu gọi xã hội hóa.
“Nếu cứ trông chờ vào vốn nhà nước thì làm sao hiện đại được hệ thống bán vé tàu, làm sao hiện đại được nhà ga…. đồng thời đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng, kết nối đường sắt với các phương thức vận tải. Phải thay đổi thực sự tư duy, mà trước hết là từ người đứng đầu,” Bộ trưởng chỉ đạo.
“Đường sắt lâu nay đã có văn hóa từ chức”
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, đường sắt năm 2015 không thực hiện được lời hứa trước Bộ trưởng là phải làm được 300 đường ngang chắn tự động.
“Ngành đã làm thử nghiệm 40 cái, đã phát huy hiệu quả, nghiệm thu rất tốt, viết phương án trình Bộ nhưng rồi Vụ nọ chuyền cho Vụ kia, yêu cầu thuê tư vấn nhưng đến ngày hôm nay vẫn chưa xong. Vụ Khoa học Công nghệ bảo phải thuê tư vấn. Tôi… phát khóc bảo Bộ yêu cầu thuê tư vấn nhưng nếu các anh không làm xong thì tôi phải dừng lại thuê người khác chứ không làm kiểu này được. Tôi có khuyết điểm là đã không mạnh dạn, quyết liệt xin ủy quyền ngay để làm mà chờ đợi theo đúng quy trình,” ông Trần Ngọc Thành cho biết.
Đường ngang có rào chắn của ngành đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu trong tháng 15/1 tới không xong, vị Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cũng tự nguyện xin phép làm văn bản đề nghị Bộ trưởng ủy quyền cho làm và chịu trách nhiệm. Năm 2016, bằng tất cả các nguồn vốn, nguồn cho thuê mặt bằng, nguồn tiết kiệm, nguồn phát triển lắp một loạt các cần chắn tự động.
Về vận tải đường sắt, cũng theo ông Thành, xưa nay chủ hàng, doanh nghiệp đến phải cầu cạnh, xin xỏ nhưng bây giờ ngành đã phải đến gặp người ta, xin người ta quay lại. Thời gian qua, các chủ hàng lớn, do quấy nhiễu nhiều quá đã bỏ đi.
Đường sắt Việt Nam đang làm ngược lại thế giới bởi các nước khác đều lấy hàng hóa bù cho hành khách, còn Việt Nam thì ngược lại. Mới đây, VNR đã tổ chức một hội nghị tri ân khách hàng nhưng thực chất là hội nghị xin lỗi khách hàng, mời khách quay lại.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cũng thú nhận, từ ngày làm lãnh đạo ngành đường sắt được 2 năm nay thì ông không được… ốm vì quyết liệt thực hiện các công việc của đơn vị.
Ví von những kết quả của ngành đường sắt trong năm 2015 mới chỉ dừng ở mức “dọn nhà,” Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cam kết với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải năm 2016 sẽ thay đổi hoàn toàn, thực sự đổi mới. Ngành đường sắt lâu nay đã có văn hóa từ chức, ai không làm được thì phải nghỉ.
Theo VietnamPlus