Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên hành lang Quốc hội sáng nay, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Bộ sẽ kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, đặc biệt là địa phương, người dân để có thể phát hiện, giám sát cơ sở sản xuất thuốc giả cũng như đưa nguồn thuốc giả ở ngoài vào lưu hành.
Khuyến khích Đông y
– Thưa Bộ trưởng, người dân sẽ được lợi gì khi những sửa đổi trong Luật Dược lần này được thông qua?
– Bộ trường Nguyễn Thị Kim Tiến: Khi luật mới được sửa đổi ban hành thì phải khắc phục, hạn chế được luật cũ và thích ứng với tình hình mới. Đối với doanh nghiệp thì một số thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh, buôn bán… sẽ được đơn giản hóa. Còn người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá cả hợp lý hơn và chất lượng cũng sẽ tốt hơn.
Thuốc sử dụng trong khám, chữa bệnh cũng được quản lý chặt chẽ hơn để tránh kháng thuốc, tránh lạm dụng thuốc.
Bên cạnh đó, công nghiệp dược, đặc biệt là dược liệu, nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu, thuốc Đông y sẽ được khuyến khích phát triển, nhất là thuốc nội.
Luật này gắn với Luật Đấu thầu và Luật Giá để khuyến khích thuốc do Việt Nam sản xuất. Bộ Y tế cũng đã phát động chương trình đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam.”
Kết quả đấu thầu vừa qua được Bảo hiểm xã hội thông báo là tỷ lệ thuốc nội đã tăng thêm gấp đôi, giá và chi phí bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm 30%-35%. Đây là kết quả đáng mừng từ những thông tư chặt chẽ mà Bộ Y tế đã ban hành trong thời gian qua về quy trình đấu thầu thuốc và quản lý giá thuốc.
Tuyên chiến với thuốc giả
– Thực tế thị trường trong nước đã xuất hiện thuốc giả, Bộ có giải pháp gì để chống thuốc giả?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thuốc giả là một tồn tại mà nước nào cũng có. Tuy nhiên, qua tiền kiểm và hậu kiểm, Bộ Y tế phát hiện tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam thấp hơn so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO cũng đánh giá Việt Nam là nơi ít thuốc giả, tỷ lệ thấp so với các nước.
Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn hiểm họa và Bộ đang tích cực tiến hành kiểm tra, rút giấy phép, dừng lưu hành một số thuốc và đặc biệt là xử phạt rất nặng đối với nơi sản xuất thuốc giả.
Việc này cần có sự vào cuộc của rất nhiều bộ, ban ngành, đưa ra chính sách để làm sao thuốc cung cấp đủ, giá cả hợp lý. Cái chính là phối hợp liên ngành để thanh, kiểm tra đột xuất cũng như định kỳ và xử phạt nặng, đặc biệt là rút giấy phép hoàn toàn của cơ sở đó và công bố trên truyền thông. Vừa qua Cục Quản lý dược Bộ Y tế cũng đã công bố công khai danh tính các cơ sở sản xuất sai phạm.
Bộ cũng kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, đặc biệt là địa phương, người dân để có thể phát hiện, giám sát cơ sở sản xuất thuốc giả cũng như đưa nguồn thuốc giả ở ngoài vào lưu hành.
Sẽ công khai, minh bạch giá thuốc
– Có nhiều đại biểu cho rằng hiện tại việc mua thuốc dễ như mua rau ngoài chợ, không cần đơn thuốc và giá cả cùng một loại thuốc có sự chênh lệch. Bộ Y tế có giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng này?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là hiện nay có thực trạng mua thuốc không cần đơn tại tất cả toa thuốc, mặc dù luật năm 2005 đã quy định cụ thể về bán thuốc theo toa, mua thuốc không có toa và đã có quy định về quy tắc thực hành các nhà thuốc. Tuy nhiên, có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng ghi toa thuốc tràn lan và người dân tự tiện mua thuốc không có ghi toa.
Thứ nhất, người dân thường nghĩ đơn giản, không muốn đi khám bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thể bao phủ hết nên người dân mỗi khi có bệnh đều đến các tiệm thuốc tự mua.
Thứ hai là quy định các nhà thuốc đạt chuẩn GPP không thực hiện nghiêm quy định của luật về bán thuốc theo toa.
Thứ ba là cán bộ y tế, thầy thuốc cũng ghi toa một cách tương đối dễ dàng. Tình trạng này, cái nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến kháng thuốc, kháng kháng sinh mà Bộ Y tế hiện nay đang quyết liệt vào cuộc.
Trong thời gian tới, để khắc phục Bộ sẽ tiếp tục ban hành quy định về bán thuốc cần phải có toa ở các quầy thuốc bán lẻ. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện kiểm tra gắt gao, chỉ đạo các địa phương, sở y tế, cơ quan thanh tra các địa phương thanh tra các cơ sở bán thuốc lẻ, tuyên tuyền rộng rãi đến người dân phải mua thuốc theo đơn, nếu không rất ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là tình trạng kháng kháng sinh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
– Có hiện trạng cùng loại thuốc nhưng lại có nhiều loại giá khác nhau. Luật sửa đổi có đóng góp gì để khắc phục thực trạng này?
– Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc quản lý giá rất công khai, minh bạch và thực hiện theo các luật hiện hành là Luật Giá, Luật Đấu thầu và thực hiện theo nghị định hướng dẫn về đấu thầu thuốc mà Chính phủ đã ban hành.
Theo đó, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh thậm chí có những đơn thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.
Về cơ quan quản lý giá, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên, phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và Luật Giá.
Ở đây, thay vì theo luật phải kê khai niêm yết giá mà mặt bằng giá ngang với các nước có cùng trình độ y tế, kinh tế tương đương – điều này không khả thi mà chúng ta phải tuân theo hai hình thức là theo thị trường và quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách cấp. Ví dụ, thuốc chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế và các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thuốc phòng, chống dịch.
Như vậy sẽ khắc phục được cơ bản việc chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, sẽ không có tình trạng kê khai giá một cách cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ chất lượng và giá cả chấp nhận được và cũng phù hợp với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.
Viện phí tăng đúng lộ trình
– Lộ trình tăng viện phí là vấn đề người dân rất quan tâm, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
– Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc tăng viện phí sẽ phải được thực hiện đúng lộ trình. Hiện nay các cơ quan chức năng đang xem xét kỹ vấn đề này bởi hiện có ít nhất 1.800 dịch vụ kỹ thuật mới. Các cơ quan chức năng đang làm việc rất vất vả bởi quy trình tính giá các dịch vụ này rất phức tạp.
Bộ Tài chính quy định rất chặt chẽ về chi phí đầu vào. Có những dịch vụ giá sẽ giảm đi, có dịch vụ sẽ tăng lên nên phải rà soát kỹ càng, chắc chắn để đảm bảo quyền lợi người dân.
Theo lộ trình Chính phủ đã quy định, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội là giá dịch vụ công phải tính đúng, tính đủ. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người có công, người sống ở vùng sâu, xa, miền núi, hải đảo, thông qua mua thẻ bảo hiểm y tế mà không cấp ngân sách cho bệnh viện. Giá trị dịch vụ không đúng với giá trị thật thì chất lượng cũng sẽ không đảm bảo.
Hiện nay, điều chỉnh mới chỉ liên quan đến những người có thẻ bảo hiểm nên chi phí được bảo hiểm thanh toán hết. Người tham gia bảo hiểm chủ yếu là người nghèo, người cận nghèo, người diện chính sách, người làm công ăn lương, trẻ em dưới 6 tuổi. Nên điều chỉnh giá viện phí sớm để có lợi cho những người có bảo hiểm.
– Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VietnamPlus