Bố ơi, đừng ép con cưới chồng!

Bạn tôi cho rằng, những người đàn ông như thế, trên hành trình đi tìm kiếm con trai, đã để lại sau lưng bao nhiêu ai oán của những người phụ nữ. Người là vợ, người là con gái, người là vợ cũ của họ! Mà trong tương lai, chắc gì đã mang lại hạnh phúc cho những người phụ nữ khác, nếu người phụ nữ ở thì tương lai ấy vẫn… không đẻ được con trai cho họ?

Cưới một người đàn ông trọng nam khinh nữ như thế, có hạnh phúc gì đâu! Thậm chí nói rộng hơn, cưới một người đàn ông không hề trân trọng phụ nữ, ngay cả con gái ruột của mình cũng coi là con… thứ cấp(!), thì có hạnh phúc được đâu! Thà các nàng ở vậy còn hơn. Anh bạn tôi nói, sau này, anh thà cho hai con gái của anh vĩnh viễn ở nhà với bố, chứ không muốn con gái mình đi lấy chồng, lấy một người chồng coi thường phụ nữ.

Tôi nhớ năm rồi đọc được một cuốn sách rất cảm động, cuốn sách ấy của một ông bố viết cho các con nhỏ của mình, trong đó có một lá thư viết cho con rể tương lai. Ông bố ấy xin con rể tương lai rằng, tôi xin anh đừng bao giờ đánh con gái tôi! Mà năm nay, con gái của tác giả mới bốn tuổi, còn đang chơi búp bê.

Những tình yêu đi kèm theo lo âu sợ hãi như thế của những người cha (những người bố vợ trong tương lai), có lẽ phải những người đã làm cha mẹ mới thấu hiểu được.

 

Nhưng thói đời, biết bao cô gái vì sợ mang tiếng gái già, gái ế mà đã cuống lên nghĩ đến các cách để kiếm được chồng từ khi họ còn ngồi trên ghế trường đại học? Và biết bao bậc phụ huynh thấy con quá tuổi 25 là nhấp nhổm lo con ế, ngày nào cũng giục con kiếm lấy tấm chồng?

Tôi có vài người bạn, chục năm nay lang bạt khắp trong Nam ngoài Bắc, đi khắp châu Âu châu Mỹ rồi về châu Phi chỉ bởi họ không dám về nhà. Vì về nhà thì bố mẹ sẽ ép hỏi vụ chồng con. Tôi còn bị một số bạn bè cũ cấm cửa không cho tôi đến nhà họ chơi. Chỉ bởi mỗi khi tôi lôi lũ con lếch thếch tới chúc Tết hay thăm hỏi, là họ sẽ bị bố mẹ họ mắng mỏ vì sao bạn tôi cho đến giờ vẫn còn chưa được… lôi thôi lếch thếch như tôi!

Trong các nhãn hàng tôi làm quảng cáo, có công ty kinh doanh bất động sản cho biết, mấy năm nay họ bán được khá nhiều căn hộ giá vừa phải cho phụ nữ lứa tuổi 30. Những cô nàng thành thị có thu nhập, có điều kiện khá, nhưng chưa kết hôn, cần một căn hộ chỉ bởi gia đình đã không muốn chứa chấp các nàng nữa. Mỗi khi về nhà ăn cơm tối, mẹ đều thở dài, bố đều cau có. Lễ tết chẳng dám đi thăm ai vì sợ hỏi chuyện chồng con.

Có lần tôi ngồi nói chuyện với người hàng xóm cũ, có hai cô con gái ngoài 30 mà chưa chồng. Ông hàng xóm vừa nói chuyện vừa khóc.

Thật khó xử khi nhìn thấy nước mắt những ông bố có con muộn chồng.

Nhưng tôi luôn thầm nghĩ, giá thử như những cô gái ấy cưới một ông chồng bạo hành, vũ phu, một người chồng ăn bám, sĩ diện, một người chồng khinh thường nữ giới, trọng nam khinh nữ, thì nước mắt các bậc phụ huynh chắc còn chảy nhiều hơn! Lấy chồng mà không hạnh phúc thì thà ở với bố mà hạnh phúc, có phải là hơn không? Tôi đã gặp vài gia đình yêu cầu chàng rể cưới xong về nhà bố mẹ vợ ở. Họ đều rất hạnh phúc đó thôi.

Vấn đề là ông bố có mở rộng cánh cửa gia đình để đứa con gái có một cuộc sống hạnh phúc suốt đời hay không? Chúng ta chăm con từ ngày ấu thơ, buộc tóc xỏ giày cho con khi con đi nhà trẻ, cho con học đàn, học vẽ từ nhỏ. Chúng ta khen con, yêu con, tự hào về con, tất cả chỉ với mục đích là muốn con cái ta hạnh phúc bên bố mẹ.

Vậy tại sao khi con cái trưởng thành, bố mẹ không sẵn lòng cho con một cuộc sống mà con có thể hạnh phúc? Sao cứ phải lấy chồng, dù đó là một người đàn ông như thế nào, thì bố mẹ mới yên lòng? Vì sao một người chồng gia trưởng và bạo lực thì vẫn luôn luôn tuyệt vời hơn một ông bố yêu thương?

Nếu yêu thương là một hành trình trưởng thành và tìm kiếm, mà cô gái bé bỏng sẽ đi từ ga lòng mẹ tới ga bàn tay bố, rồi tới ga nắm tay người yêu, thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu cô ấy đi mãi chưa muốn dừng lại ở bến đỗ của người đàn ông nào, thì, có được người bố bao dung yêu thương vẫn cứ hạnh phúc hơn là cưới người đàn ông tệ bạc qua quýt.

Vì nói cho cùng, ai muốn con gái mình sinh ra là để cho kẻ khác chà đạp?

Trang Hạ

2013

* Ảnh: Internet (chỉ mang tính minh họa)


From the same category