Gái đẹp nhất thôn chỉ dành cho trai đẹp nhất làng
Bố: Phạm Hoàng Long (62 tuổi) – Mẹ: Trần Thị Khanh (55 tuổi)
Con gái: Thanh Hương (29 tuổi – Thái Bình)
Ngày xưa ông nội chấm mẹ làm con dâu từ lâu nhưng vì bố tôi mãi theo mộng làm giàu ở miền Nam nên đợi lâu quá mẹ có bồ. Rồi một ngày mẹ tôi cãi nhau với chị của bồ mẹ sau đó nhà ấy cấm hai người quen nhau. Ông nội ngay lập tức ban chiếu chỉ bắt bố tôi đi xe khách 3 ngày 3 đêm về gặp mẹ. Ông còn dằn mặt bố: “Kỳ này không mang cái Khanh về thì mày đừng hòng đi Nam”. Hồi ấy, người lớn đặt đâu con ngồi đấy nên dù bố tôi lúc này cũng đã có vài “mối” dắt túi vẫn hì hục ngày đạp xe 20km sang gặp mẹ. Dạm mặt được đúng 7 lần thì bố hỏi cưới mẹ. Sau này truy bố vì sao cưới nhanh thế bố chỉ bảo: “Bố mày đẹp trai nhất làng thì phải cưới mẹ mày đẹp nhất thôn. Có thế cũng hỏi!” Năm đó, bố cưới mẹ không kèn không trống, cô dâu không mặc váy cưới, chú rể không đủ tiền mua nhẫn đính ước. Cuộc hôn nhân ấy vẹn toàn đến nay đã 35 năm.
Vờ mua thuốc để được gặp người thương mỗi ngày
Bố: Trương Vĩnh Lợi (55 tuổi) – Mẹ: Nguyễn Mỹ Huyền (57 tuổi)
Con gái: Trương Huyền My (25 tuổi – Đồng Tháp)
Mẹ kể hôm ấy nếu trời không đổ mưa to chắc… chẳng có tôi của sau này. Theo dự định sau khi đến thăm nhà một cô bạn đồng nghiệp mẹ sẽ về lại trong ngày, nhưng tại cơn mưa trái mùa (hay duyên Trời sắp đặt) mà mẹ phải ở lại. Sáng hôm sau, trên đường về lại thị xã, mẹ chạm mặt ba tôi – vốn là người quen của cô đồng nghiệp – vừa dắt xe ra khỏi cổng. Câu chào xã giao ngày ấy không ngờ lại khiến ba rất ấn tượng về mẹ. Sau đó ba tìm cớ hôm thì mua thuốc cho bà nội, ông nội, cho cô dì chú bác để được đến hiệu thuốc của mẹ. Hai tháng sau, ba gửi mẹ mẫu giấy nhỏ trước khi đi công tác. Mẫu giấy vỏn vẹn vài dòng nhưng khiến mẹ tôi ngay lập tức biết rằng, đây chính là người đàn ông đáng để mình gửi gắm cả phần đời còn lại. Trong tờ giấy ấy, ba ghi: “Anh đi xa… Thứ Hai anh về… Hôn em”
Từ bỏ tất cả vì người mình yêu
Bố: Lê Anh Thủy (64 tuổi) – Mẹ: Đoàn Thị Bạch Yến (59 tuổi)
Con gái: Lê Ngọc (29 tuổi – Tp. Hồ Chí Minh)
Mẹ vẫn thường nói, cha mẹ gặp nhau đúng là do duyên số. Ngày đó, mẹ làm ở công ty dược, còn cha làm mỹ nghệ. Cả hai cùng tham dự Hội chợ triển lãm ở Vũng Tàu gần hai tháng, cách nhau cũng chỉ một gian hàng. Run rủi thế nào, hai cô bán hàng cùng mẹ một người thì lén vượt biên, một người nói về quê rồi không quay trở lại còn mỗi mình mẹ ở đấy để cha có cơ hội quan tâm. Tính mẹ thì cởi mở còn cha thì kiệm lời. Cha không nói được câu nào tình tứ ngọt ngào cứ đúng giờ nghỉ lại sang gõ cửa cốc cốc rủ mẹ đi ăn cơm, trời bão thì kể chuyện cho mẹ đỡ sợ,… Vậy mà mẹ “đổ”. Quan trọng là phải vượt qua ải của bà ngoại. Bà nhất quyết không chịu gả con gái đi xa. Ai ngờ cha về bỏ việc cũ gắn bó mấy năm trời để tìm việc mới gần mẹ hơn. Năm tháng sau cha mẹ về chung một nhà.
“Em là của anh!”
Bố: Tri Phương (63 tuổi) – Mẹ: Hoàng Thành (62 tuổi)
Con gái: Tiểu Cát (24 tuổi – Đồng Nai)
Thời sinh viên, bố tôi khá “mảnh dẻ” lép vế hẳn vài phần nếu so với các chàng trai khác. Còn mẹ thuở đôi mươi mười tám được khá nhiều anh theo đuổi, trong đó có bố và ông bạn thân của bố. Chỉ khác là anh bạn kia chăm chỉ gửi những cánh thư tay lãng mạn cho người tình trong mộng, còn bố thì cứ “bình chân như vại”. Một ngày đẹp trời, bố thấy mẹ ôm trong tay đống thư tình của “fan hâm mộ”, ông bất thình lình… xé hết trong vài nốt nhạc. Sau đó, quay sang dõng dạc “tuyên bố” với bà: “Em là của anh!”. Mẹ chính thức là người phụ nữ của bố tôi từ thời khắc ấy.
Mối nhân duyên từ… ao cá
Bố: Huỳnh Quốc Khánh (50 tuổi) – Mẹ: Đỗ Thị Diễm Hằng (43 tuổi)
Con gái: Diễm Tuyền (23 tuổi – Đồng Nai)
Nếu có một sợi dây liên kết nhân duyên giữa ba mẹ tôi thì đó là… cái ao cá. Nhà mẹ tôi ngày ấy có nuôi một ao cá và ba là khách hàng thường xuyên. Ba ấn tượng bởi dáng người nhỏ con và khuôn mặt xinh xắn khi lần đầu gặp mặt mẹ. Hồi xưa, nhà ngoại tôi rất khó nên con gái trong nhà không bao giờ được bước chân ra đường. Ai muốn làm quen thì chỉ còn cách đến nhà “ngồi chơi xơi nước”. Ba thấy mẹ tôi hiền mà lại quá trời người theo đuổi, sợ “rơi vào tay” người khác rồi khổ cả đời nên ba tình nguyện khổ thay, quyết tâm cưới được mẹ cho bằng được.
Tình yêu rỉ máu
Bố: Lương Công Bông (60 tuổi) – Mẹ: Phạm Thị Ơi (58 tuổi)
Con gái: Lương Hằng (28 tuổi – Phú Yên)
Ba má tôi biết nhau từ hồi còn bé xíu nhưng đáng tiếc ba chưa bao giờ là “soái ca” trong mắt má. Trái lại, nàng Ơi ngày nào cũng “ăn hiếp” chàng Bông, đến độ có lần má tôi ném đá trúng trán ba đổ máu lênh láng. Vậy mà hôm sau ba lại đường hoàng… tỏ tình má. Hiển nhiên là bị từ chối vì má tôi không tin tình yêu kiểu sét đánh như vậy. Nhưng càng khó ba càng kiên trì, nhẫn nại đến khi nhận được cái gật đầu của bà. Thương nhau là vậy, nhưng còn cưới được nhau lại là chuyện khác. Ông bà nội không ưng má còn ông bà ngoại thì chê ba nghèo. Má tôi buồn nên bỏ nhà đi hẳn một năm rưỡi đến khi bà trở về, ba chịu không nổi sang khóc với ông ngoại, năn nỉ lần nữa để được rước má về. Tới lúc này, gia đình hai bên mới mềm lòng đồng ý chuyện kết hôn.
Yêu nhau nên cái não đi ngủ chỉ còn con tim
Bố: Nguyễn Bá Hoa – Mẹ Hoàng Thị Lâm
Con trai: Nhiếp ảnh gia Cuội Hoa (Hồng Nguyễn)
Bố mẹ tôi gặp nhau lần đầu vào năm 1984. Lúc đó, bà đang đi học y tá ở xa, hai người cách nhau 80 kilomet. Mẹ tôi thời ấy thuộc kiểu “hot girl”, đám trai xếp hàng trước cổng ký túc xá đông không khác gì nước mình mừng U23 thắng trận. Bố tôi lúc nào cũng sống trong nỗi sợ bị người ta cướp mất vợ tương lai, nên hay xin nghỉ phép để đạp xe gần trăm cây số đến thăm bà. Có lần bố mẹ giận dỗi, bố lại nhớ mẹ quá chịu không nổi nên quyết định đạp xe giữa đêm đến tận nơi chỉ để nhìn thấy người thương. Gặp nhau, mẹ khóc lóc kiểu vừa giận vừa thương, vừa sợ người lớn phát hiện. Bố bảo, lúc ấy yêu rồi thì cái não đi ngủ, chỉ còn con tim là thức thôi.