Bò mất rồi, lo làm chuồng cho chắc - Tạp chí Đẹp

Bò mất rồi, lo làm chuồng cho chắc

Review

Từ một căn nhà mới thuê 2 tháng nay tại 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, theo những người chứng kiến, phát ra hai tiếng nổ kinh hoàng, biến ba căn nhà thành đống đổ nát, mất cả 12 giờ mới lôi được người bị vùi…

Ngày tận thế dời sang 2013 đang bị đồn, với gia đình gia chủ ông Lê Minh Phương, tức Phương “khói lửa” có thể thật: cả nhà 6 người thiệt mạng.

Sinh nghề tử nghiệp, chuyên gia tạo hình ảnh, hiệu ứng cháy nổ cho phim trường gặp hạn bất ngờ, gây tổn thất lớn. Vì nghề là một lẽ, nhưng lại kéo theo cả nhà, hàng xóm…

Vô tình, bất cẩn, là suy đoán về xử lý đạo cụ gây cháy nổ. Cũng có thể người nhà không trong nghề sơ xuất… Nhưng hẳn vi phạm “Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, lưu trữ, sử dụng chất nổ ở khu dân cư.

Sao lại có chất cháy nổ trong khu dân cư? Sao lại làm tại nhà? Làm thêm giống như dạy thêm, khám bệnh ngoài giờ? Câu hỏi này liên quan nhiều chuyện quản lý.

Người mình quen xuề xoà, làm ngày không đủ tranh thủ “đem về nhà làm thêm”. Bao thứ sản xuất dùng hoá chất, lò xưởng, hàng dễ cháy nổ… cứ vô tư ngự tại gia. Xe ôm cứ hồn nhiên chở bình ga, xăng dầu, hoá chất như bom di động, lượn “tài tử” như chim ngoài phố…

Không mấy ai có nghề, được đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề. Thói quen và nếp sống vẫn chưa quy củ, bài bản của thời công nghiệp. Dễ dãi, luộm thuộm, làm lấy xong… vẫn là thói quen, dù câu sểnh một ly đi một dặm vẫn thuộc.

Dân cư có biết, chưa chắc đã kiện, quen thông cảm, chia sẻ. Nhiều nơi dân trình báo, cự nự… lại không được chính quyền địa phương làm đến nơi đến chốn. Giữ bình yên phường xã nhà cứ như là giữ không cho kiện cáo, yên ấm mà lấy tiếng đoàn kết.

“Một bài học xương máu” được rút ra. Tiếng nổ của vụ này, có thể là lời cảnh báo nghiêm khắc về bảo đảm an toàn cho môi trường dân cư.

Bàng hoàng, rồi nhiều ý kiến lên tiếng về sự cần thiết đề ra và chấp hành các quy định cụ thể, chuyên nghiệp về phòng chống cháy nổ, tai nạn lao động.

Mất bò mới lo làm chuồng, nhưng cần làm đến nơi đến chốn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn an toàn mà không “nhân dịp” này gây thêm nhũng nhiễu cho các cơ sở làm ăn.

TPHCM đang chỉ đạo thống kê, yêu cầu đăng ký, kiểm tra, chấn chỉnh cấp phép dịch vụ có điều kiện. Tiếng chuông cảnh tỉnh ngân dài rồi cũng sẽ lắng. Liệu sau tiếng chuông, mỗi ngày sẽ lại yên bình, các tai hoạ bất thường sẽ hết rập rình vồ dân?

Trần Giang Phương

Thực hiện: depweb

27/02/2013, 10:59