Trước việc một số Nhà xuất bản (NXB) cho ra nhiều loại sách tham khảo (STK) khiến phụ huynh lúng túng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định cho biết: “Từ 2008, Bộ đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT trong thống nhất sử dụng sách giáo khoa (SGK) và các tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông”.
“Quy định nêu rõ hiệu trưởng các trường có trách nhiệm giao các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường có phù hợp. Đồng thời, phát hiện sai sót lớn cần kịp thời báo với cơ quan quản lý giáo dục” – ông Định nói.
Trang sách in hình bản đồ đường lưỡi bò của NXB Tổng Hợp TP.HCM. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tuy nhiên, trước tình hình vừa xảy ra cần có thêm biện pháp nhằm ngăn chặn “sách sạn” vào trường, cụ thể: Về phía cơ quan quản lí cần làm tốt công tác tuyên truyền; Ban hành công văn về hướng dẫn sử dụng STK trong nhà trường, tập trung tăng cường trách nhiệm của giáo viên (GV)…; Yêu cầu GV, hiệu trưởng không giới thiệu, bán các STK.
Ông Định cũng nêu ý kiến về việc định hướng một số tài liệu thảm khảo nhất định được in trên bìa SGK. Sách này sẽ được thẩm định kỹ càng.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng thông tư liên tịch về phát hành sách, tăng cường trách nhiệm của các NXB, tiến tới chỉ một số NXB được xuất bản các đầu sách về GD.
Một số ý kiến lo ngại nếu có “định hướng” các tài liệu tham khảo, dễ dẫn tới độc quyền xuất bản và gây khó cho phụ huynh khi có thể bị “ép mua”. Bộ cần chỉ đạo địa phương xử lí thật nghiêm, công khai các trường hợp trường, GV ép phụ huynh mua STK. Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định STK….
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc lập hội đồng thẩm định xem đầu STK nào có phù hợp đưa vào trường nhận ý kiến cho rằng khó, Bộ không thể ôm hết việc và dễ nảy sinh tiêu cực.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của cơ quan xuất bản. Cần có chế tài xử lí nghiêm với đơn vị vi phạm theo luật. Ông cũng cho rằng người sử dụng, phụ huynh “phải có kiến thức nhất định về STK”.
Ông Hinh đề cao vai trò của “xã hội, báo chí” đã phát hiện sách kém, thông tin để cảnh báo dư luận và người tiêu dùng biết để không mua nữa.
Cùng quan điểm, Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn cho rằng: Quản lí, thẩm định tất cả STK một mình ngành giáo dục không làm được. Bộ chỉ quản lí được STK trong nhà trường. Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền mà dư luận, báo chí có vai trò quan trọng trong phát hiện, ngăn chặn “sách sạn”.