Học sinh và phụ huynh tranh thủ đọc sách, báo trong khi chờ thi tại trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Với học sinh mầm non còn chưa biết chữ, giáo viên các trường mầm non dành thời gian đọc sách cho trẻ và hướng dẫn cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe…
Đó là những biện pháp nhằm thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc trong nhà trường và cộng đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo công văn số 6841/BGDĐT-GDTX vừa được Bộ này gửi đến các sở trực thuộc.
Theo đó, các trường tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại thư viện trường, ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con.
Nhà trường lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Trong công văn này, Bộ cũng yêu cầu các sở đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện.
Theo Bộ, việc này để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
Để thu hút người đọc, Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường nhằm tạo thuận lợi hơn cho học sinh, đào tạo cán bộ thư viện, xã hội hóa các nguồn lực xây dựng thư viện
Bên cạnh việc đọc sách, công văn cũng nhấn mạnh việc thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông với cơ cấu tổ chức linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể. Nhà trường cần chú trọng việc đánh giá học sinh thông qua các dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thay cho các bài kiểm tra.
“Đề nghị các sở giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông,” công văn nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, một trong những mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển năng lực tự học, biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau để có năng lực học tập suốt đời.
“Hệ thống thư viện trường học sẽ góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu đó,” ông Hiển nói.
Theo VietnamPlus