"Bố già" Al Pacino nhận được thư đi lạc 40 năm của John Lennon - Tạp chí Đẹp

“Bố già” Al Pacino nhận được thư đi lạc 40 năm của John Lennon

Review


Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, “Danny Collins” nói về một ca sĩ nhạc rock nổi tiếng từ thập niên 70 đang mắc kẹt trong vàng son quá khứ,  tự bào mòn mình với ngập ngụa những rượu, ma túy và đàn bà. Nhưng khi bất ngờ nhận được lá thư bị thất lạc mà John Lennon viết cho mình từ 40 năm trước, gã ca sĩ già sa đọa này đã quyết định thay đổi cuộc sống hiện tại, ông bắt đầu một hành trình kỳ lạ, để chuộc lại những tháng năm phí phạm đã qua.

Bộ phim mở đầu với cảnh chàng trai trẻ Danny Collins ngồi trong tòa soạn báo, thực hiện bài phỏng vấn với một tay phóng viên sành sỏi và ngạo mạn. Tay phóng viên hỏi “Anh chắc chắn sẽ nổi tiếng. Anh sẽ có tất cả, tiền bạc danh tiếng và đàn bà. Nhưng vì sao anh lại ngồi đây, tỏ vẻ như tất cả những thứ đó làm anh sợ muốn chết?” “Vì đúng là như thế” – Danny đáp lời. Máy quay cận cảnh vào đôi mắt của người nghệ sĩ, để thấy trong đó niềm đam mê đơn thuần, ngây thơ cùng nỗi hoang mang xen lẫn háo hức, sự hoài nghi và tò mò. Một Danny Collins đứng trước cơn bão thành công và danh vọng, lo sợ nó sẽ thay đổi mình trong một tương lai vô định.

(Ảnh: mountainx)

40 năm sau, Danny Collins là cái tên nổi tiếng và quen thuộc với hàng triệu người Mỹ. Dẫu già nua, ông vẫn sung sức ca hát và khiến khán giả phải quay cuồng theo màn diễn của mình. Ông có tất cả: những buổi diễn, sự hâm mộ điên cuồng, một cô nhân tình tuổi teen bốc lửa, máy bay riêng, tiền – rất nhiều tiền. Nhưng trong khoảnh khắc Danny lái xe trở về nhà, một lần nữa chúng ta lại được đối diện với đôi mắt của ông – để cảm nhận được, tất cả những gì còn lại trong người đàn ông này là sự trống rỗng, mệt mỏi, tuyệt vọng. Một nghệ sĩ đã 30 năm không còn sáng tác. Một lão già bệ rạc bị đứa con rơi của mình xua đuổi. Một con người đau khổ mỗi tối đều nghĩ đến chuyện tự tử.

Cuộc sống tưởng như viên mãn của ngôi sao nhạc rock (Ảnh: rogerebert)

Cho đến khi, ông nhận được lá thư mà 40 năm trước huyền thoại âm nhạc John Lennon từng viết cho mình sau khi đọc được bài phỏng vấn trên tạp chí.  Lá thư nói rằng, tiền bạc và danh tiếng sẽ không thể thay đổi Danny hay niềm đam mê âm nhạc. Và rằng “Hãy sống đúng với bản thân anh và âm nhạc của anh.” (Stay true to yourself anh your music). Vậy là Danny tìm cách để “sống đúng với mình”…




Danny và người bạn già, cũng là người quản lý trung thành của mình. Vai người quản lý do Christopher Plummer thủ vai không có quá nhiều đất diễn, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm.(Ảnh: dailymotion)

Nhận xét tổng thể, “Danny Collins” không hẳn là quá đặc sắc.  Bộ phim có đầy những tình tiết cliché (rập khuôn), thậm chí cả vai chính Danny Collins cũng là kiểu nhân vật hao hao với vai chính trong “Manglehorn” cũng do Al Pacino thủ vai vào năm 2014. Ấy vậy mà, phim vẫn lấy được cảm tình của cả người xem lẫn các nhà phê bình âm nhạc nhờ một cảm giác quen thuộc, gần gũi, chân thật nào đó trải dài trong suốt 106 phút phim.

Điểm son lớn nhất của bộ phim là Al Pacino. “Bố già” Al Pacino đã hóa thân thành một ca sĩ nhạc rock “lão thành” quá ngọt! Ở tuổi 75, thật may là Al Pacino được sống trong những vai diễn “đúng tuổi” thay vì phải cưỡi mô tô vác súng ống sắm vai một người hùng trở lại nào đó. Và quả thực, tuổi tác đã khắc lên ánh mắt, cử chỉ, và từng nếp nhăn trên gương mặt Al Pacino một vẻ từng trải quyến rũ và thản nhiên buồn bã khó diễn đạt bằng lời. Al Pacino tạo nên một ca sĩ rock Danny Collins đa chiều, đa diện.  



Al Pacino có gương mặt rất điện ảnh, bất chấp tuổi tác (Ảnh: smithsonianmag)


Có hai cảnh quay mang tính biểu tượng về nhân vật này. Một là vào đầu phim, khi Danny Collins bước ra sân khấu và quay lưng lại với máy quay. Người xem có thể đứng cùng phía với Danny, quan sát viền sáng mà ánh đèn sân khấu vẽ xuống ông, nhìn về đám đông đang reo hò và chờ đợi được vui thích. Cảnh quay thứ hai là khi Danny rảo xuống pinano những nốt nhạc đầu tiên của bài hát ông tự mình sáng tác sau 30 năm, để rồi nghe đám đông gào thét một bản hit “Baby Baby Doll” mà ông hát hàng trăm lần. Danny ngẩng lên, và như lạc đi giữa đám khán giả, ngơ ngác nhận ra họ không chờ đợi thứ âm nhạc tâm huyết mà mình vừa may mắn tìm lại, trân quý giữ gìn. Hành trình “sống đúng với bản thân và với âm nhạc”  đôi khi lại gặp phải rào cản từ chính những người hâm mộ – khi họ chỉ yêu mến và đón nhận những gì quen thuộc.  Bộ phim có một kết thúc khá đẹp, nhưng bi kịch của người nghệ sĩ được khắc họa trong “Danny Collins” thì vẫn là một dấu hỏi.

9 bài hát của John Lennon được đưa vào phim một cách khéo léo, như thể chúng là một phần nội dung phim. Bài hát dang dở mà Danny Collins sáng tác mà chưa có dịp trình bày trước công chúng thực sự gây xúc động, và có một chút gợi nhớ về Leonard Cohen.

Với riêng người viết, chỉ riêng việc được ngắm Al Pacino chơi nhạc tưng bừng trên sân khấu và nhảy nhót điệu nghệ đã đủ lý do để ra rạp xem phim này.

Nếu muốn được nghe lại các bài hát của John Lennon, nếu muốn được ngắm nhìn “bố già” Al Pacino, chẳng có lý do gì bạn bỏ qua “Danny Collins”. Bộ phim đang được trình chiếu tại các cụm rạp ở Việt Nam với các xuất chiếu giới hạn.

Dan Fogelman đảm nhiệm cả vai trò đạo diễn và biên kịch cho bộ phim. Anh đã từng là đạo diễn của phim “Bolt” (2008), “Tangled” (Công chúa tóc dài), “Crazy, Stupid, Love” (2011) và nhiều phim quen thuộc với khán giả Việt Nam. Ngoài Al Pacino, phim có sự góp mặt của những tên tuổi lớn khác như Christopher Plummer, Jennifer Garner, Annette Bening… Phần âm nhạc đặc sắc được đảm nhiệm bởi hai nghệ sĩ Ryan Adams và Theodore Shapiro.

Phim được Imdb đánh giá 7,4/10 điểm. Hiện phim đang được chiếu tại các cụm rạp như BHD, CGV với số xuất chiếu khá giới hạn.

Ca sĩ nhạc đồng quê người Anh Steve Tilston là nguyên mẫu của nhân vật Danny Collins. Năm 1971, Steve khi đó 21 tuổi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tạp chí ZigZag. Khi được hỏi danh tiếng có làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tác của anh không, Steve đã trả lời là có. Đọc được bài phỏng vấn, John Lennon đã viết cho Steve một lá thư ngắn có nội dung: “Trở nên giàu có sẽ không làm thay đổi những trải nghiệm của bạn theo cách mà bạn nghĩ. Sự khác biệt duy nhất giữa giàu có và không giàu có là bạn sẽ không phải lo lắng về tiền bạc, thức ăn hay những thứ tương tự. Nhưng những cảm xúc, trải nghiệm và mối quan hệ của bạn vẫn sẽ như vậy, như bất kỳ ai khác.” Lá thư mà John viết cho Danny Collins trong phim có hơi khác, nhưng đều kết thúc bằng câu hỏi mở: “Bạn nghĩ gì về điều đó?” (So what do you think of that?). Lá thư đã bị thất lạc trong 36 năm, và mãi đến 2010 Steve Tilston mới được đọc nó.

Steve Tilston đã theo đuổi đến cùng niềm đam mê âm nhạc của mình. Tuy không giàu có và quá nổi tiếng, nhưng ông đã phát hành đều đặn 16 album trong suốt sự nghiệp của mình. 

Bài: Hạ Chi


logo

Thực hiện: depweb

16/06/2015, 17:55