“Bỏ đá xuống giếng” chuyện nghệ sĩ “làm hàng”

Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng lại với lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có lẽ là một điển hình mà theo đánh giá của nhạc sĩ Tuấn Khanh: đó chỉ là giọt nước làm tràn ly của một nền giải trí son phấn. Vụ việc này là cơ hội để nhiều “sao” Việt bộc lộ cách ứng xử khôn khéo hoặc thiếu văn minh, văn hóa; và đây cũng là dịp để một lần nữa nhiều người nhìn nhận và bình luận về văn hóa của các thần tượng ngày nay.   

Chùm bài “Văn hóa của thần tượng” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả những quan điểm, góc nhìn khác nhau về vấn đề này.  Không chỉ dừng lại ở thực trạng chung của làng giải trí hiện nay, chùm bài rất mong cuộc tranh luận dần được mở rộng về chủ đề đạo đức và văn hóa ứng xử của mỗi người.

Bài liên quan:

Có một thứ văn hóa nghệ sỹ
TS Phan Quốc Việt: “Nhiều người có văn hóa đang rất… vô văn hóa”
Thần tượng Việt thiếu văn hóa, lỗi tại… mô hình?

Tổ chức: Linh Hanyi

Nghe nhắc, có thể nhiều người sẽ cảm thấy giật mình, nhưng năm 2000 thực ra đã lùi xa hơn một thập kỷ rồi. Đến giờ, chúng ta bắt đầu giải trí bằng phim trực tuyến, đọc báo mạng hàng sáng, nghe internet radio… và bắt đầu lười xuất hiện tại các show diễn.

Nói một cách khác, chúng ta đang sống trong một môi trường mới, với những phương tiện văn hóa và tư duy khác hẳn với những gì rất nhiều người đã từng quen và yêu thích. Điều này dẫn đến sự thay đổi trực tiếp trong thị hiếu văn hóa, mà điều này, tất nhiên, sẽ định dạng lại đội ngũ làm nghệ thuật.

Lạm bàn qua một chút về thị trường.

Chúng ta là một nước nhỏ, luôn ở trong tình thế phải “nhập khẩu” văn hóa từ các nguồn lớn hơn: Mỹ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Trung Quốc… Người tiêu thụ được phân hóa thành nhiều luồng và luôn có xu hướng hạ thấp những nhóm không đồng quan điểm với mình và chỉ để lại một mảng khá nhỏ hẹp cho các nghệ sĩ nội địa. Ngay trong nước mà đã bị cạnh tranh khốc liệt như thế, chúng ta khó có thể có một nền công nghiệp giải trí mạnh khỏe được.

Thứ hai là sự thừa thãi, ồ ạt thông tin dẫn đến khó khăn trong nhận định. Đơn cử, ngay trong đêm chung kết The Voice Kids vừa qua, ngay từ khâu bình chọn, trên rất nhiều mạng xã hội đã có bình luận không hay về Quang Anh. Một số còn đi xa hơn nữa khi đăng lên bức ảnh chụp một công văn của chủ tịch ủy ban phường vận động dân tình bầu cho cháu nó. Tin tức linh thông hay là có người đặt điều bậy bạ? Không rõ lắm, nhưng thiện chí thì chả có mấy.

Bức ảnh lưu truyền trên Facebook những ngày qua

Cuối cùng, với đời sống hiện đại và xô bồ như ngày nay, con người ít thuần phác và khó bỏ qua cái tôi hơn trước nhiều. Điều này dẫn đến việc họ khó bị thu hút bởi những hình mẫu kinh điển của xã hội cũ, như người lao động tận tụy, người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật. Họ cần một món ăn tinh thần khác, lạ lẫm, kích thích hơn. Mà khi nói đến kích thích, sau khi thử qua một lần, họ sẽ có nhu cầu thử liều nặng hơn.

Trong một môi trường khắc nghiệt, không lành mạnh và luôn đòi hỏi những món lạ không liên quan đến chuyên môn, người nghệ sĩ phải làm gì?

Nếu như không biện pháp chống lại, tốt nhất là đi theo. Cách phổ biến nhất là trực tiếp chuyển từ người làm nghệ thuật sang người làm kinh doanh. Người kinh doanh có những phẩm chất bền bỉ hơn người nghệ sĩ, cho phép họ sống sót trong môi trường khắc nghiệt vào những thời điểm khó khăn. Người kinh doanh biết cách thu hút đối tượng của mình, biết sử dụng những công cụ không có trong nghệ thuật để thu về sự chú ý và qua đó  thu lợi nhuận.

Trong vụ lùm xùm vừa qua, Mr. Đàm đã tung ra một màn PR xuất sắc, vừa tăng độ phủ của tên tuổi, vừa phản biện lại nhận xét có phần hơi khắt khe của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Với một số người, đây có thể coi là màn kịch sến súa sặc mùi cải lương của nam ca sĩ thành công vào mặt hàng đầu Việt Nam, nhưng từ phương diện gây kích thích và thu hút sự quan tâm đến các sản phẩm thì chắc chắn đây là một thành công rực rỡ.

Điều quan trọng nhất là Mr. Đàm đã khai thác chuẩn xác ấn tượng mà mình đã dày công xây dựng từ rất nhiều vụ scandal trước đó: hoa mỹ, lòe loẹt, oái oăm giật cục, không ngại gây dư luận. Những điểm này không thể coi là một hình ảnh tốt từ quan điểm chính thống nhưng lại rất phù hợp với một xã hội thông tin bừa bãi và những “khách hàng” luôn tìm kiếm những gì méo mó để chê bai và bình luận.

Tôi khâm phục anh từ tận đáy lòng.

Để kết thúc, tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa: có thực mới vực được đạo. Chính những con người không ngại tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần – dù nó chẳng tốt đẹp gì – mới là rường cột của nền công nghiệp giải trí. Những nghệ sĩ như Mr. Đàm có thành công và cộng đồng fan của riêng họ, đó là một loại thành tựu. Không thuộc vào lớp người có thể thưởng thức “văn hóa” mới cũng là một cái thiệt.

Tốt nhất, chúng ta nên tự an ủi mình theo cách người “già” hay làm, đó là chờ đến khi lũ trẻ ngay sát mình già đi và phải trải qua những kinh nghiệm không dễ chịu với lũ ranh con, và cười vào mũi chúng nó.

Bài: Conrad


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category