Điều gì khiến “Gái nhảy” trở thành “hiện tượng” của điện ảnh Việt Nam? Sự bứt phá, sự mới lạ, sự khác biệt? Cho dù đến giờ, người ta không ngừng giễu cợt “Gái nhảy” như một thứ bệnh tật của nền điện ảnh Việt Nam (vốn vắng te người xem và chẳng ai đoái hoài suốt một thời gian dài), nhưng nếu nhìn lại vào thời điểm “Gái nhảy” ra đời, bộ phim được công luận, báo chí đón nhận nồng nhiệt. Và giống như sợ bị cười, bị khinh “mấy cái phim ‘Gái’ mà cũng khen”, nhiều người đổ xô chê bai “Gái nhảy” và cả những phim theo dòng “gái” này…
1. Thương mại, hay là chết!
Sự chê bai dè bỉu dòng phim thương mại cũng giống như một nỗi sợ hãi rằng thứ phim này sẽ giết chết nền điện ảnh nước nhà. Sự thật: công chúng số đông vẫn thích phim giải trí, không chỉ công chúng Việt Nam mà công chúng trên toàn thế giới. Các nhà làm phim của các kinh đô điện ảnh khổng lồ như Hollywood, Bollywood và Hàn Quốc hiểu rõ điều đó. Họ gọi dòng phim thương mại là mainstream – dòng chính thống. Trong khi đó, nhiều nhà làm phim quả quyết rằng, điện ảnh Iran chính là mục tiêu để các nhà làm phim Việt Nam vươn đến… Người ta quên một điều, các nhà làm phim Iran không làm phim để cho dân họ xem – họ làm để lấy tiền của các quỹ tài trợ phương Tây. Bắt các nhà làm phim Việt Nam chạy theo phim Iran, vừa thấy tội nghiệp cho các nhà làm phim mà cũng tàn nhẫn với cả công chúng.
Cũng chính lẽ đó, khi các hãng phim tư nhân ra đời và mong muốn sản xuất phim thương mại ăn khách, họ đau đầu tìm kiếm người có tư duy làm phim chính thống. Làm phim thương mại mà vẫn với tư duy cũ, cách làm cũ thì cũng chẳng kéo được khán giả đến xem. Nhiều nhà sản xuất nghĩ rất đơn giản: phim nghệ thuật là phim “kể khô”, phim thương mại là phim “lòi da”, muốn câu khách thì cứ tìm diễn viên đẹp, mời ca sĩ người mẫu càng tốt, cho tắm khoả thân, yêu đồng tính, thế là có khách. Suy nghĩ sai lầm dẫn đến làm phim sai lầm. “39 độ yêu” là ví dụ điển hình: cứ ngỡ có ca sĩ, có người mẫu, có mafia, có đánh đấm, có yêu tình ba, hận tay tư là có khách. Phim làm ra với những motif cũ mèm, với cách làm cũ mèm (kiểu như bỏ thuốc mê lừa tình) chỉ khiến khán giả lắc đầu ngao ngán và càng đâm ra nghi ngờ.
2. “Thương mại” bảy món!
Tết năm nay, khán giả có nhiều chọn lựa hơn. Đào Duy Phúc được đánh giá cao với “Chiến dịch trái tim bên phải”, đã được hãng Thiên Ngân mời làm “2 trong 1”. Lê Bảo Trung tự tin với phim truyện nhựa đầu tay “Đẻ mướn” của hãng phim Phước Sang. Nguyễn Quang Dũng quá tự tin với tác phẩm đầu tay của chính anh lẫn hãng HK Film với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Thêm nữa là “Chuyện tình Sài Gòn” của Ringo Lê và “Thập tự hoa” của Lý Khắc Linh. Trước khi được xem, mọi người đều mong chờ có một sự mới mẻ, đột phá của thế hệ đạo diễn mới này.
Sau khi các phim đã chiếu nội bộ, nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng ba phim năm nay. Xét bề mặt chung, ba phim tranh rạp Tết năm nay (gồm “Đẻ mướn”; “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”; “2 trong 1”) có chất lượng hơn ba phim Tết năm ngoái. Nhiều người khen và đánh giá cao “Đẻ mướn”, tin chắc phim sẽ ăn khách nhất năm nay, nhất là sau nhiều tràng cười, vỗ tay của khán giả xem buổi chiếu ra mắt. Trong khi đó, không khí xem phim hài “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” lại im lặng đến đáng sợ và khi rời khỏi rạp, có phóng viên… hoang mang lẫn bực bội, nhưng cũng có người tủm tỉm cười không bình luận. “2 trong 1” của Đào Duy Phúc lại đón nhận những nụ cười khúc khích và cảm giác nhẹ nhàng… Nhưng khoan vội đánh giá phim nào hay, phim nào dở, bởi “gout” xem phim mỗi người một khác.
a. “2 trong 1”: An toàn
“2 trong 1” chọn một liệu pháp an toàn: làm phim theo cách cũ, kiểu cười cũ, kiểu tình cảm cũ. Người xem không bị dội và có thể đoán trước được diễn biến phim – mà người ta vốn thích những gì quen thuộc. Với một kịch bản chặt chẽ do biên kịch người Mỹ viết, dàn diễn viên đẹp với một Thành Lộc giả gái vẫn rất duyên và hài như trên sân khấu kịch, một Ngô Thanh Vân lộng lẫy, yêu kiều, một Võ Thành Tâm đẹp trai và đáng yêu; âm nhạc hay, câu chuyện thú vị, đạo diễn xử lý câu chuyện khá tốt, hãng Thiên Ngân đã có một sự đầu tư “an toàn” cho “2 trong 1”. Nhưng cũng vì thế, bộ phim không có sự bứt phá nào để đọng lại trong lòng người xem nhiều điều. Phim hay, bước ra rạp, lòng nhẹ nhàng thanh thản và… trôi tuột. “2 trong 1” sẽ ăn khách, nhưng sẽ khó trở thành blockbuster (một phim bom tấn) vì thiếu sự táo bạo.
b. “Đẻ mướn”: Thử nghiệm
Xét về tay nghề đạo diễn thì “Đẻ mướn” là yếu nhất, về quay phim, ánh sáng và chỉ đạo diễn xuất. Không bàn đến vài pha nóng bỏng trong phim (thể hiện sự hời hợt về cách nhìn nhận cuộc sống của đạo diễn khi mô tả cảnh phòng the của hai vợ chồng sống lâu năm không có con mà bày lắm trò “múa” trên giường, trong khi lẽ ra cả hai vợ chồng phải có những ức chế về tâm lý), không bàn đến những màn chọc cười (cũ kỹ với những cảnh đụng đầu của Phương Thanh), bộ phim được cứu nhờ một màn hành động gay cấn khá ấn tượng và mới lạ so với phim Việt Nam trước nay ở cuối phim.
Chỉ với 10 phút cuối cùng, bộ phim được cứu lại vì làm người xem thấy thích thú và quên hết 80 phút mệt mỏi và buồn ngủ trước đó. Nói cách khác, khán giả đi xem “Đẻ mướn” để xem pha hành động đua xe kiểu Việt Nam rồi ra về trong sung sướng! Nhà sản xuất hẳn cũng chả mong chờ gì hơn…
c. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”: Bứt phá
Trong khi đó, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là cú chơi liều lĩnh của những người đầu tư. Phim có thể làm nên hiện tượng như “Gái nhảy” đã từng làm nhờ sự bứt phá, nhưng cũng có thể chết ngay tức thì như “1735km” vì quá lạ đến… xa lạ với người xem! Nguyễn Quang Dũng không lường trước được sự phản cảm đối với số đông khán giả quen xem phim nhẹ nhàng, quen thuộc. Cách làm mới quyết liệt, đảo lộn mọi trật tự môtif theo lối nghĩ thông thường, giễu cợt những gì lặp lại là tôn chỉ của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” lại làm nhiều người khó chịu. Anh hàng thịt thì yêu cô vợ vừa hôi nách, vừa hung dữ; anh Trương Ba đẹp trai, phong lưu thì hóa ra là kẻ đồng tính; cứ ngỡ Trương Ba là kẻ lừa đảo thì lại cảm thông vì khao khát thực hiện “ước mơ thầm kín” của bạn trai Trương Ba; người tưởng bị điên thì hoá ra là tỉnh, còn kẻ tưởng tỉnh táo thì hoá ra điên nặng…
Chỉ có khán giả trẻ, hay xem phim nước ngoài, thích nghi với cái mới mới theo kịp tiết tấu phim nhanh, mạnh của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Sự giễu cợt còn khiến đạo diễn khác sau này cũng ngại “xài lại” motif cũ. Chẳng hạn vì cảnh cô Thị bị chồng bỏ, trời ập cơn mưa, cô nàng oà lên “Trời mưa… chia tay… Phim nào cũng vậy hết” mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đành cắt luôn đoạn chia tay trong mưa của phim “Tuyết miền nhiệt đới” mà anh đang quay vì Anh Thư nhất quyết không chịu đóng!
3. Được làm vua, thua… làm lại!
Ba phim thương mại Tết năm nay, một phim “an toàn” làm theo cách cũ, một phim vừa làm theo kiểu cũ, vừa nhấn nhá vài cảnh “mới lạ” và một phim “mới một cách quyết liệt” sẽ cùng tranh nhau xem phim nào ăn khách. Chuyện ăn khách của ba phim không đơn giản là chuyện doanh thu, nó còn cho thấy được phần nào thị hiếu khán giả, nhu cầu công chúng, từ đó mà các hãng phim cứ lần theo mà đi. Năm tới, phim thương mại Việt Nam sẽ làm theo kiểu cũ hay đột phá kiểu mới sẽ phụ thuộc vào thành bại của ba phim chiếu Tết năm nay./.