Black Mirror – Phản chiếu trần trụi về con người trong thời đại công nghệ

Bạn có bao giờ hình dung có một app (ứng dụng) điện thoại có thể đưa một người thân đã mất quay lại bằng cách tái tạo lại tính cách của họ thông qua những nội dung đã chia sẻ trên các mạng xã hội khi còn sống?

Đó là ý tưởng khởi nguồn cho tập phim “Be Right Back” từ seri phim truyền hình “Black Mirror” của Anh. Cặp đôi trẻ Ash và Martha cưới nhau chưa được bao lâu thì Ash qua đời vì một tai nạn giao thông, để lại Martha tuyệt vọng với một sinh linh bé nhỏ đang thành hình. Trong cơn buồn đau, Martha sử dụng app điện thoại nói trên để tái tạo lại Ash từ những ký ức tươi đẹp giữa hai người, và cô còn dấn bước sâu hơn trên con đường tìm kiếm sự an ủi vô hình khi đặt mua một robot có hình dạng của Ash và những ký ức rời rạc được tái tạo lại từ những chia sẻ của Ash trên Twitter và email…

Ảnh: nadiabulkin

Tương tự như Sherlock, mỗi mùa phim “Black Mirror” chỉ có 3 tập với độ dài mỗi tập khoảng 60 phút. Tuy nhiên, các tập phim của Black Mirror gần như độc lập với bối cảnh riêng biệt, dàn diễn viên và đạo diễn được thay mới sau mỗi tập. Cũng vì vậy, phong cách của các tập phim cũng rất khác nhau: nếu “The National Anthem”“The Waldo Moment” khai thác đề tài chính trị thì “Be Right Back” hay “Entire History of You” lại chọn đề tài tình cảm. Điểm chung của cả bộ là lựa chọn đặc tả những công nghệ đã phổ biến hoặc sẽ trở nên phổ biến trong tương lai gần như mạng xã hội, điện toán đám mây, thiết bị lưu trữ ký ức, hoặc người trợ giúp cá nhân như Siri trên iPhone hay Cortana trên Lumia.

Ảnh: nyoobserver

Tuy nhiên, nhà biên kịch Charlie Brooker mới chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt gắn kết cả bộ phim. Dưới ngòi bút sắc bén của Brooker, mặt trái của công nghệ khi bị con người lạm dụng dần hiện ra. Xuyên suốt các tập phim, đôi lúc cách dẫn dắt câu chuyện đã khiến người xem chủ quan nghĩ rằng mục đích của phân cảnh đó chỉ để chỉ trích chủ đề chính một cách hời hợt qua những tình huống cliché sáo rỗng đã được hàng trăm bộ phim sử dụng, cho đến khi đoạn kết của câu chuyện được hé lộ với những cú twist quay ngoắt khiến người xem sững sờ. 

Đơn cử như tập “White Bear” với bối cảnh gợi nhớ hàng chục bộ phim zombie (xác sống) đã làm trước đó: Một người phụ nữ thức giấc từ giường bệnh, cảnh vật chung quanh hoang tàn, và khi bước ra đường cô bị truy đuổi bởi những người đeo mặt nạ quái dị. Nhưng, người đi đường lại liên tục dùng điện thoại để chụp lại sự kiện đang diễn ra một cách vô cảm. Và cái kết bất ngờ của phim lại là sự phản chiếu trần trụi cho sự thật đáng ghê tởm về đám đông giận dữ và tính cách hiếu kỳ của con người bị thu hút tự nhiên bởi bạo lực.

Ảnh: darkcornerbooks

Dẫu vậy, góc nhìn của người kể chuyện lại rất nhạy cảm và đầy bao dung với những sắc thái tình cảm tiêu cực của con người, từ buồn đau, hối tiếc cho đến ghen tuông, hận thù… Đối tượng chính mà Black Mirror hướng đến còn nằm ở tầm rộng hơn: sự mù quáng và hiếu kỳ thấp hèn, tâm lý đám đông, những trò bẩn trong chính trị, sự kiểm soát tinh vi của bộ máy với quyền cá nhân…

Ảnh: radiotimes

Dù dàn diễn viên thay đổi sau mỗi tập phim, họ vẫn kịp để lại một ấn tượng về diễn xuất cho người xem. Trong tập đặc biệt dành cho mùa Giáng Sinh vừa lên sóng tháng 12 năm 2014, Jon Hamm, nam diễn viên giành giải Quả Cầu Vàng năm 2014 cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong “Mad Men”, đã có thêm một vai diễn xuất thần khi vào vai một nhà tư vấn tâm lý thiếu đạo đức trong thời kỳ công nghệ cao. 

Không khó hiểu khi Black Mirror được giới phê bình đánh giá cao. Black Mirror đã nhận được giải Emmy quốc tế năm 2012 (cho Mini series xuất sắc nhất của năm), còn Imdb đánh giá bộ phim được 8.8/10, một điểm số đáng ngưỡng mộ dành cho một bộ phim truyền hình. Nếu đang tìm kiếm một bộ phim khiến bạn phải tự vấn lại giá trị hiện hữu đích thực của con người trong thời buổi ranh giới giữa quyền lực tự nhiên và quyền lực công nghệ nhân tạo ngày càng nhoè dần, “Black Mirror” chính là lựa chọn đích đáng.

Bài: Jiari


logo


From the same category