"Black Mirror" mùa 6: Phần phim xa lạ và nhạt nhoà nhất từ trước đến nay! - Tạp chí Đẹp

“Black Mirror” mùa 6: Phần phim xa lạ và nhạt nhoà nhất từ trước đến nay!

Review

Trở lại với mùa thứ 6, series đình đám “Black Mirror” được kỳ vọng sẽ tiếp tục đem đến những câu chuyện đen tối về mặt trái của công nghệ. Tuy nhiên, có vẻ như biên kịch Charlie Brooker đang muốn đem đến một làn gió mới, dù điều này khiến người hâm mộ không còn “cảm” được cái chất “Black Mirror” trong mỗi tập phim nữa.

*Lưu ý: bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và mang tính chất tham khảo cho bạn đọc. 

“Black Mirror” là một phim truyền hình khoa học viễn tưởng nổi tiếng, bao gồm những câu chuyện riêng lẻ với nhiều thể loại khác nhau, hầu hết đều lấy bối cảnh trong tương lai gần khi công nghệ đã phát triển vượt bậc. Ngay từ khi mới ra mắt, phim đã gây được tiếng vang lớn khi đề cập đến vô số vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay do con người dần lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, như khủng hoảng danh tính, bạo lực mạng xã hội, xâm phạm quyền riêng tư,… Sau 5 mùa phát hành, “Black Mirror” được đánh giá là một trong những series “phải xem” trên Netflix.

Tuy nhiên, trong mùa mới nhất, “Black Mirror” dường như không còn là bộ phim mà chúng ta vẫn biết nữa. Và điều này đã được biên kịch của series “cảnh báo” trong một cuộc phỏng vấn với Tudum vào hồi tháng 6, rằng: “Series này phải luôn đổi mới và khiến khán giả tò mò. Vì thế chúng tôi có một vài yếu tố mới… để mở rộng nội dung của mỗi tập phim”. Trên thực tế, yếu tố mới ở mùa 6 có nguy cơ giúp bộ phim đến ranh giới của điểm đột phá: lần đầu tiên “Black Mirror” đả động đến thế giới siêu nhiên. Cho đến bây giờ, mục đích của phim luôn là phản ánh một cách châm biếm thế giới hiện tại của chúng ta. Tất cả các tập phim mang tính bước ngoặt trong series đều phản chiếu đời sống của chúng ta theo cách phóng đại, kịch tính hơn cũng như một viễn cảnh tương lai thật tàn khốc.

Giữa vô vàn những công nghệ đang phát triển mỗi ngày, Charlie Brooker lại chọn yếu tố tâm linh để thêm vào mùa phim mới nhất. Điều đó đã thay đổi nền tảng của toàn bộ series. Chất lượng kịch bản vẫn tương đối ổn định khi khắc hoạ rõ nét về bản chất con người, cho dù nó đang bị quái vật hay phần mềm độc hại tấn công. Tuy nhiên, bằng cách nới lỏng các ranh giới giữa khoa học viễn tưởng và yếu tố tâm linh, “Black Mirror” có nguy cơ sẽ trở thành một bộ phim bình thường hơn, với những nỗi kinh hoàng do thế lực siêu nhiên mang đến, và vì thế không thể phản ánh điều gì quá sâu về đời sống hiện đại. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phiên bản mới của “Black Mirror” không thú vị. Nếu bạn đã cảm thấy mệt mỏi với những nỗi kinh hoàng đến từ công nghệ cao của các mùa trước, thì việc chuyển sang yếu tố huyền bí có thể sẽ khiến bạn cảm thấy “dễ thở” hơn.

Xét cho cùng, “Black Mirror” ra đời để thu hút nhiều cuộc thảo luận và phá vỡ lối suy nghĩ rập khuôn. Ở mùa 6, tính đa dạng và mâu thuẫn vẫn được đưa vào cấu trúc câu chuyện của mỗi tập. Dưới đây là xếp hạng và đánh giá của Đẹp cho 5 tập phim, theo thứ tự từ thiếu hấp dẫn nhất cho đến ấn tượng nhất!

Tập 4 “Mazey Day”: Gấp gáp, bất ngờ, rời rạc và không “tới”

“Mazey Day” bị coi là phần phim “yếu” nhất, phần lớn do nhịp điệu quá gấp gáp và cách phát triển tình tiết nhạt nhoà, dù ý tưởng ban đầu của nó tương đối ấn tượng. Người xem được đưa về năm 2006 – thời kỳ của văn hóa người nổi tiếng với những bức ảnh chụp lén tràn lan trên báo lá cải. Hai nhân vật chính là ngôi sao nổi tiếng Mazey Day và tay săn ảnh bất đắc dĩ Bo. Mazey tìm cách lẩn trốn truyền thông sau bê bối say rượu và nhiệm vụ của Bo là phải theo dõi nhất cử nhất động của cô. Khi ngôi sao nói chuyện với bác sĩ của mình, hẳn nhiều người đã nghĩ đến việc cô đang trong quá trình cai nghiện – một “hiện tượng” đã quá quen thuộc với những người nổi tiếng vào thời đó. Chỉ khi Bo đột nhập vào phòng của Mazey và khám phá ra bí mật thực sự, khán giả mới nhận ra tập phim “Black Mirror” này đã xa rời tinh thần chung của toàn bộ series đến mức nào.

Tập phim này đã phá vỡ “quy tắc” của “Black Mirror” theo trong một số khía cạnh nhất định, như: bối cảnh quá khứ, yếu tố siêu nhiên và gần như hoàn toàn thiếu vắng vai trò của công nghệ – nhưng đó chưa phải lý do vì sao “Mazey Day” không được đón nhận. Tập phim chỉ đưa ra sự thiếu đạo đức nghề nghiệp, sự cố chấp và những hành vi mang tính xâm phạm đời sống cá nhân một cách thái quá của những tay săn ảnh. Dù rằng vẫn có ẩn ý về tính nhân văn, nhưng “Mazey Day” vẫn chưa khai thác khía cạnh này hiệu quả. Sự biến đổi của Mazey được đưa ra như một ví dụ điển hình về sự áp đặt và đòi hỏi của xã hội đối với cơ thể phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Cảnh quay cuối đã làm suy sụp hoàn toàn cách xây dựng nhân vật của Bo, khi không thể đưa ra bất cứ điều gì làm chúng ta có cái nhìn khác đi về cánh săn ảnh.

Tập 3 “Beyond the Sea”: Nỗi cô đơn “lê thê”, thiếu đột phá

Nếu “Mazey Day” thiếu thời gian để phát triển ý tưởng trọn vẹn, thì tập 3 – “Beyond the Sea” lại gặp vấn đề ngược lại. Thời lượng 80 phút với nhịp điệu chầm chậm thiếu điểm nhấn dường như là quá nhiều đối với câu chuyện về hai người đàn ông cô độc ngoài vũ trụ. Tập phim đưa chúng ta trở lại năm 1969. Tuy nhiên, thay vì đặt chân lên mặt trăng đúng như lịch sử, chương trình hàng không Hoa Kỳ lại thực hiện một sứ mệnh kéo dài 6 năm, với hai người tham gia là David và Cliff. Cơ thể của họ đang ở trên một con tàu vũ trụ nhưng họ dành phần lớn thời gian để cho ý thức của mình truyền xuống các bản sao người máy trên Trái đất. Sau một biến cố khiến David không thể kết nối với Trái đất, Cliff đã cho David cơ hội sử dụng bản sao của mình. Trong phần lớn thời gian còn lại của tập phim, David, Cliff cùng vợ là Lana rơi vào vòng xoáy của những rắc rối có thể dễ dàng dự đoán được.

Nam diễn viên Aaron Paul đã có màn thể hiện tuyệt vời khi diễn tả trọn vẹn hai tinh thần đối lập của hai người đàn ông, dù trong cùng một nhân dạng. Tuy nhiên, kịch bản thì lại gây thất vọng bởi đã đi vào lối mòn. Các nhân vật hành động thiếu cân nhắc với những tình huống cũ kỹ mà chỉ cần xem nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng, bạn sẽ đoán được ngay tình tiết tiếp theo. Điểm sáng là cú “quay xe” ở cuối: một hành động ác ý nhỏ nhặt vậy mà lại “khóa” Cliff và David vào trạng thái cân bằng địa ngục. Vì hai người đàn ông đều phải hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn, nên nếu họ không thể làm việc cùng nhau, cả hai sẽ chết trong không gian. Có thể coi đây là một ví dụ kinh điển về những “nhà tù hiện sinh” mà “Black Mirror” đã dàn dựng rất tốt. Nhưng cao trào này của tập phim lại có phần “xấu xí”: nó biến nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm thành một món đồ chơi bị thèm muốn và bị giành giật. Cuối cùng, “Beyond the Sea” không còn là câu chuyện về công nghệ hay nỗi cô đơn giữa vũ trụ mênh mông, mà là về “cái tôi” và sự cay nghiệt của đàn ông…

Tập 1 “Joan is Awful”: Một “White Bear” tươi sáng nhưng bị quá tải thông điệp

Tập duy nhất của phần này đem đến cho fan của “Black Mirror” cảm giác quen thuộc là tập 1 – “Joan is Awful”. Nó xoay quanh Streamberry, một dịch vụ phát trực tuyến tương tự Netflix. Nhân vật Joan phát hiện ra rằng cuộc sống của cô đang được phát sóng trên nền tảng này như một chương trình truyền hình trực tiếp. Motip này dễ dàng gợi nhắc người xem về tập phim “White Bear” của season 2 – nhưng theo một cách nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn.

Điểm cộng của tập phim này là nó được thể hiện theo phong cách hài hước khá đặc trưng của “Truman Show”, đồng thời khắc sâu hơn ám ảnh về khủng hoảng hiện sinh. Điều đáng sợ nhất trong cơn ác mộng này là hành vi trong thế giới thực của Joan đã được lên kịch bản một cách tinh vi nhằm ném cô vào những tình huống tồi tệ nhất có thể. Đây có thể coi là một lời cảnh báo về những rắc rối mà tiềm năng vô tận của công nghệ có thể gây ra. Trong khi đó, điểm trừ của “Joan is Awful” nằm ở phần nội dung bị quá “ôm đồm”. Biên kịch đã đề cập đến livestream (phát sóng trực tuyến), AI, thao tác thuật toán, deepfake,… Những vấn đề đó đủ để khai thác trong cả một mùa phim, nên khi rút gọn thành một tập sẽ dẫn đến tình trạng lan man mà lại chẳng đi đến đâu, khiến người xem không chắc mình nên rút ra điều gì từ tập phim này.

Tập 5 “Demon 79”: Nét “chấm phá” hấp dẫn dù không quá vượt trội

Nida là một nhân viên cửa hàng ở Anh vào cuối những năm 70. Ngày nọ, cô đã triệu hồi lên một con quỷ và bị đe doạ rằng phải giết ba mạng người nếu muốn cứu thế giới khỏi tận thế. Bản thân cốt truyện khá đơn giản so với thời lượng hơn 1 tiếng, tuy nhiên, không giống như “Beyond the Sea,” “Demon 79” thú vị hơn nhiều vì nó ít nghiêm túc hơn. Phần lớn sự hài hước đến từ cuộc nói chuyện giữa Nida và con quỷ Gaap. Đồng thời, những căng thẳng về chủng tộc và chính trị cũng đang âm ỉ “bắt lửa” bên dưới vở kịch câm. Nida có cái nhìn sâu sắc về tương lai của các chính trị gia: làn sóng chủ nghĩa phát xít,… “Demon 79” còn được hoàn thiện với vô số hình ảnh liên quan đến các tập “Black Mirror” trước đây. Theo như giả thuyết của người hâm mộ dựa trên các Easter eggs (chi tiết được giấu tinh tế trong phim – PV), phần lớn các câu chuyện của “Black Mirror” xảy ra trong cùng một vũ trụ, thì có thể hiểu “Demon 79” là câu chuyện gốc của tất cả những gì chúng ta đã thấy diễn ra ở các phần trước.

Cuối cùng, đối mặt với sự chết chóc trên trái đất, hay sự lãng quên vĩnh viễn trong bóng tối, Nida đã chọn đồng hành cùng bạn mình là Gaap trong cõi vô vọng. Đó là phần kết kỳ lạ của một mùa phim mang đến nhiều ý tưởng nhưng ít khoảnh khắc vượt trội đáng nhớ. “Demon 79” có thể khác xa so với những tập phim “Black Mirror điển hình”, nhưng nó thú vị và hấp dẫn đến mức khó có thể cưỡng lại được.

Tập 2 “Loch Henry”: Gợi mở màn đậm màu “Gương đen” nhất!

Tập 2 – “Loch Henry” dễ dàng trở thành tập hay nhất của một mùa phim thiếu nhất quán. Tuy không có công nghệ hiện đại làm bệ phóng, đây là tập phim gần nhất với những yếu tố đã khiến “Black Mirror” trở nên nổi tiếng. Không có cạm bẫy của khoa học viễn tưởng hay thế lực siêu nhiên, tất cả chỉ là một cuộc kiểm tra “ảm đạm” về tội ác thực sự và việc thương mại hóa những nỗi đau.

Cặp phóng viên trẻ Davis và Pia đang trên đường đến bắc Scotland để thực hiện một bộ phim tài liệu về thiên nhiên. Vượt xa mong đợi, tại vùng quê buồn chán này, họ khám phá ra câu chuyện về quá khứ đen tối đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi đây. Hai người quyết định sẽ theo đuổi đến cùng nguồn cơn sự việc để làm một bộ phim tài liệu, vì tin chắc rằng những câu chuyện giật gân về giết người sẽ gây được sự chú ý lớn. Thậm chí, họ còn dự đoán rằng, nếu phim đủ hấp dẫn sẽ giúp phục hồi du lịch địa phương.

Trên thực tế, đó chính là việc thương mại hoá những trải nghiệm đầy đau đớn, nhằm lôi kéo khách du lịch, vì chúng ta đều hiểu rõ những câu chuyện kinh dị hay mang tính chất tàn ác thường bán rất chạy và thu hút được lượng lớn người quan tâm.Tuy nhiên, trong quá trình theo dấu những mẩu chuyện được chắp vá từ một chồng băng VHS cũ kỹ, Davis và Pia đã khám phá ra bí mật kinh hoàng. Dĩ nhiên, đối với fan của thể loại kinh dị thì cú “quay xe” của “Loch Henry” không thể xem là quá khó đoán. Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ không phải là điểm nhấn của câu chuyện. Điều quan trọng là tập phim này đã đưa người xem trở lại thời kỳ mà công nghệ còn thô sơ, nhưng chính nó cũng là đại diện mạnh mẽ cho sự thật. Tương tự như một số tập phim ấn tượng nhất của “Black Mirror”, nó mang đến câu chuyện đạo đức đầy những khúc quanh, bước ngoặt, bài học về công nghệ cũng như cách nó tác động đến cuộc sống của chúng ta.

Tác giả: Vũ Thảo

30/06/2023, 16:33