Biotin được biết đến như là “thần dược” trị rụng tóc, là vị cứu tính cho hội chị em mỗi mùa tóc rụng. Nhưng sử dụng Biotin có thực sự hiệu quả như những gì bạn vẫn nghĩ?
Dưới góc nhìn của ngành làm đẹp, khoảng thời gian lãng mạn cuối năm còn được biết với một tên gọi khác là “mùa tóc rụng”. Vào những ngày này, thời tiết trở nên hanh khô, các tuyến dầu ở chân tóc hoạt động kém khiến da đầu thiếu độ ẩm và phần chân tóc bị yếu đi, từ đó dẫn đến tình trạng tóc gãy rụng.
Biotin trở thành từ khóa quen thuộc trên các diễn đàn làm đẹp. Và các câu hỏi liên quan đến biotin như “Nên uống bao nhiêu biotin để chữa rụng tóc”, “biotin tốt nhất để kích thích mọc tóc” là những kết quả tìm kiếm có lượt truy cập tăng vọt trên Google trong suốt hai tháng qua.
Liệu biotin có thực sự giúp cải thiện tình trạng tóc rụng và bạn có thật sự cần bổ sung thêm thành phần này vào quy trình chăm sóc cá nhân hàng ngày hay không?
Được biết đến như là “thần dược” trị rụng tóc, biotin đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Bổ sung biotin (còn được gọi là vitamin H hay vitamin B7) sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong cơ thể, hỗ trợ giải độc gan, đặc biệt là cải thiện những lớp keratin – một thành phần protein cấu thành sợi tóc và móng, từ đó, hạn chế được tình trạng rụng tóc. Đồng thời, biotin còn có tác dụng nâng cấp và củng cố lớp keratin, mang lại độ bóng mượt và chắc khỏe cho tóc.
Thông thường, một người trưởng thành chỉ cần từ 30 đến 100 microgam biotin cho một ngày sinh hoạt. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã chứng minh rằng chỉ riêng một quả trứng luộc đã cung cấp 10 microgam biotin, chiếm 33% lượng biotin khuyến nghị cho một ngày. Do đó, hầu hết chúng ta không cần bổ sung thêm thành phần này bởi cơ thể đã tự tích luỹ đủ qua chế độ ăn uống hằng ngày.
Theo bác sĩ Shanthi Colaco của trường Y khoa San Francisco, chỉ với chế độ ăn lành mạnh đầy đủ dinh dưỡng từ thịt, cá, trứng, hạt và các loại rau củ – những nguồn biotin phổ biến, cơ thể bạn đã hấp thụ được lượng biotin cần thiết. Vậy nên, trên thực tế, có rất ít trường hợp thực sự thiếu hụt biotin và phải bổ sung bằng các loại viên uống.
Nhiều người vẫn cho rằng không có tác hại nào đáng kể nếu cơ thể lỡ thừa biotin. Bởi lẽ, đây là một loại vitamin hòa tan trong nước và bất kỳ lượng dư thừa nào trong cơ thể sẽ được thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, gần đây, một số trường hợp bị nổi mụn sau khi sử dụng các loại viên uống bổ sung biotin đã được ghi nhận.
Bác sĩ da liễu Dhaval Bhanusali tại Bệnh viện Mount Sinai (New York) giải thích rằng: “Về lý thuyết, việc bổ sung biotin quá liều có thể làm giảm sự hấp thụ các vitamin trị mụn khác trong cơ thể, đặc biệt là vitamin B5 – một phần của hàng rào bảo vệ da. Vì vậy, điều này đã phá vỡ hàng rào bảo vệ da và gián tiếp khiến da nổi mụn. Tuy vậy, trên thực tế, rất hiếm xảy ra trường hợp quá liều hay ngộ độc biotin.
Bên cạnh việc đảm bảo cho cơ thể luôn nhận được lượng biotin cần thiết thông qua chế độ ăn lành mạnh, có vô số điều quan trọng khác mà bạn cần lưu ý khi đối phó với tình trạng rụng tóc.
Gội đầu đúng cách: Không nên gội đầu hàng ngày nhưng cũng đừng đợi đến khi đầu quá bết mới gội bởi khi đó tóc bạn trở nên yếu hơn và rất dễ gãy rụng. Bạn cũng nên chọn dầu gội có thành phần nuôi dưỡng da đầu, và không nên dùng móng tay để cào tóc khi gội.
Để mái tóc nghỉ ngơi: Sợi tóc yếu sẽ dễ gãy và rụng hơn. Bạn cần tránh làm tổn thương nang tóc bằng việc buộc tóc quá chặt, tạo kiểu bằng nhiệt quá nóng hay dùng hóa chất uốn, duỗi, tẩy nhuộm quá thường xuyên.
Cấp ẩm cho mái tóc: Việc dưỡng ẩm thường xuyên cho tóc là chìa khóa để giữ chất sừng keratin khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng tóc rụng. Bạn có thể sử dụng mặt nạ dưỡng tóc 2 lần/tuần để cấp ẩm sâu cho mái tóc. Nếu da đầu của bạn quá khô, hãy kết hợp massage với dầu dừa, dầu jojoba, dầu argan hay dầu bơ để dưỡng ẩm cho da đầu.