Những ngày gần đây, mạng xã hội gần như dậy sóng trước sự việc hàng loạt nghệ sỹ nữ bị bình phẩm công khai về ngoại hình một cách tiêu cực. Trải dài từ châu Á sang châu Âu, từ Tlinh đến Ariana Grande, liệu chuẩn mực của cái đẹp có đang phải thay đổi liên tục để thỏa mãn gu thẩm mỹ của cộng đồng, đặc biệt là những người đứng sau màn hình laptop/ điện thoại?
Bên dưới hình ảnh được ca sĩ Tlinh chia sẻ gần đây trên trang cá nhân thu hút một lượng lớn bình luận trái chiều. Bên cạnh số ít những nhận xét về vấn đề trang phục là vô số lời khiếm nhã, chê bai, cụ thể nhắm vào vòng một của nữ rapper. Những bình luận đầy sự miệt thị đa phần xuất phát từ tài khoản của những người đàn ông thực thụ. Cánh mày râu không biết đã dựa vào những chuẩn mực nào mà có thể vô tư đưa ra những lời lẽ mang nặng tính công kích về ngoại hình của người phụ nữ như “sao lại quay lưng lại với khán giả như vậy”, “ngực đâu”, cùng với những so sánh khiếm nhã: “nhìn như đàn ông”, “như sân bay”,…
Có thể thấy, người của công chúng dễ dàng trở thành những mục tiêu của nạn miệt thị ngoại hình bởi độ phủ sóng của họ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Mới đây, nữ ca sĩ Ariana Grande đã phải đích thân lên tiếng sau khi bị khán giả “body shaming” vì vóc dáng mảnh khảnh và gầy gò hơn xưa. Trong đoạn clip được đăng tải lên tài khoản TikTok chính thức, giọng ca “Thank You, Next” bày tỏ mong rằng mọi người nên “nhẹ nhàng hơn”, “bớt vô tư hơn” khi bình luận về cơ thể của một người khác, cho dù thật sự có ý tốt. Thay vì chỉ tập trung vào ngoại hình, Ariana tin rằng vẫn có nhiều cách để khen ngợi ai đó, hoặc chỉ đơn giản giữ bản thân không chỉ buông lời trích cơ thể người khác. Ariana nhấn mạnh: “Có rất nhiều kiểu xinh đẹp khác nhau. Có nhiều cách khác nhau để trông khỏe mạnh và xinh đẹp”.
Mỗi người đều có những ưu điểm riêng, thế mạnh riêng và ngoại hình là khác nhau. Việc tự đưa ra tiêu chuẩn thỏa mãn bản thân và áp đặt chúng cho tất cả mọi người là điều không phù hợp. Với một số người, khi bị miệt thị về ngoại hình, họ sẽ trở nên ám ảnh với “tiêu chuẩn kép” được đem ra so sánh đó và cố gắng thay đổi để làm thỏa mãn cái nhìn của người khác. Từ đó họ cũng dễ dàng trở nên tự ti, chán nản và suy nghĩ tiêu cực về bản thân hơn.
Nếu bạn đang phải đối mặt với bất kỳ sự “lệch chuẩn” mà ai đó tự đặt ra thì hãy nhớ rằng, tuyệt đối không được đóng khung chúng vào bản thân. Cái nên làm là trân quý những gì mình đang sở hữu, mở rộng tiêu chuẩn và nâng cấp bản thân để trở nên hoàn thiện hơn.
Không cần phải “tác động vật lý” mới gọi là bạo lực, chỉ cần bạn ẩn nấp dưới danh nghĩa “tự do ngôn luận” để bình phẩm khiếm nhã về ngoại hình người khác cũng đã là một hình thức bạo lực mạng mang lại hậu quả khôn lường. Có những lời nói chỉ cần vài giây để gõ, nhưng chúng sẽ là vết sẹo vĩnh cửu khắc sâu trong tim của người đọc, người nghe.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội kéo theo tình trạng “body shaming” ngày càng trở nên phổ biến. Tại đây, mọi người dễ dàng buông ra những lời lẽ gây tổn thương cho bất kỳ ai, dù chỉ vô tình lướt qua nhau hay thậm chí không quen biết. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, miệt thị ngoại hình là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm khiến không ít người có ý định tự tử.
Trước khi qua đời vào năm 2019, cựu thành viên nhóm nhạc f(x) Sulli từng là nạn nhân của “body shaming” khi bị chỉ trích quá béo cần phải giảm cân. Thậm chí sau khi rời nhóm, nữ idol vẫn phải hứng chịu nhiều lời lẽ cay nghiệt, soi mói của dân mạng về lối sống cá nhân của mình. Hay Park Bom, cựu thành viên 2NE1 cũng từng là chủ đề bàn tán khắp các trang mạng bởi gương mặt sưng vù khác lạ. Dù đã tuyên bố là do biến chứng căn bệnh sưng hạch bạch huyết nhưng nữ ca sĩ vẫn không được khán giả chấp nhận và có khoảng thời gian khó khăn đến mức không dám đi ra ngoài.
Selena Gomez cũng từng một thời trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng khi tăng cân và giảm cân thất thường. Nữ ca sĩ phải đi điều trị tâm lý và ngừng sử dụng mạng xã hội trong 2 năm. Hay Lady Gaga đã phải hứng chịu rất nhiều những lời chế giễu về cơ thể khi biểu diễn tại sự kiện Super Bowl. Mới đây, nữ ca sĩ Sofia cũng chia sẻ trên trang cá nhân về việc bị một nam khán giả có lời nói mang tính miệt thị ngoại hình khi đang biểu diễn và điều này đã khiên cô phải khóc và kết thúc phần trình diễn sớm hơn dự kiến.
Mỗi lời nói ra đều mang một sức nặng có thể trở thành vũ khí hạ gục người đối diện. Chính vì vậy mà chúng ta cần cẩn trọng khi phát ngôn trên mạng xã hội, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” vì ở bên kia màn hình cũng là một con người có cảm xúc và có suy nghĩ.
Quan điểm về sự chuẩn mực cái đẹp của mỗi người là khác nhau, đây là điều không thể áp đặt hay ràng buộc. Bạn có thể nhận xét, góp ý về phong cách, lời nói, hành động của một người nhưng tuyệt đối không bình phẩm cơ thể người khác.
Từ xưa ông bà ta đã có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, thay vì mải chạy theo những “chuẩn mực” mà người khác đề ra, chúng ta nên đầu tư phát triển giá trị cốt lõi của bản thân để trở nên hoàn hảo từ bên trong. Vẻ đẹp tri thức và vẻ đẹp tâm hồn mới là thứ trường tồn theo thời gian. Bên cạnh đó, ngừng so sánh bản thân với những người khác cũng là cách giúp bạn yêu thương mình nhiều hơn. Chỉ khi nào bạn yêu bản thân đủ, bạn sẽ không còn cảm giác mặc cảm về vẻ bề ngoài và cứng rắn hơn với những lời nói khiếm nhã trên mạng xã hội. Hãy nhớ rằng, bạn luôn đẹp nhất khi là chính mình!