Thách thức chênh lệch giá
Sáng ngày 5/10, vàng trong nước tiếp tục diễn biến theo nhịp điệu trong phiên liền trước với giá tăng theo từng giờ và tới gần cuối giờ sáng đã lên tới trên 48,4 triệu đồng/lượng. Tính chung 5 ngày giao dịch trong tuần, giá vàng trong nước đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng. Và nếu so sánh với mức đầu năm, giá vàng SJC đã cao hơn gần 5 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 11-12%.
Với mức này, vàng nội đang cao hơn giá ngoại hơn 3,2 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệnh này rõ ràng đang được nới rộng ra so với mức 3 triệu đồng/lượng hôm 2/10 và mức khoảng trên 2 triệu đồng/lượng hôm 19/9 khi mà NHNN yêu cầu Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) triển khai gia công hơn 350.000 lượng vàng với hy vọng kéo giảm giá vàng trong nước. Cho đến ngày 2/10, SJC đã hoàn thành khoảng 45.000 lượng vàng SJC dập lại trong số nói trên để đưa ra thị trường.
Có thể thấy, mặc dù NHNN đã có những động thái can thiệp, nhưng diễn biến giá đang phản ánh 1 thực tế là sức cầu vàng trên thị trường nội địa đang áp đảo cung.
Thừa nhận hiện tượng này, một số đơn vị kinh doanh vàng cho biết trong mấy phiên trước trên thị trường đã có cảnh người dân xếp hàng để mua vàng SJC, lượng mua gấp khoảng 2 lần so với bán, thậm chí vàng SJC ra tới đâu thị trường ngốn hết tới đó.
Nhưng đến 2 phiên hôm 4-5/10, các tiệm vàng không phản ánh rõ về tương quan giữa người mua và người bán, lượng mua và bán. Điều mà đa số các đơn vị này cho biết là, rất nhiều người dân đã mang vàng đi bán để chốt lời khi mà giá đang tiến sát mức cao kỷ lục mọi thời đại ghi nhận cách đây khoảng hơn một năm là 49,2 triệu đồng/lượng.
Bao giờ dứt sốt?
Câu trả lời có lẽ là phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của NHNN. Để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế về mức kỳ vọng khoảng 400.000 đồng/lượng thì nhu cầu mua vàng trong nước phải được giảm đi hoặc được đáp ứng đầy đủ. Khi đó, giá trong nước và giá thế giới sẽ ngang bằng với nhau, mức chênh 400.000 đồng sẽ là phí và thuế.
Hiện tại, việc cân bằng cung-cầu trong nước có vẻ rất khó khăn. Những biến động trên thị trường tài chính gần đây, sự trầm lắng của nhiều kênh đầu tư (như bất động sản, chứng khoán…) và xu hướng tăng giá của vàng trên thế giới đã khiến nhu cầu đầu tư vào vàng không những không giảm (trước bối cảnh thị trường vàng bị thu hẹp) mà có dấu hiệu gia tăng. Nhiều ngân hàng vẫn đang phải đẩy huy động vàng (cho dù sắp bị cấm từ 25/11 tới) để bù đắp thanh khoản hoặc/và bù đắp cho số lượng vàng mà họ đã bán khống, bán của khách hàng và quy đổi ra tiền mặt trước đó.
Bên cạnh đó, người dân vẫn đang duy trì việc mua vàng như một cách thức cất giữ tài sản an toàn. Việc thay đổi thói quen này có thể nói là không hề dễ dàng. Và với giá vàng biến động thế này thì ai dám tin bán vàng cho nhà nước để giữ tiền hay các chứng chỉ bằng giấy?
Theo nhiều nhà đầu tư, nghi vấn làm giá cũng đã được đặt ra. Theo đó, trước đây có nhiều loại vàng thì mạnh ai người ấy “đẩy”. Nhưng giờ chỉ có một SJC, hàng chưa đủ trong khi cầu lại lớn dẫn tới hiện tượng khan hiếm và giá tăng vượt hẳn so với thế giới là không tránh khỏi.
Nó cũng phản ánh tại sao, cùng là vàng, cùng là một thứ kim loại, định giá dựa trên độ tinh khiết (999 hoặc 9999) nhưng lại có sự phân biệt về giá quá lớn giữa SJC và các loại vàng phi SJC, chênh nhau tới 3,6 triệu đồng lượng như vàng trang sức thương hiệu Bảo Tín Minh Châu và vàng SJC (vàng trang sức thương hiệu Bảo Tín Minh Châu sáng 5/10 mua vào bán ra là 44,11 và 44,84 triệu đồng/lượng).
Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng vàng dự trữ trong dân khá lớn, khoảng 400-500 tấn, tương đương trên 20 tỷ USD. Hiện tại, một lượng không nhỏ vàng được người dân gửi trong ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động huy động vàng tại các ngân hàng sẽ bị chấm dứt từ ngày 25/11/2012.
Để tiếp tục huy động vàng trong dân, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, NHNN cần có những thay đổi. Theo ông Long, lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp, phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Nhưng trước hết, cũng theo ông Long, NHNN cần lùi thời gian chấm dứt huy động vàng sau ngày 25/11, đồng thời cho phép nhập khẩu vàng giải quyết thanh khoản vàng cho các ngân hàng.
Còn về dài hạn, theo ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, điều quan trong nhất là phải xây dựng được niềm tin. Niềm tin vào nơi gửi vàng, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Nó sẽ khiến cho vị thế của vàng với vai trò là nơi trú ẩn giảm đi và NHNN có thể huy động được nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế.
Giá lên đỉnh, bán tháo vàng phí SJC
Sau khi giá vàng thế giới tăng lên mức 1.795 USD/ounce, giá vàng trong nước lelen 49,4 triệu đồng vào sàng 05/10 thì giao dịch khá nhộn nhịp. Người dân đã đẩy mạnh việc bán vàng ra để chốt lời. Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu không có giao dịch vàng SJC nên chủ yếu là khách hàng của thương hiệu này đến để mua bán vàng trang sức. Hầu hết người đến giao dịch đều là giao dịch bán vàng. Giá vàng trang sức thương hiệu Bảo Tín Minh Châu sáng nay được giao dịch mua vào – bán ra là 44,11 triệu – 44,84 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 3,6 triệu đồng. Đối diện là công ty VBĐQ Phú Quý cũng nhiều khách hàng giao dịch. Do cửa hàng có giao dịch vàng SJC nên lượng giao dịch vàng miếng khá nhiều, chủ yếu người bán. Phú Quý chấp nhận mua vàng của các thương hiệu vàng khác sau khi kiểm tra tuổi vàng. Nếu khách hàng muốn bán vàng phải chấp nhận để cửa hàng nấu chảy sản phẩm để kiểm tra. Với vàng SJC cửa hàng chỉ kiểm tra trọng lượng, miếng vàng có cong vênh hay không. |
Theo Vietnamnet