Bình hoa đẹp trên vỉa hè

Luala Concert

Dàn đồng ca Hàn Quốc

Tôi vẫn nhớ như in mùa Thu – Đông ấy. Chúng tôi ngồi bệt trên hè phố, say sưa và mê mải, thân thuộc với người xa lạ bên cạnh, chiều muộn và lạnh dần, âm nhạc dâng ngập không chỉ ở trên góc đường này, mà tràn trề hoan hỉ dịu dàng – trong tim chúng tôi. Những đứa trẻ con tuột cả giày dép, loăng quăng chạy chân trần, cũng có khi chúng ngồi im một cách nghiêm nghị, hoặc đôi mắt mở tròn ngoẹo đầu dựa vào lòng mẹ. Trên những dãy đầu gần phía dàn dây của Xuân Huy đang biểu diễn, mấy cụ già ăn bận phẳng phiu và tươm tất, dáng thật thẳng và trang trọng, như thể các cụ đang ngồi trên ghế bọc nhung đỏ trong Nhà hát Lớn. Bọn thanh niên quần jean rách thì đập nhịp thật lực trên nền nhạc Vivaldi với Schubert một cách chẳng ngại ngùng, bản nhạc nào thích quá thì chúng hú lên.

Vào quãng nghỉ giữa giờ, cánh nghệ sĩ tụ lại một đám rít thuốc lá hõm cả má, nhìn công chúng lố nhố cả đứng cả ngồi ghế cả ngồi bệt một cách thích thú ra mặt. Không khí sinh động và “rất vỉa hè Hà Nội” ấy khiến cho giao hưởng ở Luala mang một phong vị hoàn toàn khác biệt với “cổ điển toàn tòng” chơi trong Nhà hát, thứ “mùi” sinh động của một cuộc sống đang tiếp diễn, nó khiến bạn cựa quậy và thấy mình tràn đầy năng lượng, như thể một cái cây đang loay hoay muốn trổ cành.

Luala Concert - Ca sĩ Tùng Dương

Ca sĩ Tùng Dương

Khi tình thế của âm nhạc cổ điển nước nhà vẫn là những khán phòng lưa thưa người nghe (vé những đêm trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia bằng đúng vé hài kịch “Đời cười”), thì vào mùa đầu tiên ấy, cũng nhiều người ái ngại cho dự án “nâng cao thẩm mỹ cộng đồng”của Luala Concert. Lúc đó, cố vấn chuyên môn, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chỉ dám ao ước nho nhỏ thế này: “Ít nhất là có mấy giây để thứ âm nhạc đẹp đẽ lọt vào tai những người đang đi qua đường. Biết đâu, cái khoảnh khắc quý giá ấy sẽ mở đầu cho một bừng thức trong lòng người ta!”.

Nhưng thực tế đã vượt xa cái mơ mộng của anh Hùng: không có buổi cuối tuần nào vỉa hè 61 Lý Thái Tổ lại không kín người, phải gọi là vòng trong vòng ngoài, tràn xuống đường, rồi báo chí từ tờ chính thống đến trang lá cải đều hối hả đưa tin về Luala Concert, rồi lọt vào đề cử giải Âm nhạc Cống Hiến đến 2 năm, rồi các tên tuổi từ dòng cổ điển đến thể nghiệm đến diva đại chúng đều lần lượt tới cùng góp sức mang âm nhạc xuống đường (hoặc chí ít cũng diện bảnh đến ngồi nghe nhạc)… Luala nhanh chóng thành một thương hiệu nghệ thuật độc lập có uy tín, chứ không còn là chương trình làm thương hiệu cho một nhãn hàng thời trang – như mặc định ban đầu.

Luala Concert - Nghệ sĩ opera Park Sung Min và diva Mỹ Linh

Nghệ sĩ opera Park Sung Min và diva Mỹ Linh

Luala Concert có mùa Xuân – Hè, chuyên trị cho khuynh hướng âm nhạc thể nghiệm. Nhưng tôi vẫn luôn yêu mùa biểu diễn Thu – Đông hơn, chẳng phải vì không hứng thú với nhạc DJ “trộn” với cải lương, hay bị “khó ở” như nhiều người khi nghe piano “phá” tuồng; khèn môi, đàn bầu hòa tấu thang âm Ngũ Cung cùng dàn nhạc cổ điển Tây phương…Lý do rất tầm thường là tôi không có cảm giác tận hưởng được, khi nghe nhạc trong cái oi nắng mới của mùa hè. Cuối tháng Tư – vắt sang tháng 5, Hà Nội nắng “vỡ mặt” rồi. Nghệ sĩ mồ hôi đầm đìa trong lễ phục, đám khán giả mộ điệu chen chúc hâm hấp sốt (theo nghĩa đen) – cái nóng làm nghệ thuật mất thi vị ít nhiều. Nhưng mùa Đông thì khác, người ta muốn ngồi thật sát lại chia nhau chút hơi ấm, phố thì chuyển màu ghi xám, tiếng đàn da diết thấm vào mình qua làn da, nổi lên thành những gai ốc sung sướng.

Luala Concert - Nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Luala Concert họp báo công bố mùa mới hầu như lần nào cũng có nhà báo gợi ý: nhấc hòa nhạc sang địa điểm khác rộng rãi hơn đi, cái vỉa hè Lý Thái Tổ (dù đẹp) thì cũng đã quá chật chội so với quy mô công chúng. Và lần nào, Minh Đỗ (ông chủ của hệ thống Luala) cũng một mực: chả lẽ tôi có bình hoa đẹp, lại bắt tôi mang sang nhà hàng xóm bày! Ừ thì, anh có bình hoa đẹp, anh mở cửa cho mọi người vào xem cũng đã là quá rộng lòng rồi, bình hoa ấy anh lại dành tâm sức chăm chút chứ chả phải ất ơ mà cắm lên. Anh cũng không vụ lợi gì ở đám người đến ngắm hoa, rằng ngắm xong rồi thì nhớ mua hàng cho anh. (Tôi cam đoan chẳng ai trong đám khán giả đứng ngồi lố nhố kia đủ can đảm đẩy cánh cửa kính bước vào tiệm thời trang xa xỉ Luala để ngắm quần áo, chứ đừng nói là bỏ vài ngàn đô mua một cái váy khoác hờ hững trên người cô mannequin).

Trong những buổi hòa nhạc của Luala, tôi hay thấy Minh Đỗ đứng ở sảnh tiệm thời trang, anh nhìn những vòng công chúng tràn cả xuống đường với nụ cười yên ấm và hài lòng. Có thể Minh chưa bao giờ nghe chuyện của một bà cụ dắt cháu gái 5 tuổi, đi từ 7h sáng ở Hưng Yên lên, do không chen được chỗ nên hai bà cháu ngồi buồn xo nhìn rừng chân người từ phía shop đồng hồ Omega, và an ủi nhau dù sao vẫn còn nghe được tiếng nhạc. Luala vẫn thường mời một số gương mặt celeb đến nghe nhạc, các cô ấy duyên dáng váy xống ngồi đầu nhìn cũng đẹp khung cảnh.

Tôi không biết Luala có từng mời lãnh đạo chính quyền và chức sắc văn hóa của Hà Nội đến dự những cuối tuần âm nhạc xuống đường? Bởi “bình hoa đẹp” Luala hoàn toàn có thể là một gợi ý tốt, dễ làm, hiệu quả thấy ngay – nếu Hà Nội đang đi tìm sáng kiến xây dựng các góc phố nghệ thuật, thành phố nghệ thuật cho mình. Sở Văn Hóa nằm cách Luala chừng 200m đường chim bay, 5 mùa diễn rồi, nói là không động tĩnh đến cơ quan chịu trách nhiệm về diện mạo văn hóa của thủ đô thì thật chẳng ai tin nổi. Nhưng mà dự án phi lợi nhuận, vô vụ lợi, đích đến thì lãng mạn xa xôi (kiểu như “đánh thức điều gì đẹp đẽ”) – thì cũng chẳng ai tin là các cơ quan chức năng nhà ta sẽ thấy ham!

Luala Concert

Minh Đỗ cũng có lần nói, anh hy vọng Luala Concert sẽ tạo cảm hứng để các nhãn hàng khác có một gợi ý về cách truyền thông vừa lợi mình, vừa mang lại giá trị văn hóa cho cộng đồng. Chừng như do hoàn cảnh kinh tế suy thoái, nên vẫn chỉ có duy nhất Luala kỳ cạch một mình “xuống đường” đến tận mùa thứ 5. Cũng có những người bắt đầu thấy bất tiện khi phải vòng trong vòng ngoài mới nghe được nhạc, cũng có những người đến để “check in Luala Concert” chụp ảnh đưa lên facebook với mục đích “chú thích” rằng mình sang trọng và mộ điệu nghệ thuật, nhưng may sao những người kiên nhẫn không phàn nàn vẫn đều đặn có mặt vào mỗi cuối tuần thì ngày càng nhiều.

Không quần áo đẹp show off, có ghế hay ngồi bệt dưới hè đều không quan trọng, đôi khi những kẻ kiên nhẫn này sẽ nhắm mắt để tiếng vĩ cầm da diết cháy của Xuân Huy tràn đầy mình, có cảm giác như dòng âm thanh lộng lẫy của dàn dây vừa mở ra một kết nối mơ hồ và thiêng liêng với họ. Sự im lặng ấy, kết nối ấy – mới thật sự là Tài Sản của Luala Concert… 

Bài: Quỳnh Hương
Ảnh: Khắc Quân

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF đang mang đến những sự lựa chọn ngày càng đa dạng hơn, hợp với nhiều khẩu vị khác nhau. Bữa tiệc online ở tuổi thứ tư cũng dần đầy đặn, trưởng thành, không còn bỡ ngỡ như “đứa trẻ miệng còn hơi sữa”:

 

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category