– Một người cựu chiến binh nay là bác sĩ Đông y, đã nhận trách nhiệm điều trị cho người lính già.
– Một nhóm đồng đội khác đã lên kế hoạch chi tiết về việc xin giám định lại cho ông Bình những chấn thương ở chiến trường năm xưa – giúp bạn có đủ điều kiện xếp hạng thương tật. Công việc lẽ ra ông Bình phải làm ngay sau khi có giấy tờ xuất ngũ từ năm 1985 (hiện vẫn còn đủ giấy tờ xác nhận thương tật quân đội cung cấp, cùng giấy ra quân) nhưng do không đủ minh mẫn, ông đã lãng quên nó gần 30 năm nay.
Thông tin về người đàn ông chở tôn vô tình khiến cậu bé 9 tuổi ở Hà Nội tử vong lan truyền trên báo chí và mạng xã hội với tốc độ chóng mặt những ngày cuối tháng 9/2016. Người ta, thậm chí, đặt ra vấn đề có nên để những chiếc xe ba gác, xích lô thô sơ như thế tồn tại trong thành phố. Và người đàn ông chở tôn bị dư luận… ném đá nặng nề. Tất nhiên, một mạng người, lại là một đứa trẻ ngây thơ, không ai có thể bênh vực người đã gây nên tai nạn thương tâm đó.
Nhưng dư luận bỗng đảo chiều. Đầu tiên là tin ông Bình được tại ngoại sau khi được xác minh ông không có trí tuệ minh mẫn và bị chấn thương trong thời gian quân ngũ (biệt danh Bình “còng” gắn với ông từ ngày rời ngũ, sau những năm tháng phải gò lưng nằm trong chiến hào trực chiến). Sau đó, những thông tin chỉ trích ông dịu xuống khi gia đình nạn nhân đồng ý viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho ông Bình.
Chẳng mấy ai hay, những cựu chiến binh Vị Xuyên, là những người đầu tiên có mặt khi biết chuyện, họ ngày đêm túc trực ở nhà ông Bình, lo lắng quyên góp từ cộng đồng, làm việc với cơ quan điều tra, và hơn thế, không chỉ một lần, họ thay mặt đồng đội mình đến thắp hương tạ lỗi với gia đình nạn nhân, chia sẻ nỗi đau mất mát.
Số phận đã cướp đi một mạng sống, nhưng bù lại, đã tặng một cơ hội khác cho người lính già.
Một ngày mưa giữa tháng 10, đoạn đường Tân Mai “nhuộm” màu xanh áo lính, những mái đầu đã điểm bạc, nhiều người vừa đáp chuyến xe sớm để về Hà Nội – họ, một lần nữa, xếp hàng đến thắp hương cho cậu bé xấu số. Ngày mưa ấy, bà nội của cháu Hoàng đã bật khóc trong vòng tay chia sẻ của những người lính Vị Xuyên.
Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng trên tất cả, tình người cũng vẫn còn ở đó.
Sau khi giúp ông Bình “còng” dàn xếp với gia đình nạn nhân, những cựu chiến binh Sư đoàn 356 Vị Xuyên đã quyên góp để dành tặng ông Bình và gia đình một số tiền. Họ hi vọng số tiền nhỏ ấy sẽ giúp ông Bình chuyển đổi công việc, không tiếp tục với việc chở tôn nguy hiểm mà ông đã làm nhiều năm qua.
Họ ngồi bàn bạc, giúp đồng đội phát triển chăn nuôi ở quê bằng một kế hoạch dài hạn, cụ thể…
KHOAN DUNG CẦN CẢ MỘT ĐỜI
Khoan dung không chỉ là tha thứ. Khoan dung còn là mở lòng chấp nhận và đón nhận những thứ khác, ngoài mình. Là cái nắm tay người bên cạnh, nụ cười mỉm với người đến sau, hay cái nhìn sẻ chia cho người đến trước… Khoan dung không chỉ trong một ngày 16/11 như UNESCO đã chọn. Khoan dung đôi khi cần cả một đời.
Đẹp tháng 11 xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện từ lòng khoan dung, từ những người sống với nhau, để yêu và thương nhau như thế.