Biệt dược “tung hoành” với giá “khủng” ở các bệnh viện Trung ương

Người dân đứng xếp hàng mua thuốc tại quầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietam+)

Giá thuốc ở Việt Nam được dư luận quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của mỗi gia đình có nhu cầu, nhất là đại bộ phận người dân có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, thống kê gần đây nhất được Bộ Y tế công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình khi kết quả trúng thầu của 68 bệnh viện, Sở Y tế cho thấy cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện có đến 65% là biệt dược gốc và biệt dược nhóm 1 (nhóm của các nước G7).

Khám bệnh 400 nghìn, mua thuốc gần 5 triệu

Hà Nội những ngày đầu Xuân lất phất mưa phùn. Nhưng dù mưa dầm dề hay nắng chang chang thì những người bệnh vẫn buộc phải vượt qua tất cả để để đi khám bệnh, chăm lo sức khỏe cho chính mình.

Gần 16 giờ, trong cái khí hậu âm ẩm, mưa phùn của tiết trời đặc trưng của Hà Nội, cầm một bịch thuốc trên tay với tờ hóa đơn được gấp làm tư ngay ngắn, ông Nguyễn Ngọc Thức, 50 tuổi ở Yên Lạc Vĩnh Phúc vẫn không khỏi bàng hoàng khi thanh toán xong tiền thuốc với hóa đơn gần 5 triệu đồng.

Vân vê tờ hóa đơn thuốc và ôm theo một bịch thuốc trên tay, ông Thức cho hay, mấy ngày trước ông cứ râm ran đau bụng, qua bệnh viện huyện bác sỹ khám và cho thuốc uống nhưng gần 1 tuần ông vẫn không đỡ. Sau đó, ông tới Bệnh viện Bạch Mai khám dịch vụ tại phòng khám giáo sư. Tại đây, ông được các bác sỹ chẩn đoán là bị rối loạn tiêu hóa và kê đơn thuốc về uống. Bác sỹ kê cho ông 5 loại thuốc.

Sau khi ra quầy mua thuốc ông Thức… té ngửa khi được nhân viên bán hàng thông báo đơn thuốc của ông có 5 loại thuốc hết gần 4,8 triệu đồng.


Bệnh nhân khám bệnh hết 500 nghìn đồng nhưng hóa đơn tiền thuốc gần 5 triệu đồng. (Ảnh: PVVietnam+)

Cầm hóa đơn thuốc trên tay mà cứ tần ngần mãi, ông Thức chia sẻ: “Có bệnh thì vái tứ phương, tôi đi khám tất tần tật ở đây cả siêu âm và khám hết có hơn 400 nghìn, vậy mà tiền thuốc lên tới gần 5 triệu. Mình không có chuyên môn, không biết nên dùng thuốc nào và nên bỏ thuốc gì nên phải “cắn răng” cố mua thuốc về uống dẫu sao khỏi được bệnh vì đã mất công đi xa, xuống tận thủ đô khám.”

Những hóa đơn thuốc “khủng” của những người bệnh lên tới vài triệu hiện nay không còn là chuyện xa lạ ở những bệnh viện tuyến trung ương.

Tại Bệnh viện K, ông Đào Văn Điểm ở Hà Nam cầm bịch thuốc trong tay cũng ngẩn người khi tiền ông đi khám hết hơn 500.000 đồng trong khi tiền thuốc mà ông vừa chi trả mất ngót nghét hai tháng lương.

Ông Điểm cho hay, ông cứ cảm thấy đau tức ở phần ngực và từ 6 giờ sáng đã tới Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ) để khám. Hơn 12 giờ, cầm tờ hóa đơn thuốc điều trị u ở vú với số tiền gần 2,5 triệu đồng, ông chép miệng: “Dù xót tiền nhưng nếu khỏi bệnh thì còn tốt.” Ông Điểm bảo, chỉ sợ đổ bao tiền nhưng đau vẫn hoàn đau, lại khám xét nhiều nơi và nhiều đơn thuốc nữa thì có lẽ túi tiền cũng rỗng theo dần.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Sinh ở Phương Mai, Hà Nội móc ví ra trả tiền thuốc tại quầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai với số tiền hóa đơn thuốc là 8,6 triệu đồng khiến nhiều người xung quanh không khỏi giật mình và xót xa.



 Một hóa đơn tiền thuốc “khủng” lên tới gần 9 triệu đồng. (Ảnh: PV/Vietnam)

Chị S. cho hay, chị bị bệnh lupus ban đỏ đã 8 năm nay và hầu như tháng nào chị cũng phải đi vào bệnh viện để lấy thuốc về uống. Đợt này do thay đổi thời tiết, bệnh của chị nặng lên, vì vậy bác sỹ đã kê đơn thuốc cho chị “nhỉnh” hơn. Chị S. cho hay, dù tiền thuốc có cao, nhưng miễn sao chị khỏe mạnh, bệnh không nặng lên thì chị không có phải ngại cả.

Bệnh viện Trung ương: 60% thuốc dùng là biệt dược

Đề cập đến vấn đề cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, về cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện, hiện nay có 6 nhóm biệt dược gồm: biệt dược gốc, biệt dược nhóm 1 là của các nước G7, nhóm 2 là tiêu chuẩn của các nước châu Âu đầu tư ra nước ngoài, nhóm 3 là của Việt Nam, nhóm 4 là thuốc tương đương sinh học, nhóm 5 là thuốc đến từ các thị trường khác như Ấn Độ, Đông Âu, Nga, Singapore…

Trong cơ cấu sử dụng thuốc chung của cả nước, nhóm trong nước trúng thầu đạt khoảng 29%, các nhóm thuốc biệt dược gốc hiện nay chiếm 40%, tỷ lệ thuốc biệt dược nhóm 1 chiếm 25%.

Như vậy, tại bệnh viện có 65% thuốc được sử dụng là những loại biệt dược gốc và biệt dược nhóm 1 – loại thuốc mà các bác sỹ cho rằng chất lượng rất tốt dùng nhiều. 

Tuy nhiên, ông Cường đánh giá, đây cũng là một sức ép rất lớn đối với hệ thống điều trị bởi các loại thuốc này có giá cao, mà mục đích của ngành y tế là cung ứng thuốc cho điều trị và làm sao chứng minh được thay thế 65% thuốc điều trị này cần có giải trình cho phù hợp.

Về phía điều trị, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, hiện nay việc dùng các thuốc biệt dược gốc trong điều trị các bệnh truyền nhiễm khá phổ biến là do tình trạng kháng thuốc gia tăng, nhiều loại thuốc kháng vi sinh vật cũ đã bị giảm hoặc mất tác dụng điều trị với rất nhiều mầm bệnh, đòi hỏi phải sử dụng các thuốc mới. Nhiều thuốc biệt dược gốc là những thuốc mới, còn trong thời hạn bản quyền nên chưa có sản phẩm generic. 

Theo bác sỹ Cấp, nhiều bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng, nguy kịch đòi hỏi phải sử dụng các thuốc có độ tin cậy cao. Các thuốc biệt dược gốc là những thuốc đã được chứng minh hiệu quả điều trị rõ ràng nên thường là lựa chọn trong trường hợp này. Bên cạnh đó, xu hướng thu nhập của nhân dân trong nhiều năm qua khá lên, do đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm chính hãng của bệnh nhân cũng gia tăng lên.

Quản lý còn nhiều “kẽ hở”?

Theo thống kê của Bộ Y tế, hệ thống phân phối dược phát triển hết sức phong phú, với hơn 2.000 doanh nghiệp bán buôn và đến tháng 12/2015, cả nước có 42.196 điểm bán lẻ thuốc trong toàn quốc đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân, kể cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Đáng lưu ý, trên toàn quốc có 1.300 bệnh viện, như vậy, mỗi bệnh viện nếu chỉ có một hay hai hiệu thuốc thì số quầy thuốc tư nhân đang tồn tại là con số quá lớn. 

Ngoài các điểm bán thuốc của nhà nước, còn các điểm bán thuốc tư nhân mọc lên gấp hàng nghìn lần các điểm bán thuốc công. Không thể không đặt câu hỏi: Ai đảm bảo chất lượng cho các cơ sở tư nhân kia?

Biệt dược được sử dụng ngày càng gia tăng và đang chiếm ưu thế tại các bệnh viện lớn, trong khi giá thành của nó luôn ở mức “ngất ngưởng”. Liệu có những hành động trục lợi từ mặt hàng này?

Hiện tượng những người bệnh cầm đơn tới quầy thuốc của bệnh viện mua thuốc mà không có, họ phải ra ngoài mua thêm khá nhiều loại thuốc. Theo ghi nhận của phong viên VietnamPlus, hiện tượng này khá phổ biến, rất nhiều người bệnh khi mua thuốc tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện phụ sản Trung Ương tại Hà Nội… và họ phải ra ngoài để mua các loại thuốc còn thiếu. 

Những hiệu thuốc tư nhân được mọc len san sát trên nhiều tuyến phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá biệt dược “nhảy múa” nhưng vẫn chưa hết, câu chuyện về mua thuốc tại các hiệu thuốc tư bên ngoài với chất lượng kém đã được chứng minh rõ ràng trong vụ việc vừa qua, lực lượng chức năng liên ngành của thành phố Hà Nội đã bắt một vụ buôn bán thuốc chữa bệnh lậu, thuốc quá đát “khủng” vào ngày 9/1 khiến nhiều người bệnh sững sờ.

Những ai là khách hàng từng mua thuốc tại các cửa hàng nói trên đều phải hoảng hốt, run sợ vì họ đã uống phải những viên thuốc độc chứ không phải là thuốc đặc trị.

Lực lượng chức năng qua kiểm tra 3 cửa hàng tân dược (tại số 11A An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; số 20 Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh và 129 Phúc Xá, đều thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) phát hiện hơn 500.000 đơn vị thuốc tân dược các loại (thuốc kháng sinh, thần kinh, thuốc cai nghiện…) hết hạn sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc được chủ hệ thống tẩy, xóa hoặc sửa lại hạn sử dụng để bán cho bệnh nhân. 

Cả ba nhà thuốc nói trên đều có cùng một chủ. Điều đặc biệt là bà chủ của số của các cửa hàng bán thuốc hết hạn nói trên có hơn 30 cơ sở bán thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì hệ thống cửa hàng thuốc của bà chủ này bán nhiều thuốc tân dược, biệt dược để chữa bệnh nan y.

Vậy còn những người bệnh đã sử dụng thuốc giả trước đó vài năm nay thì sao? Ai bồi thường, ai đảm bảo sức khỏe cho họ khi dung nhiều sản phẩm đã lâu năm khi việc làm giả chất lượng, việc hô biến thuốc chữa bệnh hết đát được quản lý dường như lỏng lẻo.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi), Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ, hiện nay tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Do đó, cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.

Theo VietnamPlus


From the same category