“Biết được cứu sẽ làm liều. Tiền chùa mà!”

“Tiền chùa” thì dễ liều

– Sự bất cập trong hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế mấy hôm nay làm nóng cả nghị trường Quốc hội mà chưa có giải pháp tháo gỡ. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

– Tôi muốn nói đến bản chất của doanh nghiệp nhà nước xét ở góc độ những bất cập. Đó là sự xung đột lợi ích, vấn đề giữa chủ sở hữu và người đại diện của nó. Người ta có thể làm liều vì biết chắc rằng mình sẽ được cứu. “Tiền chùa” mà! Đó là vấn đề khó giải quyết.

– Bản chất đó có đối nghịch khi so với doanh nghiệp tư nhân?

– Đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp cổ phần, cũng có vấn đề đó. Giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của ông chủ có thể cũng có xung đột, nhưng thường nhỏ hơn. Người ta hay nói vui là “đó là tiền của tôi, tôi phải lo, không thì rồi con cháu tôi phải chịu hậu quả…”.

– Trở lại với doanh nghiệp nhà nước, vì sao lại không thể giải quyết triệt để hai vấn đề đó thưa ông?

– Người ta có thể hạn chế nó chứ không triệt để được. Vấn đề thuộc về bản chất. Để sửa, giảm thiểu nó, đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều yếu tố.

– Ví dụ cụ thể là phải làm gì thưa ông?

– Đó là vấn đề giám sát, minh bạch thông tin. Các doanh nghiệp nhà nước hiện tồn tại rất nhiều vấn đề. Có những thứ biết thế, biết có thể giảm thiểu nó, nhưng không làm được. Ví dụ như vấn đề giám sát. Các đại biểu Quốc hội cũng công nhận chúng ta giám sát rất yếu. Việc minh bạch hóa thông tin cũng kém, tính chất tù mù là chính. Hay như việc bổ nhiệm vị trí giám đốc điều hành, ta đang làm theo cách giống một ông công chức hơn là một người lãnh đạo theo nghĩa thực là tổng giám đốc điều hành – CEO.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư.

Tự đánh mình thì không răn đe được

– Ở các nước phát triển, họ đã giải quyết sự yếu kém này như thế nào thưa ông?

– Thường thì họ tuyên bố phá sản, nhưng phá sản ở đây không phải là sự biến mất, mà là một sự sáng tạo mới. Bản chất không phải là anh tuyên bố phá sản hay không, mà bản chất là anh có thực sự muốn phá bỏ nó hay không. Làm gì thì làm cũng phải có 3 nguyên tắc: Một là phải có một bản làm sạch cân đối tài sản, hai là xây dựng chiến lược kinh doanh, ba là có bộ máy điều hành mới. Nhìn vào cách xử sự của mình đối với các tập đoàn, qua câu chuyện của Vinashin, Vinalines thì hoàn toàn thiếu kinh nghiệm. Bản chất vẫn là ta xử lý ta. Tự ta làm âm thầm, không đảm bảo tính quyết liệt.

– Vậy tại sao ở ta, những tập đoàn làm ăn không hiệu quả lại không tuyên bố phá sản?

– Có 2 vấn đề: Văn hóa và nhận thức của người dân, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách. Phá sản là vấn đề gì ghê gớm lắm, to tát lắm. Khi anh đã tuyên bố phá sản thì phải theo một trình tự pháp lý chặt chẽ với nhiều thủ tục rất phức tạp.

Chuyện doanh nghiệp nhà nước lấy tiền nhà nước để đầu tư, sử dụng tài nguyên quốc gia để làm lợi, mà làm ăn không hiệu quả. Vấn đề ở đây là gì thưa ông?

Đó là vấn đề đầu tư công. Ta hiểu thế nào là đầu tư công. Phải nhìn nhận 3 góc độ, bản thân dự án có hiệu quả hay không, tác động lan tỏa của nó thế nào, trong cân đối ngân sách vĩ mô thế nào. Đối với hoạt động của các tập đoàn thì cái lan tỏa ấy thúc đẩy hay thui chột đầu tư tư nhân. Ví dụ như anh làm cầu làm đường, thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Khi chi phí giao dịch giảm thì doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư nhiều hơn.

– Xét dưới 3 vấn đề đó thì các tập đoàn kinh tế của Việt Nam có đáp ứng được hết không thưa ông?

Rõ ràng cả 3 yếu tố đó, chúng ta đều đang có vấn đề. Bản thân những đầu tư chỉ riêng lĩnh vực hạ tầng, sức lan tỏa rất kém, chi phí trên một đơn vị đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở Việt Nam quá cao. Thế mới có những con đường đắt nhất thế giới. Một số lĩnh vực như thông tin viễn thông, giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, một số kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh… Nhưng có rất nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh, tỷ lệ đầu tư quá cao so với hiệu quả sản phẩm làm ra, thất thoát lớn, làm thui chột đầu tư tư nhân.

– Tập đoàn kinh tế làm lộn xộn thị trường

– Những sai phạm ở Vinalines vừa qua, có người đặt câu hỏi về sự cấu kết của người đứng đầu các tập đoàn?

– Cái lợi ích nhóm là thực tế. Đằng sau những câu chuyện về doanh nghiêp nhà nước thì có vấn đề thất thoát, tham nhũng, lợi ích nhóm, đó là sự xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu là nhà nước muốn đem lại lợi ích cho cả đất nước này và một bên là lợi ích của doanh nghiệp đại diện, lợi ích của người đại diện cho chủ sở hữu, người trực tiếp đầu tư xử lý vốn đó…

– Ta vẫn nói vai trò của các tập đoàn kinh tế trong điều hành nền kinh tế, mà trong cuộc khủng hoảng kinh tế này, người ta lại ít thấy vai trò của nó?

– Trong nhiều trường hợp, tập đoàn kinh tế làm lộn xộn thị trường chứ không giúp bình ổn thị trường như lẽ ra nó phải thế. Kinh tế vĩ mô không chỉ là các chỉ số đẹp như lạm phát thấp, tăng trưởng cao, cán cân thanh toán quốc tế ổn định, dự trữ ổn định, thâm hụt kinh tế thấp… mà nó còn là lòng tin của thị trường. Ví dụ như vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu. Nhiều ý kiến xung quanh việc điều hành giá xăng dầu làm lòng tin của thị trường xuống thấp.

– Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cho đến thời điểm này của gói hỗ trợ doanh nghiệp?

– Một lời nói đúng cũng hỗ trợ doanh nghiệp, huống hồ là mấy chục nghìn tỷ. Hỗ trợ doanh nghiệp bằng giảm thuế miễn thuế, lãi suất hạ, tạo chuẩn cho doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận với nhau… đang tạo ra sự nhúc nhích cho nền kinh tế. Nền kinh tế đang nhúc nhắc rồi đấy, tăng trưởng tăng, tín dụng tăng trưởng dương, chỉ số giá tiêu dùng có tăng… Nhưng lòng tin nó có quay trở lại không thì phải chờ, nhưng rõ ràng nó nhúc nhắc.

– Ý ông là 29 nghìn tỷ đang phát huy tác dụng?

– Ta đang nhìn thấy dấu hiệu tích cực.

– Liệu nó có tiến lên dần không hay nó chỉ nhúc nhắc một giai đoạn ngắn?

– Cái này phải theo dõi liên tục và có sự điều chỉnh chính sách. Ta phải thay đổi tư duy phát triển. Không thể tiếp tục tư duy cứ mất ổn định, khó khăn là lại ném tiền vào được. Đồng tiền dễ dãi chỉ làm hại nền kinh tế, làm hại tất cả chúng ta. Đồng tiền dễ dãi là đồng tiền nguy hiểm, vì tiền đi đôi với tệ, tiền đi đôi với bạc.


– Xin chân thành cảm ơn ông.

 Tiền là thiên đường, nhưng cũng có thể là địa ngục. Có người nói “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Nhưng có tiền nhiều cũng có thể chết vì cạp nhiều đất quá. Không có tiền có thể là thảm kịch, nhưng có tiền nhiều khi cũng nhiều thảm kịch hơn. Vì thế, trong kinh tế vĩ mô, đồng tiền dễ dãi chỉ gây ra nhiều bất ổn. Đồng tiền phải do sức lao động mà có thì mới trân trọng nó. Gói trợ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng phải dựa trên tư duy mới này.

 

Theo Bee

From the same category