“A Time Called You” là phiên bản truyền hình do Hàn Quốc remake từ bản gốc Đài Loan “Someday Or Oneday” (2017). Dù là “đứa con” của nền giải trí Hàn Quốc và sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng, “A Time Called You” lại không thể đáp ứng kỳ vọng của người xem và bị chê thua xa bản gốc.
“A Time Called You” remake từ “Someday Or Oneday” (2019), tựa phim Đài được biết đến với tựa Việt là “Muốn Gặp Anh” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trúc Tiểu Linh. Chuyện phim mở đầu với phân cảnh Han Jun Hee ở năm 2023 vẫn còn nhớ thương người bạn trai Go Yeon Jun – nhân vật đã qua đời sau tai nạn máy bay một năm trước.
Một hôm, cô nhận được một cuộn băng cát sét, lắng nghe cuốn băng và đột nhiên xuyên không về năm 1998 trong thân xác của Kwon Min Ju. Tại vòng thời gian này, cô cũng gặp Nam Si Heon, một nam sinh cấp 3 sở hữu ngoại hình và tính cách giống hệt người bạn trai mà cô luôn mong mỏi được gặp lại.
“A Time Called You” sở hữu bộ 3 diễn viên chính triển vọng. Ahn Hyo Seop thủ vai Go Yeon Jun/Nam Si Heon, hay được biết đến trong bản gốc với cái tên là Vương Tuyên Thắng/Lý Tử Duy do Hứa Quang Hán đảm nhận.
Ahn Hyo Seop vốn thuộc nhóm “oppa” của màn ảnh Hàn qua những vai diễn như bác sĩ Seo Woo Jin trong “Dr. Romantic” (2016 – 2023), hay tổng tài Kang Tae Moo trong “Business Proposal” (2022). Song với “A Time Called You”, anh không thể mang đến cảm giác thanh xuân của bạn trai trường học, hay gương mặt của anh lại trông “búng ra sữa” khi đứng cạnh 2 bạn diễn hơn tuổi.
Đặc biệt, tạo hình của nhân vật Go Yeon Jun ở tuổi 40 khiến fan phải từ chối ý định “muốn gặp anh”. Trong bản gốc, Lý Tử Duy dù ở tuổi 17 hay tuổi 40 đều mang đến ngoại hình chỉn chu, lãng tử. Thế nhưng, Nam Si Heon ở tuổi 40 chỉ trông như một ông chú luộm thuộm, “đầu bù tóc rối” và thậm chí được ví như người vô gia cư.
Chính vì trái ngược này, Ahn Hyo Seop hiện trở thành tâm điểm trên nhiều diễn đàn. Liệu sự đổi mới này mới đúng “cảm giác đau khổ, tuyệt vọng và buông bỏ mọi thứ vì chứng kiến cái chết của 2 người bạn thân” như biên kịch Hàn miêu tả, hay là một cách để che giấu gương mặt không thể già của Ahn Hyo Seop?
Về phía nữ chính, Jeon Yeo Bin là gương mặt đảm nhận nhân vật Han Jun Hee/Kwon Min Ju với cái tên trong bản gốc là Hoàng Vũ Huyên/Trần Vận Như. Sinh năm 1989, nữ diễn viên được khen ngợi sở hữu khí chất của “mợ chảnh” Jun Ji Hyun. Tuy không có nhiều dự án quá nổi bật, Jeon Yeo Bin vẫn được đánh giá cao với nhân vật Hong Cha Young trong “Vincenzo” (2022).
Nhân vật này trong bản gốc thuộc về mỹ nữ Kha Giai Yến và đã mang cho cô chiếc cúp “Nữ chính xuất sắc nhất” lại lễ trao giải Kim Chung năm 2020. Dù sinh năm 1985 và đảm nhận vai diễn ở tuổi 32, cô vẫn “xứng đôi vừa lứa” khi đứng cạnh bạn diễn, cũng như khắc hoạ chính xác tuổi 17 của Trần Vận Như và tuổi 27 của Hoàng Vũ Huyên.
Jeon Yeo Bin cũng hơn Ahn Hyo Seop 5 tuổi, nhưng tiếc rằng cô không thể mang đến Han Jun Hee phù hợp khi sánh đôi cùng bạn diễn như cách bản Đài đã làm. Thậm chí, Ahn Hyo Seop dù bị “dìm” tơi tả trong ngoại hình xuề xoà ở tuổi 40, nhiều khán giả vẫn cảm thấy anh trẻ trung hơn đàn chị ở tuổi 27. Có lẽ cũng chính vì điểm này mà Jeon Yeo Bin trông gượng gạo và không bùng nổ “phản ứng hoá học” khi đóng cùng Ahn Hyo Seop.
Nhân vật cuối cùng của bộ 3 bạn thân do Kang Hoon đảm nhận. Nam diễn viên sinh năm 1991 và nổi tiếng với vai diễn Hong Deok Ro trong “The Red Sleeve” (2021). Trong “A Time Called You”, Kang Hoon hoá thân thành nhân vật Jung In Gyu, còn nhân vật trong bản gốc được gọi là Mạc Tuấn Kiệt.
Ở bản Đài, nhân vật này được thủ diễn bởi Thi Bá Vũ. Điều bất ngờ nhất là anh chàng chỉ sinh năm 1996, tức kém “người bạn” Hứa Quang Hán của mình 6 tuổi, và kém “crush” Kha Giai Yến 11 tuổi. Mặc dù vậy, chiều cao lý tưởng 1m84 cùng gương mặt nam tính đã giúp anh chàng bắt kịp đàn anh, đàn chị hơn nhiều tuổi.
May mắn thay ở bản Hàn, Kang Hoon cũng được khen ngợi mang đến cảm giác như nhân vật thủ vai. Vai diễn Jung In Gyu cũng vướng ít tranh cãi nhất và anh cũng không quá “lép vế” khi đứng với nam chính Nam Si Heon do Ahn Hyo Seop thủ vai.
Thay đổi tạo hình của Ahn Hyo Seop khiến biên kịch “A Time Called You” vướng chỉ trích thậm tệ. Bởi lẽ, chúng không chỉ phá nát hình tượng của bản gốc, mà còn thể hiện thái độ không tôn trọng góc nhìn về nhân vật do chính tác giả Trúc Tiểu Linh xây dựng. “Xây dựng một Lý Tử Duy luôn biết chăm chút cho bản thân dù ở đáy vực thẳm là một cách tinh tế thể hiện ý chí không từ bỏ của nhân vật này”, một người dùng mạng chia sẻ.
Quay trở lại bản Hàn, đặc sản của xứ sở Kim Chi vốn là những thước phim lâm li bi đát để người xem dễ dàng cảm nhận sự đau khổ của nhân vật. Tuy nhiên, việc cường điệu hoá này đã trở nên phản tác dụng trong trường hợp của “A Time Called You”. Bên cạnh đó, Ahn Hyo Seop còn bị chê trách vì “ngừng xem bản gốc”. Theo nam diễn viên chia sẻ, đây là cách giúp anh tránh bị cuốn theo nhân vật do Hứa Quang Hán đảm nhận, cũng như mang đến một Go Yeon Jun/Nam Si Heon với nhiều thay đổi hơn. Tuy nhiên, lý do này bị cho là không thuyết phục.
Với tính chất của khái niệm “remake” là làm mới và tốt hơn tác phẩm đã có sẵn, Ahn Hyo Seop đáng ra nên đầu tư thời gian nghiền ngẫm những gì mà bản gốc “Someday Or Oneday” đã thực hiện. Sở dĩ, bản Đài không chỉ thành công do dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng, mà còn ở cách biên kịch xứ Đài và Hứa Quang Hán tập trung nghiên cứu, xây dựng và thể hiện nhân vật. Phải xem bản gốc, Ahn Hyo Seop mới có thể hiểu tường tận về nhân vật đảm nhận, rút ra những điểm mấu chốt cần tập trung và bản địa hóa những chi tiết cần thiết nhằm phù hợp văn hoá và con người Hàn Quốc.
Ngoài ra, bản Hàn cũng không được đánh giá cao ở cách dẫn dắt câu chuyện. Với “Someday Or Oneday”, biên kịch lồng ghép khéo léo sự rùng rợn giữa liên hoàn những cú plot twist nhưng vẫn đảm bảo mạch chuyện đượm buồn và tình cảm của tiểu thuyết. Ở “A Time Called You”, các tình tiết lại diễn ra lê thê, buồn chán và chỉ đọng lại là một thước phim buồn và chậm. Mỗi khi sự thật được hé lộ, chúng cũng không đủ cao trào để khiến khán giả cảm giác bất ngờ như cách bản gốc đã làm.
Bên cạnh kịch bản lỏng lẻo, “A Time Called You” không thể tạo tiếng vang ở mảng nhạc phim. Ngoại trừ bài hát huyền thoại “Gather My Tears” (1996) do Seo Ji Won thể hiện, các bài hát khác đều không thể đẩy cảm xúc người xem lên cao trào như cách bản gốc thể hiện.
Phim còn gặp lỗ hổng lớn ở mảng màu phim. “A Time Called You” bị ví như sản phẩm “mì ăn liền” của Netflix khi màu phim tối sầm rồi lại sáng rực chỉ trong cùng một phân cảnh, hay đội hậu kỳ còn gặp nhiều sai sót trong phân đoạn chỉnh sửa filter cho các diễn viên.
Dù sở hữu dàn cast có tiếng, truyền thông hùng hậu và nhạc phim do New Jeans trình bày, “A Time Called You” giờ đây vẫn phải đối diện với sự phản đối từ các fan nguyên tác, cũng như không thể giữ chân khán giả mới xuyên suốt 12 tập phim. Phim remake đã có sẵn lợi thế ở khâu kịch bản và tiếng vang của tác phẩm gốc, biên kịch Hàn vì thế cũng cần tôn trọng nguyên tác và đầu tư kỹ lưỡng vào sản phẩm được làm lại.