>> Đỗ Bá Huy: Đạp xe mây tre từ Tp.HCM đến… Ấn Độ
Không hiểu những người đi chơi, đi học, đi phượt khác thực hiện các chuyến đi của họ ra sao, riêng cá nhân tôi thấy cho tới hôm nay, cảm giác rất bình thường, một sự thường tuyệt diệu của cuộc sống. Thứ mà tạo hóa cách này khác, xếp sắp và ban tặng cho mỗi chúng ta, cũng như ông ấy ban tặng cho chim trời, hoa cỏ và thậm chí là những điều đang sống một cuộc sống có phần dị biệt, có phần chưa hay lắm khi tương thuộc với xung quanh.
Từng ngày từng ngày. Tôi tận hưởng. Tôi học hỏi. Tôi tương tác và đối diện, hay thậm chí khó quá hoặc chưa đủ cơ duyên, thì bỏ qua, bảo là bỏ chạy cũng được, chẳng sao cả. Thôi cứ từ từ, tôi đi tiếp, tôi kể, tôi về cũng sẽ ba hoa hót vặt lại hầu bằng hữu và bọn nhỏ.
Nhưng… Về cậu em, người bạn đồng hành trong chuyến đi này. Một chuyến đi khác mọi lần trước tôi đã đi, và hoàn toàn, hoàn toàn khác những cung đường cậu ấy đã qua, hoàn toàn, hoàn toàn khác với những bài học mà cậu ấy đã học. Không hiểu sự biến đổi vùng khí hậu nơi con đường, hay nơi tâm tư cậu ấy, mà sự tự ti, yếu đuối đã xuất hiện, suýt chút nữa là cậu ấy đã bỏ cuộc khi tới PhnomPenh, rõ nhất là khi tới Siem Reap và đối diện với những bài học mà trước giờ, nơi quê hương, cậu ấy cũng làm được một số thứ nhất định, tự tin ngời ngời. Sao giờ mọi thứ mờ mập, và có phần tối tăm quá thế…
“Ngộ Bông” Thái Nhật Huy, người bạn đồng hành của Đỗ Bá Huy trên hành trình từ Tp.Hồ Chí Minh tới Ấn Độ bằng xe đạp
Thái Nhật Huy, tốt nghiệp tài chính ở Đại học Ngoại thương đàng hoàng, con cái một gia đình trí thức trung lưu ở Bến Tre, bố mẹ người là bác sỹ, người là y tá quân đội, nên cậu ấy cũng thừa hưởng một số vốn liếng nhất định. Đặc biệt mẹ Thái Huy, khi biết con trai mình bán đi tiệm cafe nhỏ, rồi theo tôi đạp xe đi tới Ấn Độ, Pakistan. Bà chỉ bảo: “Cần tiền không, làm sao thì làm, giữ sức khỏe và yêu đời, làm người tốt.”
Và cũng có lẽ chính bởi cậu ấy cầm tấm bằng có vẻ ngon lành, rồi cũng lăn ra đời làm này làm kia, thời sinh viên thì cũng tập tọe làm leader, làm phong trào, nên như bao các bạn trẻ khác đang ở vùng an toàn, khi bước sang một xứ sở khác, nơi ngôn ngữ không dụng được, nơi bằng cấp chỉ là tờ giấy lộn… Chỉ kinh nghiệm và thái độ khát khao sống thật sự giản đơn và tươi tắn, bạn mới “sống” được. Nên với cậu ấy, bài học mấy ngày đầu có phần quá sức. Mặt mũi vốn sáng sủa, nay cứ ngờ nghệch cả ra, trông hài lắm lắm. Còn đôi chân? Đôi chân thì khoẻ như voi, cũng phần nữa tôi chọn đi thong thả, lạch cạch vừa đi vừa nói chuyện, ca hát cho hành trình có cảm giác ngắn lại.
“Dừng chân là nhà”
Chặng khai màn, từ Nhà Thờ Đức Bà tới thành phố Ba Viet, phía đầu biên giới Cam với Việt Nam, cậu ấy hăm hở ghê lắm. Thì cũng dễ hiểu thôi, chặng xuyên việt 2013, một vòng Sài Gòn – Hà Nội – Sài Gòn, tôi chỉ đạp một mình với một đống hành trang lỉnh kỉnh; chặng kế tôi thực hiện những ngày Tết Nguyên Đán 2015 từ Sài Gòn đi Phnom, đi Siem Reap, cũng lại một mình. Nên tôi có đôi chút kinh nghiệm về đối thoại với con đường và cuộc sống quanh đó, đặc biệt đối diện với những lượt like trên facebook cá nhân tôi vẫn chia sẻ hằng ngày vào lúc rảnh rỗi, nó như tiếng vỗ tay ấy mà. Bốp bốp bốp, rồi thôi. Con đường ư? Ai thực hiện thay được ta. Cũng như đời ta thôi, chỉ chính ta, không ai khác sống thay được.
Thế nên, cậu ấy sốc khá nặng. Tôi thì cười ngặt cười nghẽo, cười trên đau thương của cậu ấy, dã man không chịu được.
Sốc gì nhỉ? Chả phải học sinh giỏi Anh văn quốc gia ở Việt Nam, sợ gì ngôn ngữ? Nhưng sao mở mồm nơi đây, đối thoại với cuộc sống thật, hơi khác chút chứ mấy, miệng cứ cứng lại…
Sốc gì nhỉ? Hàng đoàn công nhân đang tới nhà máy, trên những chiếc xe chở họ chả khác gì chở gà chở vịt. Cứ nối đuôi nhau hàng trăm chiếc vào khu công nghiệp ở đất nước bạn láng giềng. Thì chả phải các khu công nghiệp ở Việt Nam cũng thế sao, trông có vẻ lịch sự hơn là được ngồi ngay ngắn chút.
Và chả phải chính cậu ấy, tôi, chúng ta đang cần những chiếc xe với giá rẻ, những chiếc áo chiếc quần, tivi tủ lạnh và bao tiện nghi khác trong mỗi cuộc sống hàng ngày. Ai trực tiếp làm ra?
Đóng đồ tặng lại người dân sau một chặng nghỉ
Ôi thì ở con đường này cậu ấy và tôi đang đạp với hai cái bóng phủ dài trên mặt đường, phía bên kia là một con đường khác với những cái bóng của họ. Và gần đó thôi, người ta mặc quần xịn áo lụa áo là, ngồi vẽ chiến lược hoàn thành chỉ tiêu tháng-quý-năm với những ước mơ về con đường khác khác nữa. Bài học nào cũng hay, cuộc đời nào cũng thú vị. Nó có lý do để ra đời, để tồn tại. Vạn vật hấp dẫn đến nhau và ta nào có khác chi đâu? Thế nên sốc gì nhỉ. Tôi hỏi và phản biện lại với Ngộ Bông, tên tôi đặt cho Thái Huy ở con đường. Kiểu nhại nhại bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng cho dễ kể với mọi người, dễ cười vui với nhau ấy mà.
Ohlala! Hay Ngộ Bông mày sốc vì đi theo “thầy” tới Phnom, tới Siem Reap, chả được mấy người tiếp đón như phim, chỉ vài người bạn mời mấy cốc bia vui, sau đó tôi đóng đinh chế chẩm cái chậu hoa, cái ghế để tặng lại, nên khác quá so với tưởng tượng phải có ông này bà kia, đức Phật hay yêu tinh này nọ.
Hay áp lực học sinh giỏi quốc gia, chủ quán cà phê, lãnh đạo cả một đám sinh viên chỉ thích “chém gió” mỗi ngày, nay cầm ít thanh gỗ, một dự án nhỏ mà cậu ấy cũng đang theo tôi thực hiện, quăng mình ra chợ Phnom Penh-Siem Reap, với biết bao nhiêu là kịch bản chuẩn bị, thậm chí dò tìm trên Internet đều vô tác dụng khi chào mời, tiếp thị, giao tế…?
Hay tự ví bản thân so với một tâm thế khác mà nó nhìn thấy ở chính tôi đây, người nó xin được theo, là chỉ tàn tàn dạo phố ngắm phường, tán chuyện với bà hàng cây hàng chè; lắng nghe mấy bác tuktuk, thậm chí là đối thoại với người bản địa không thể dùng bất kì ngôn ngữ nào. Vậy là sao tôi cứ phơn phởn ra. Chí ít là so với nỗi trăn trở, bực dọc nơi chính cậu ấy.
Cũng có thể. Cũng có thể. Cậu ấy luôn tin mình tài năng, làm việc tốt. Nay, cái tốt cậu ấy tin, cái tài năng cậu ấy tưởng có, có vẻ bị con đường hắt hủi, bị người ta hắt hủi, thậm chí tôi cũng hắt hủi nốt. Nên lạc lòng. Đấy, lửa thử vàng thôi mà.
Tôi không dạy hay khơi khơi chỉ này chỉ kia ai cả. Khi cần, cái gì đến sẽ đến. Khi cần, nên học “Đối thoại”. Ôi cái động từ – Communicate – này mới thú vị làm sao. Tôi cũng đã từng chia sẻ công khai về thế nào là “học cách đối thoại với nhau, với chính mình”. Cậu ấy cũng nghe, cũng đọc, nhưng hơi giống con vẹt một chút khi ấy. Nay, được kiểm chứng ngay và luôn.
Bài học về “đối thoại”, về “trái chiều”, về “cuộc sống thật”, cơ bản và may thay, cậu ấy đã vượt qua một cách ngoạn mục, ngoạn mục gấp chục lần đèo KrongPha ở Ninh Thuận – Lâm Đồng luôn. Cảm ơn Thái Huy và cảm ơn Bề Trên đã gìn giữ. Cảm ơn mọi người đã đồng hành với chúng tôi theo cách riêng. Vì không thể phủ nhận, có lời góp ý mạnh mẽ trái chiều đã giúp chúng tôi hoàn thiện và vững tin hơn. Nói một cách nào đó, nó cũng như những lời cầu nguyện, chúc lành của rất nhiều anh em bạn bè khác đã và đang gởi gắm, hỗ trợ chúng tôi.
Để cơ hội và hành trình này, chúng ta “Bó Đũa” được với nhau không chỉ làm cái xe Đạp Podu vốn được bó từ những thanh mây tre tưởng nhỏ bé và yếu đuối.
Đỗ Bá Huy và chiếc xe đạp Podu (cách đọc chệch đi của từ Bó đũa)
Để cơ hội và hành trình này, chúng ta kết nối với nhau không chỉ như kết nối những thanh gỗ nhỏ vốn tưởng vô dụng mà chúng ta góp cho nhau cái bàn, cái ghế hay những chậu hoa đẹp tuyệt vời.
Mà chúng ta còn, tôi tin chắc chắn. Chúng ta còn sống vui vẻ, hạnh phúc và biết ơn hơn những gì chúng ta đang có. Sẵn sàng chia sẻ với nhau.
Ví như sáng nay thôi, ở biệt thự đẹp cận biên giới Campuchia và Thái Lan, tôi và Ngộ Bông thấy trước cổng, người ta đặt vào đó tươm tất nhiều phần quà miễn phí, mỗi phần hai chai nước và một ít tiền. Tôi và Ngộ Bông, mỗi người một phần. Sướng kinh.
Ví như sáng nay thôi, nếu không có con đường tôi luyện, bằng hữu chia sẻ, tôi làm gì tới được đây mà chém gió. Ngộ Bông không vượt qua bản thân, mở lòng cậu ấy ra với nụ cười hồn nhiên mà làm việc, mà cho đi, thì tôi chắc cũng mệt theo. Làm gì có thời gian trò truyện với nhiều người hơn, làm được nhiều việc thú vị hơn.
Tái bút: Cũng may. Cái bánh xe sau của Ngộ Bông lủng lần thứ hai ở Poipet. Mà tôi có đủ thời gian để gom lại vài kỉ niệm, sự kiện và cảm xúc hơn một tuần rồi. Chia sẻ lại với mọi người. Ai rảnh tay dịch qua tiếng Anh để bạn bè khắp nơi dễ đọc hơn thì vui; ai giỏi giang hay chữ rảnh tay chấp bút lại cho ý sâu, tứ hay thì tôi cảm ơn thêm.
Kể cũng hay. Tôi đi không ngắn. Tới nay bánh xe mới thủng một lần khi đi bán dạo ngang qua Bắc Bình Định, Việt Nam thôi. Có chỉ qua kinh nghiệm, may mắn và có phần toán học cho Ngộ Bông. Giờ thì chắc hãi. Không muốn chứng tỏ gì thêm. Đi xa, học sửa và vá xe là đương nhiên ha.
Đi thôi đi thôi. Hắn vá xe xong rồi…
Bài: Đỗ Bá Huy (Chợ biên giới 12/8/2015 – Poipet)
Ảnh: Nhân vật cung cấp