“Biến động lạm phát 2012 nhiều điểm bất thường”

Mặc dù từ trước, các cơ quan dự báo và Chính phủ đều nhận định cho rằng, lạm phát năm nay sẽ được kiềm giữ ở 1 con số và sẽ dao động trong khoảng từ 7,5-8%, tuy nhiên, con số lạm phát công bố chiều nay từ Tổng cục Thống kê (TCTK) lại thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 6,81%,xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009.

Riêng tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,27% so với tháng trước. Tính bình quân cả năm, CPI năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Mức tăng CPI năm nay được cho là thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng là năm giá có nhiều biến động bất thường.

Biến động lạm phát 2012 nhiều điểm bất thường

Bất thường của CPI năm 2012 là giá lương thực – thực phẩm lại tăng thấp, thậm chí giảm, tăng cao ở những ngành dịch vụ công, do Nhà nước quản lý giá.

Theo quan sát của cơ quan thông kê, khác thông lệ, trong năm nay, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2) nhưng lại tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Trong năm, có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%.

Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết Âm lịch mà giảm vào 2 tháng giữa năm là tháng 6 và tháng 7. Hai tháng nay, chỉ số giá thậm chí có giá trị âm.

Về nhóm hàng, CPI bình quân của nhiều nhóm hàng năm nay có mức biến động nhiều và khác xu hướng so với năm trước. Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung: Lương thực tăng 3,26%, và thực phẩm tăng 8,14% trong khi CPI bình quân chung tăng 9,21%. Hồi năm ngoái, đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung: mức tăng giá của nhóm lương thực là 22,82%, của nhóm thực phẩm là 29,34% trong khi CPI bình quân chung tăng 18,58%.  

Nổi lên về mức tăng giá mạnh trong năm nay là nhóm dịch vụ y tế và giao dịch. Chỉ số giá của nhóm y tế có sự thay đổi lớn mức tăng mạnh 20,37%, cao hơn nhiều lần mức tăng 4,36% của năm 2011. Còn nhóm giao dịch thì trong hai năm qua đã duy trì mức tăng cao. Năm 2011, giá cả nhóm này tăng 23,18%, năm 2012 tăng 17,07%.

Trong khi, ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông vẫn duy trì mức giảm. Năm 2011 giảm 5,06% và đến năm nay giảm 1,11%.

Đơn vị: %

Đơn vị: %

Nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng tháng 12/2012 tăng 0,46% so với tháng trước; tăng 0,4% so với tháng 12/2011. Chỉ số giá USD tháng 12/2012 tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,96% so với tháng 12/2011.

Ngoài ra, TCTK cũng cung cấp thêm về chỉ số giá một số yếu tố đầu vào, tác động đến doanh nghiệp. Trong đó, cước vận tải năm 2012 tăng 13,2% so với năm trước với mức tăng giá cước tại dịch vụ vận tải hàng hóa là 7,82%. Chỉ số giá cước vận tải đường sắt năm 2012 tăng 15,49% so với năm 2011; đường bộ và xe buýt tăng 9,98%; đường thủy tăng 7,84%; đường hàng không tăng 31,97%;

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2012 tăng 9,04% so với năm 2011. Trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất của một số ngành tăng cao có máy móc thiết bị chưa phân được vào đâu tăng 15,68%; sản phẩm từ cao su, khoáng phi kim loại tăng 14,9%; dệt, trang phục, da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,99%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,17%.

TCTK cũng cung cấp thông tin về tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm nay là 1,99% và tỷ lệ thiếu việc làm ở mức là 2,8%. Cơ quan này đánh giá, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.

Điều này, theo cơ quan thống kê, cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh.

Theo Dân trí


From the same category