Chị Mỹ Ngọc, 45 tuổi, chủ tiệm thời trang ở Nguyễn Đình Chiểu,Q.3 kể: Nhiều lần chị thủ thỉ với ông xã ý muốn nâng ngực cho đẹp và tự tin thì anh luôn nửa đùa nửa thật: “Anh không biết, em làm sao không có núi cũng chẳng còn đồi thì đừng có ân hận”.
Câu nói của chồng nghe hơi bi quan về kỹ thuật nâng ngực hiện nay nhưng chị Ngọc cũng vì thế không dám “o bế” gì vòng một. Chia sẻ với chúng tôi, chị thú nhận là thấy nhiều thẩm mỹ viện giới thiệu các phương pháp nâng ngực tự nhiên, tiên tiến, hiệu quả cao, không để lại biến chứng mà luôn nửa tin nửa ngờ.
Cuộc trao đổi với bác sỹ Huỳnh Hồng Hạnh, Phó khoa Ngoại 4, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM dưới đây hy vọng giúp chị Mỹ Ngọc và nhiều bạn đọc hiểu rõ hơn về giải phẫu nâng ngực trước khi quyết định “biến đồi thành núi”.
– Bác sỹ có thể cho biết một cuộc phẫu thuật nâng ngực thường kéo dài trong bao lâu? Khách hàng sẽ được gây mê hay gây mê tại chỗ?
– Bác sỹ Huỳnh Hồng Hạnh (BS. H.H.H): Thời gian một cuộc phẫu thuật nâng ngực kéo dài từ 1 – 3 giờ. Khách hàng được gây mê nên sẽ không có “kỷ niệm” nào về quá trình phẫu thuật.
– Vị trí mổ sẽ quyết định vết sẹo, mà điều này cũng liên quan đến yếu tố thẩm mỹ. Vậy khách hàng có thể tự chọn vị trí phẫu thuật cho mình không?
– BS. H.H.H: Có ba vị trí mổ phổ biến trong phẫu thuật nâng ngực. Đó là mổ ở nếp vú, quanh quầng vú và ở nách. Tùy vào tình trạng của mỗi khách hàng, bác sỹ sẽ tư vấn và chọn một kỹ thuật phù hợp. Nếu bác sỹ có tay nghề cao và cơ địa của khách hàng tốt, các vết sẹo có thể mờ dần sau 3-6 tháng.
– Bác sỹ có thể nói rõ hơn về ưu điểm và nhược điểm của những kỹ thuật nâng ngực vừa nêu?
– BS. H.H.H: Vết mổ ở nếp lằn dưới vú giúp bác sỹ tiếp cận trực tiếp vùng ngực và cho phép đặt túi ngực thuận lợi vào một trong ba vị trí sau: dưới tuyến vú, dưới cơ ngực một phần và dưới cơ ngực hoàn toàn.
Vết mổ đường quần vú giúp giấu sẹo do lẫn vào màu sậm của phức hợp quầng vú núm vú. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng vẫn thấy sẹo. Đồng thời, cũng giống như vị trí nếp dưới vú, đường mổ ở vị trí này giúp đặt chính xác túi ngực và việc kiểm soát cầm máu tốt hơn.
Vết mổ ở nách là vết mổ duy nhất dùng cho kỹ thuật nội soi. Ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật này là không thấy sẹo ở vú. Khi sử dụng nội soi để kiểm soát cầm máu tốt hơn cũng như hỗ trợ đặt chính xác túi ngực vào trung tâm vú.
– Loại túi nâng ngực nào được dùng nhiều hiện nay thưa bác sỹ?
– BS. H.H.H: Hiện có rất nhiều loại túi nâng ngực khác nhau, bao gồm: bề mặt trơn hay nhánh, hình dạng tròn hay hình giọt nước, dung dịch đựng bên trong túi là nước muối hay silicone, kích thước túi từ 120-850cc…
Việc chọn lựa túi ngực dựa vào độ cao của ngực cũng như nhu cầu của bạn muốn vòng một lớn thêm bao nhiêu, giống trước khi sinh hay trước khi cho con bú chẳng hạn…
– Bác sỹ có thể cho biết những yếu tố nào được cho là quan trọng trong việc lựa chọn túi nâng ngực?
– BS. H.H.H: Có hai yếu tố quan trọng khách hàng cần lưu ý khi chọn túi nâng ngực. Về bề mặt: Thông thường, túi có bề mặt nhám giúp giảm biến chứng co cứng vỏ bao. Tuy nhiên, túi nhám có thể nhìn thấy qua da, tùy thuộc vào vị trí đặt túi. Về hình dáng, độ cao, thể tích túi nâng ngực: Nên dựa trên đường nét vú cụ thể của từng cá nhân để chọn lựa. Đồng thời, việc này cũng phụ thuộc nhiều vào vị trí đặt túi. Ví dụ, ngực sẽ trở nên tròn hơn nếu túi ngực được đặt dưới cơ ngực một phần hay dưới cơ ngực hoàn toàn.
– Biến chứng thường gặp trong giải phẫu nâng ngực là gì thưa bác sỹ?
– BS. H.H.H: Sẽ có biến chứng sớm và biến chứng muộn đối với phẫu thuật nâng ngực. Biến chứng sớm gồm:
– Chảy máu trong vết mổ: Thường xảy ra 2-3 ngày sau khi phẫu thuật với tỷ lệ 1-6%. Ngực bệnh nhân bị sưng lên và rất đau, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Trường hợp nặng thường phải mổ lại, cầm máu.
– Sẹo mổ trở nên dày, đổ, gồ lên mặt da. Biến chứng này xảy ra trong 2-5% trường hợp, có thể phải phẫu thuật lại hay chích steroid vào vết mổ.
– Nhiễm trùng, ứ dịch, hở vết mổ…
Biến chứng muộn thường gặp là co cứng vỏ bao, chiếm tỷ lệ 2-5%. Có thể giảm thiểu khả năng này bằng cách đặt túi ngực dưới cơ, sử dụng túi nhám, tránh bị chảy máu hay nhiễm trung sau mổ. Khách hàng nên bắt đầu massage vú từ năm ngày sau phẫu thuật, nhằm giảm co cứng vỏ bao. Bệnh nhân thường được mổ lại, nếu lần trước đặt túi dưới tuyến vú, có thể chỉnh lại đặt dưới cơ ngực.
Một biến chứng nữa là khách hàng có thể bị mất cảm giác ở núm vú, nhất là với vết mổ ở quầng vú và có thể hồi phục sau khi mổ từ 6-12 tháng. Tuy nhiên, không may là có khoảng 15% khách hàng sẽ bị mất cảm giác vĩnh viễn ở núm vú.
Không nên để túi nâng ngực trong cơ thể quá lâu
Túi nâng ngực có thể tồn tại an toàn nhiều thập kỷ trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ 5% túi bị vỡ trong vòng ba năm và 7-10% túi bị vỡ trong vòng mười năm sau.
Do vậy, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo rằng: để túi nâng ngực trong cơ thể càng lâu, khả năng xảy ra biến chứng càng cao.
Kích cỡ loại túi nâng ngực được tính như sau: 125-150cc dung dịch muối hoặc silicone sẽ làm gia tăng 1 cup (kích cỡ quả áo ngực).
Lưu ý sau phẫu thuật Trừ các biến chứng có thể gặp, bạn sẽ hết đau sau 1-2 tuần. Bạn có thể tự lái xe khi không cần sử dụng thuốc giảm đau nữa. Tuy nhiên, bạn không nên nhấc vật gì nặng hơn 2kg trong vòng sáu tuần sau khi phẫu thuật. Bạn có thể tập thể dục bằng cách đi bộ ngay sau khi phẫu thuật nhưng không nên tập bất kỳ môn nào với cường độ cao trong sáu tuần sau phẫu thuật. Một việc khá quan trọng bạn nên làm sau khi đã “biến đồi thành núi” là chọn chiếc áo lót có kích thước thật sự phù hợp bằng cách: Dùng một chiếc thước dây để đo sát phần chân ngực. Giả sử kết quả là 75cm, bạn xác định được số áo của mình là 75. Sau đó, bạn tiếp tục dùng thước dây đo hơi lỏng phần lớn nhất của bầu ngực. Giả sử kết quả là 89cm, bạn lấy số đo phần bầu ngực trừ đi số đo phần chân ngực đã cộng thêm 10. Ví dụ: 89 – (75+10) = 4cm. Đối chiếu với các chữ cái ở dưới, bạn sẽ thấy số 4cm tương ứng với ký tự B. Như vậy áo ngực của bạn cỡ B75. Các chữ cái A, B, C, D là ký hiệu dành cho phần bầu ngực (cup), A được quy định là bé hơn hoặc bằng 2,5cm, B<= 5cm, C<=7,5cm, D<= 10cm, E <= 12,5cm. |
Ngọc Nguyên (theo Shape)