Biên đạo múa Thủy Ea Sola: “20 năm tôi nghĩ tới Nguyên Lê" - Tạp chí Đẹp

Biên đạo múa Thủy Ea Sola: “20 năm tôi nghĩ tới Nguyên Lê”

Giải Trí

Nguyên Lê – Thủy Ea Sola: “Đường về nhà”

Nguyên Lê sinh ra tại Pháp, nhưng 100% huyết quản của ông là dòng máu Việt.

Thủy Ea Sola có bố là người Việt, mẹ là người Pháp, nhưng chị từng trải qua thời niên thiếu tại Tây Nguyên, khi Việt Nam còn trong khói lửa chiến tranh.

Từng là một Việt Nam trong tưởng tượng, khi Nguyên Lê thực hiện đĩa nhạc đầu tiên về Việt Nam – “Tales from Vietnam” (Những câu chuyện từ Việt Nam) năm 1996.

Gần như cùng thời điểm, Thủy Ea Sola về Việt Nam, tìm lại một Việt Nam từng có trong sương mờ ký ức và vật vã dựng nên vở múa gây sững sờ cho giới “nghệ”: “Hạn hán và cơn mưa” cùng nhiều vở khác sau đó…

20 năm qua, “đường về nhà” với họ vì vậy không thể tính bằng khoảng cách địa lý giữa Pháp và Việt Nam, mà phải đo bằng chiều dài ký ức, và chiều sâu tâm thức…                       https://dep.com.vn/Entertainment/Nhac-si-jazz-Nguyen-Le-Han-han-va-con-mua-la-vo-dien-dep-nhat-toi-da-tung-xem/47173.dep

“Tôi có thể lôi đời tôi ra để thấy biết bao cái chung giữa chúng tôi”

– Chị đã vắng bóng quá lâu, dù những ấn tượng chị từng để lại vẫn còn nguyên đó. Vì sao đến giờ này chị vẫn chưa trở lại?

– Công việc đã qua, cần thời gian để đánh giá, và nếu như “ấn tượng để lại vẫn còn nguyên đó”, thì hẳn lẽ, hai mươi năm “Hành trình về lại ký ức” của tôi (cùng người đồng hành là nhạc sĩ Sơn X) tại quê hương là một hành trình có ích, với 9 tác phẩm cùng chủ đề, chất liệu Việt Nam? Nói tôi không trở lại Việt Nam là chưa đúng. Bởi tôi vẫn ở đó.

– Ở Pháp, hẳn chị biết nhạc sĩ Nguyên Lê, người suốt 20 năm qua cũng đau đáu hai chữ “cội nguồn” giống chị?

– Trong vòng 20 năm, tôi và Nguyên Lê gặp nhau chắc vài ba lần. Khi “Hạn hán và cơn mưa” công diễn tại Brussels (1995), khi giới thiệu “Cánh đồng âm nhạc” tại Berlin (1999), và trong một đêm nhạc do nhạc sĩ Quốc Trung tổ chức tại Hà Nội (2013)… Vài ba lần gặp gỡ, nhưng đó là 20 năm tôi nghĩ tới anh ấy. Trong lần gặp thứ 3 vào năm 2013, ngồi đối diện với Nguyên Lê, tôi cảm động lắm. Sống ngay tại Paris – rất gần nhau, nhưng không gặp nhau, không biết nhau mà như biết nhau. Nghĩ đi nghĩ lại, khó quên, lạ lắm…

– Chưa bao giờ thử hợp tác cùng nhau, như đã từng, giữa Nguyên Lê và Hương Thanh, lạ nhỉ?

– Chắc rụt rè. Chắc chưa nghĩ tới, chắc nghĩ tới nhưng không dám tới, chắc không dám, chắc phải đợi thêm… Cũng có thể, thời gian nào đó, biết đâu, lúc đó, biết đâu được…

– Điểm chung lớn nhất giữa hai người, theo chị là gì?

– Nếu để nói về một điểm chung lớn nhất giữa tôi và anh ấy, có lẽ là sự cô đơn của chúng tôi, đối với gốc gác Việt trong mình. Còn để kể ra hết những điểm chung giữa anh và tôi, chắc tôi có thể lôi cả đời tôi ra…

– Nguyên Lê nói với tôi rằng ông ấy đặc biệt thích âm nhạc của người dân tộc thiểu số Việt Nam, vì tương tự âm nhạc Bắc Phi, nó cho người ta cảm giác đang được sống trong một thời kỳ hoang sơ. Đó có phải chính là không gian chị từng sống, trong những năm tháng thiếu thời tại Tây Nguyên?

– Đúng vậy! Thứ âm nhạc mà Nguyên Lê bị thu hút, tôi đã lớn lên cùng với nó và cũng đã từng đi Châu Phi nghiên cứu về các thể loại này. Từ nhỏ, tôi gọi đó là “nhạc rừng”…

“Nguyên Lê ‘không biên giới’ hơn tôi gấp nghìn lần”

– Bằng thể loại âm nhạc world music, Nguyên Lê chủ trương một thứ âm nhạc không biên giới. Chị cũng từng đưa những bà nông dân Thái Bình lần đầu tiên đến với múa đi khắp thế giới. Hẳn chị đồng cảm mạnh mẽ với Nguyên Lê trong ba chữ “không biên giới” này?

– Biên giới là khái niệm để xác định chủ quyền, nhưng với những người làm nghệ thuật, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi dĩ nhiên đồng cảm với Nguyên Lê về ba chữ “không biên giới” nhưng thật ra, Nguyên Lê “không biên giới” hơn tôi gấp nghìn lần. Nguyên Lê đã chơi nhạc cùng rất nhiều nghệ sĩ tài năng trên thế giới, anh ấy đã đưa được con người mình tới cái khác mình một cách thật sâu…

– Trong khi chị kiên nhẫn làm việc với những người già, thì Nguyên Lê lại thường chọn những cộng sự trẻ ở Việt Nam. Hai chuyển động này theo chị có trái chiều?

– Sao lại trái chiều? Mà trái chiều đôi lúc cũng cần. Cứ cho là tôi làm việc với người lớn tuổi thay cho Nguyên và Nguyên làm với người trẻ thay cho tôi đi! Giúp đỡ lẫn nhau vậy!

– Nguyên Lê nói rằng trong nhiều năm ông ấy đã sống với một Việt Nam trong tưởng tượng. Còn chị, thậm chí là đã từng ít nhiều nếm trải chiến tranh tại Việt Nam. Theo chị, điều đó liệu có làm nên những nẻo về nguồn cội khác nhau, giữa hai người?

– Tất nhiên có khác. Nhưng tôi không cho rằng đó là lý do của sự khác biệt. Mà đó là cách vô cùng riêng của từng nghệ sĩ, khi họ cố gắng cảm nhận chính mình và thế giới quanh mình. Không phải nghệ sĩ nào cũng bắt được những cảm nhận đó, để rồi thành lời, thành nhạc, thành suy nghĩ được.

– Chị có cảm nhận rõ những ảnh hưởng của gia đình lên chị không, đặc biệt là dòng máu Việt trong chị?

– Ba tôi người Nam bộ, là một kỹ sư theo kháng chiến, mẹ tôi người Pháp, gặp ông khi ông du học bên Pháp và theo ông về Việt Nam, trồng ớt. Tôi chưa nhận thấy ảnh hưởng từ ba mẹ mình. Nhưng từ sâu bên trong, tôi thường rất quý nhà nông và hay bảo vệ quyền lợi của kẻ yếu. Nói thực, ảnh hưởng lớn nhất với tôi là từ văn chương Pháp.

Những bà nông dân Thái Bình lần đầu tiên bước lên sân khấu múa đương đại

 

“Giờ, tôi không chạy nữa”

– Vì vấn đề sức khỏe, mười năm qua, Nguyên Lê đã phải chạy đua với thời gian để kịp chuyển giao kinh nghiệm làm nghề cho những cộng sự trẻ tại Việt Nam. Chị có chung mong muốn đó?

– Có hai người Pháp gốc Việt luôn làm tôi cảm động, đó là nhạc sĩ Nguyên Lê và đạo diễn Trần Anh Hùng. Tôi từng thấy Hùng chạy như thế nào để được làm một cảnh phim, tôi khâm phục anh ấy. Tôi từng cảm nhận Nguyên Lê theo đuổi âm nhạc Việt Nam tới mức nào, điều đó khiến tôi rớt nước mắt. Các cuộc chạy này, chúng tôi, những nghệ sĩ mang trong mình hai dòng máu, có nếm, có biết, có khóc. Chúng tôi – những người “không biên giới”, mang trong mình hai nền văn hóa – không biết che đậy thứ tình yêu lạ lùng hòa quyện cùng dòng máu đang chảy trong da thịt. Đành chạy. Nếu ai cần, tôi vẫn đầy mong muốn. Nhưng giờ tôi không chạy nữa.

– Tới lúc này, điều gì quan trọng với chị hơn: sắc đẹp, hay sức khỏe?

– Sức khỏe là sắc đẹp. Nhưng sức khỏe nào mới làm ta đẹp? Sắc đẹp nào làm ta khỏe? Nói cho cùng, đối với vẻ đẹp như ta hay đề cập tới, tôi không quan tâm lắm. Nó là thứ có ngày sẽ biến mất. Trái lại, sắc đẹp tinh thần bền vững và thú vị hơn. Qua thời gian, tôi tích lũy được một vài kinh nghiệm làm đẹp: giữ im lặng, cho ý nghĩa yêu thương tồn tại trong tinh thần, lắng nghe những tiếng thì thầm trong mình, lắng nghe tiếng của không gian quanh ta, yêu thích màu trời, đôi lúc đi chân không trong phố, đọc sách liên tục, đi bảo tàng, triển lãm, nhà hát, nghe nhạc,…

– Chị rất ít cười. Chị có hay nổi giận không?

– Không hay, và cũng không thích. Nhưng có một thời, lúc ấy tôi phải chạy, tôi có nổi giận.

– Được biết, mối quan tâm gần đây nhất của chị là Đông Nam Á. Vì sao chị lại bị chủ đề này lôi cuốn: nguồn cội Việt của chị, hiểu theo một nghĩa rộng hơn? Hay vì Đông Nam Á đã khác?…

– Đông Nam Á, một cách sống ngàn năm với thiên nhiên, vùng đất của văn hóa truyền miệng, của truyền thống xóm làng, của niềm tin giữa đất và trời… Tôi không có ý định ghê gớm lắm, chỉ đi lang thang để xem những gì sẽ tới. Tôi cần có thêm thời gian mới hiểu được. Còn đang xây dựng. Còn mù mịt lắm.

– Chị từng nhận mình là một kẻ tha hương cô độc, cho đến khi tìm thấy “gia đình lớn” ở Việt Nam. Cảm giác đó giờ còn nữa không, trong những ngày cái tên Thủy Ea Sola vắng bóng?

– Nhà thơ Rainer Maria Rilke nói: “Đối với những điều sâu sắc và quan trọng nhất, chúng ta đều một mình”, “Chỉ có một điều cần thiết: sự cô đơn”, “Là nghệ sĩ có nghĩa là không tính toán, không đợi chờ, trưởng thành tới khi nhựa cây tiết ra, cùng lòng tin, đứng trong cơn bão mà không sợ mùa hè không đến…”

– Chị đang ở trong một quãng sống thế nào, là “cơn mưa” hay “hạn hán”?

– Cả hai, có lẽ.

– Nhưng chị đang ở đâu mới được?

– Một năm vừa qua tôi ở Pháp. Em trai tôi bệnh nặng, tôi chăm sóc và kế bên cậu ấy đến giây phút cuối cùng…

 
Ý tưởng: Thủy Lê
Thực hiện: Thư Quỳnh, Thùy Anh, Tuấn Anh
Ảnh: Phan Võ (Nguyên Lê) –  Nguyễn Đình Toán & nhân vật (Thủy Ea Sola) cung cấp

logo

Thực hiện: depweb

05/09/2016, 11:48