Biên đạo Linh An - bên ngoài đàn ông, bên trong đàn bà - Tạp chí Đẹp

Biên đạo Linh An – bên ngoài đàn ông, bên trong đàn bà

Women Empower Women

Từng theo học bộ môn theatre jazz dance tại New York, niềm đam mê nhảy múa đã thúc đẩy Linh An – một cô gái Việt Nam mang bộ môn vũ đạo nhạc kịch về tiếp cận và phổ biến với khán giả Việt Nam. Theatre jazz được xem như là cách kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể với sắc thái vui nhộn. Đây là gia vị không thể thiếu trên sân khấu nhạc kịch Broadway, New York.

Vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” do chị làm biên đạo múa nhận được đánh giá rất tích cực từ khán giả cũng như giới chuyên môn. Thị hiếu của khán giả Việt phải chăng đã mở rộng hơn cho những tác phẩm mang tính chất hàn lâm?

Bản thân tôi thấy một trong những thành công của vở diễn là tinh thần đồng đội của toàn bộ ekip được giữ vững đến giây phút cuối cùng của dự án. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã gặp khá nhiều thách thức, ví dụ: làm thế nào để giúp đội ngũ opera singers, những nghệ sĩ vốn có chuyên môn sâu về hát và không có nhiều kinh nghiệm về vũ đạo, có thể vừa hát vừa nhảy. Để khắc phục, chúng tôi đã tập luyện song song cả ba kỹ năng – hát, diễn, chuyển động trong 6 tháng liên tục.

Về thị hiếu của khán giả Việt, có thể vở “Những người khốn khổ” được đánh giá có tính hàn lâm cao là do yếu tố chính trị và xã hội của kịch bản; tuy nhiên, nhạc kịch không “hàn lâm” như số đông khán giả nghĩ. Đây là một loại hình nghệ thuật thuộc tầm trung (nằm giữa nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật giải trí). Khác với kịch, nhạc kịch có thêm hai yếu tố âm nhạc và vũ đạo, hai điều khiến vở diễn thêm phần sinh động và minh họa để dễ đón nhận, dễ hiểu. Vậy nên, mình tin rằng sau khi xem vở “Những người khốn khổ” hay các dự án nhạc kịch khác đã được công diễn tại Việt Nam, khán giả có thể cảm nhận được rằng nhạc kịch đơn thuần là một hình thức biểu đạt/thể hiện khác với kịch, tuồng, chèo, v.v., phần lớn là không có hoặc rất tối giản về tính trừu tượng (cho đến thời điểm bây giờ), và có cùng một mục tiêu với các loại hình nghệ thuật sân khấu khác là truyền tải một câu chuyện, một thông điệp tới khán giả.

Đâu là câu nói mà chị hay được nghe nhất khi những người xung quanh biết ý định đưa theatre jazz của chị về nước? Chị nghĩ sao về những câu nói đó?

Trước khi chuỗi workshop “Trải nghiệm vũ đạo Jazz mang phong cách nhạc kịch” mà tôi và anh bạn Johnson Brock (người đồng sáng lập diễn đàn “Theatre Dance Vietnam” – PV) tổ chức vào hè năm 2019 diễn ra, chúng tôi cũng đã nhận được các câu hỏi của học viên và các bạn yêu nghệ thuật nhạc kịch: “Hiện tại nhạc kịch ở Việt Nam vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, liệu việc gây dựng một cộng đồng nhảy theo phong cách này có khả thi  không?”. Ở thời điểm đó, tôi không nghĩ quá nhiều và chỉ mong muốn được chia sẻ một bộ môn nghệ thuật, một nét văn hóa Mỹ mà tôi vô cùng yêu mến với cộng đồng dancers ở Việt Nam. Đơn giản là cứ làm đã rồi mới biết công việc của mình có được đón nhận hay không. Sau chuỗi workshop và một số dự án nhạc kịch tại Hà Nội tôi đã và đang hợp tác, tôi nhận thấy từ studio tập nhảy đến khán phòng nhà hát đều không thừa chỗ; phần lớn khán giả, học viên đều rất hào hứng và cởi mở với loại hình nghệ thuật này. Ở thời điểm hiện tại, với tôi như vậy là rất may mắn rồi.

Quá trình đưa vũ đạo theatre jazz có điều gì khiến chị khó khăn nhất? Và đâu là điều khiến chị hài lòng nhất?

Vốn dĩ nhạc kịch là một bộ môn nghệ thuật không nằm trong văn hóa Việt Nam, vậy nên để truyền tải về khái niệm vũ đạo nhạc kịch tới khán giả nước nhà là một thử thách cần nhiều thời gian để đào tạo từ kiến thức đến kỹ thuật nền tảng. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy sự cởi mở của cộng đồng dancers lẫn các bạn yêu nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam. Vì sự không ngần ngại tiếp cận cái mới, các bạn đã tiếp cho tôi thêm động lực để chinh phục thử thách lan toả vũ đạo theatre jazz.

Điều gì khiến chị gắn bó với bộ môn này đến vậy?

Thuần tuý từ tính cách và sở thích. Tôi là người khá “tưng tửng”, nhưng cũng đa sầu đa cảm, tôi thích sự vui nhộn, đặc biệt là rất thích chơi với biểu cảm của khuôn mặt lẫn hình thể – “diễn sâu”. Vậy nên, khi được tiếp xúc với vũ đạo nhạc kịch, tôi thấy được sống với đúng cảm xúc và con người mình, kể cả khi biểu diễn lẫn sáng tạo. Tôi kết nối được với theatre Jazz chính là vì tính “kịch” trong vũ đạo; nhờ sự pha trộn với diễn xuất của theatre Jazz, các màn vũ đạo theo phong cách này đều thể hiện rất rõ nhân vật của vũ công lẫn đề cao việc “kể chuyện” hơn là trình diễn một chuỗi động tác đẹp.

Chị tìm kiếm nguồn cảm hứng cả trong công việc và cuộc sống cho mình ở đâu?

“The most personal is the most creative” – Martin Scorsese. Nguồn cảm hứng đến với tôi từ những thứ gần gũi nhất, những sinh hoạt hàng ngày, những con người, cảnh vật xung quanh,v.v. Thường thì tôi sẽ sáng tạo cùng chiếc mũ pork pie đen, và khai thác các câu chuyện, nhân vật qua chiếc mũ. Tôi từng dựng một bài lyrical Jazz để dành tặng cho ông nội mình. Đây là một bài múa solo, nên tôi hoá thân thành 2 nhân vật. Chiếc mũ là hiện thân của ông nội: khi tôi đội chiếc mũ, tôi là ông; khi tháo mũ, tôi quay lại với hình ảnh cô bé Linh An học mẫu giáo. Những câu chuyện, cảm xúc “riêng tư” nhất lại thường cho tôi cảm hứng sáng tạo một cách tự nhiên và dồi dào nhất.

Về tính cách, chị có phải là một người táo bạo và quyết liệt như trong công việc?

Tôi thường thích nghi theo hoàn cảnh và đối tượng. Ví dụ như khi gặp những diễn viên/học viên mới còn hơi e dè khi trải nghiệm lần đầu với vũ đạo Jazz, mình sẽ cởi mở hơn, “tưng tửng” hơn, chia sẻ và giữ tinh thần vui vẻ để các bạn cảm thấy thoải mái và được đón nhận. Tuy nhiên, với những người có cá tính mạnh hơn, tôi thường đề nghị họ chia sẻ, giải tỏa hết, tôi sẽ lắng nghe và nén lại một chút, sau đó sẽ để cả 2 bên từ từ giải quyết từng vướng mắc một, hoặc khi nào thoải mái và sẵn sàng có thể gặp gỡ và trao đổi tiếp.

Nếu nói về một điều mâu thuẫn trong tính cách của chị, đó sẽ là gì?

“Bên ngoài đàn ông, bên trong đàn bà”. Từ công việc đến đời sống cá nhân, tôi khá thẳng thắn trong cách giao tiếp, làm việc và điều đó cũng phần nào thể hiện qua phong cách ăn mặc. Nhưng phụ nữ mà, tôi vẫn sẽ có những khoảng thời gian cảm thấy “mềm mỏng”, nhạy cảm một chút, và thường tôi sẽ tìm một góc nhỏ để tĩnh lại hoặc chia sẻ với một người ban hay người thân tôi thật sự tin tưởng và tìm hướng giải quyết.

Tác giả: Hồng Vân

29/01/2021, 13:12