Bí thư Hà Nội: Hạn chế nhập cư không phải là cấm đoán

Dự luật Thủ đô được Bộ Tư pháp đưa ra tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 6/10, cùng với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đáng chú ý của dự luật này vẫn là các quy định về tăng điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội, đề xuất tăng mức xử phạt hành chính đối với các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng, hay cho phép thu phí giao thông cao hơn ở khu vực nội thành.

Chưa tối ưu nhưng cần thiết

Cụ thể, để được đăng ký thường trú tại nội thành công dân phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.


Dân số tập trung vào các quận nội thành khiến cho Hà Nội có nhiều vấn đề khó có thể giải quyết

Về điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đối với một số đối tượng chặt hơn so với quy định của luật Cư trú. Cơ quan thẩm tra nhận định việc bổ sung các điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đối với một số đối tượng chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế – xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doạnh, dịch vụ ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận… thì mới có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Việc xử phạt vi phạm hành chính ở nội thành HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng…

Theo ông Phan Trung Lý đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị không nên quy định mức phạt tiền cao hơn so với quy định chung đối với 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai và xây dựng như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến tán thành với quy định.

Phí cao không để thu thật nhiều tiền…

Trước khi thường vụ thảo luận về Dự Luật Thủ đô, Bí Thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, quá trình chuẩn bị 3 năm (từ năm 2009) những người làm luật đã lấy ý kiến rộng rãi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân. Dự luật sẽ là căn cứ quan trọng định hướng bước đầu xây dựng phát triển Thủ đô.

Theo ông Nghị, Hà Nội cần thiết có những quy định riêng về nhập cư xuất phát từ nhu cầu quản lý, khả năng đáp ứng nhu cầu về kinh tế – xã hội, nhất là chỗ ở, việc làm. Dân số tập trung quá nhiều ở nội thành (dân số ở 4 quận nội thành trên 1 triệu người) đang đặt ra quá nhiều vấn đề về hạ tầng khó có thể cải thiện. Ông Nghị đưa ra ví dụ số nhà 56 Hàng Buồm có đến 20 hộ dân sinh sống; khu tập thể hàng trăm hộ dân sinh sống chung một nhà vệ sinh, bể nước.

“Như vậy, việc bảo đảm dân số trong nội thành hợp lý theo quy hoạch nhằm đảm bảo điều kiện cần thiết cho chất lượng cuộc sống của người dân. Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ trong nội thành, gắn với điều kiện phải có nơi ở ổn định, thường xuyên là để quản lý dân cư khoa học, chủ động chứ không phải là biện pháp cấm đoán quyền tự do cư trú”, ông Nghị phân tích.

Ngoài ra, ông Nghị cho rằng việc thu một số loại phí giao thông cao hơn ở trong nội thành mục đích không phải để thu tiền. Mục đích chính là để hạn chế một số loại phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Cuối bài phát biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thuận lợi dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 tới. Hà Nội cũng sẽ phối với cơ quan soạn thảo, với các Ủy ban của Quốc hội, nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Theo Dân Trí

From the same category