Bí quyết để bạn tiệc tùng cuối năm mà không bị rượu bia “đánh gục”

“Đổ bêtông” trước khi nhập tiệc; thưởng thức đồ uống có cồn một cách chậm rãi, uống xen kẽ với nước lọc và trò chuyện, tán dóc với mọi người…, những mẹo nhỏ này giúp bạn tỉnh táo trong các bữa tiệc.

Cuối năm là mùa của lễ Tết, cũng là lúc chúng ta tham gia nhiều buổi tụ tập, tiệc tùng cùng người thân và bạn bè, vì vậy, việc sử dụng rượu, bia là điều không thể tránh khỏi.

Làm sao để uống bia mà không say trong những ngày lễ Tết hay trong những bữa tiệc cùng đồng nghiệp, đối tác? Dưới đây là một số tư vấn từ các chuyên gia để giúp bạn không bị rượu, bia “đánh gục” trong các bữa tiệc.

Cho dù bạn là người kiêng hẳn hoặc đang trong quá trình cắt bỏ rượu bia hoàn toàn thì những lời khuyên này vẫn đặc biệt hữu ích.

Một số bí quyết sẽ giúp bạn tỉnh táo khi tham dự các bữa tiệc cuối năm. (Ảnh: Stocksy United)
“Đổ bêtông” trước khi nhập tiệc

Những đồ uống có cồn sẽ hấp thụ vào cơ thể qua hệ tiêu hóa, và việc hấp thụ nhanh hay chậm phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày.

Theo các chuyên gia, việc ăn nhẹ trước khi uống rượu sẽ ngăn cản cồn tiếp xúc với niêm mạc ruột và dạ dày, giúp bạn giữ được cơ thể tỉnh táo và lâu say hơn.

Bởi vậy, trước khi uống rượu, bia, hãy ăn một chút đồ ăn, tốt nhất là những đồ ăn có chứa nhiều protein. Những người có kinh nghiệm thường gọi đùa đây là “đổ bêtông” cho dạ dày, giúp họ tận hưởng bữa tiệc một cách trọn vẹn.

Ngoài ra, uống một ly sữa trước khi uống rượu cũng giúp hạn chế sự chuyển hóa acetaldehyde hấp thụ vào máu. Từ đó, làm chậm quá trình hấp thụ rượu trong cơ thể, giảm kích thích của rượu với dạ dày.

Uống chậm

Ở Việt Nam, khi những ly rượu hoặc bia được rót ra, những người muốn khuấy động không khí thường hay dẫn dắt bàn tiệc uống cạn 100% các ly đồ uống trong những tiếng hò reo sôi nổi. Việc này khá vui, nhưng nếu bị cuốn theo thì rất nhiều người sẽ nhanh chóng đổ gục và bỏ lỡ phần còn lại của bữa tiệc.

Bí quyết là hãy uống chậm lại, thay vì uống một ngụm lớn hay thậm chí cạn ly, bạn hãy thưởng thức ly đồ uống của mình một cách chậm rãi, tận hưởng hương vị và tán dóc vui vẻ cùng mọi người.

Thưởng thức đồ uống có cồn một cách chậm rãi sẽ giúp bạn lâu say. (Ảnh: iStock)

Ví dụ, nếu bạn đang cầm trên tay một ly rượu vang, “Bạn có thể lắc rượu trong ly, ngửi mùi thơm, quan sát rượu sánh lên thành ly và từ từ trôi xuống. Hãy chú ý đến màu sắc của rượu và khi nhấp một ngụm, hãy cảm nhận hương vị rượu lan tỏa trong miệng,” Tiến sỹ Sarah Church, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Wholeview, (Mỹ) nói.

Với các loại rượu mạnh, hãy kéo dài thời gian nhâm nhi, như vậy bạn sẽ buộc bản thân chậm lại để cơ thể và tâm trí có thời gian cảm nhận được rượu, đồng thời giúp bạn kiểm soát được nồng độ cồn nạp vào.

Luôn bổ sung thêm nước

Khi uống rượu, bia, cơ thể sẽ trong tình trạng mất nước. Lúc này bạn sẽ cảm thấy cơ thể khó chịu, buồn nôn.

Mẹo đơn giản là uống một ly nước trước khi nhậu và luôn uống nước xen kẽ với rượu, bia trong lúc nhậu. Cách này giúp làm loãng độ cồn trong cơ thể, hạn chế biểu hiện say xỉn.

Vừa uống vừa nói chuyện

Trước khi tham gia một buổi tụ tập, hãy suy nghĩ tới những hoạt động khác có thể thay thế hoặc làm giảm tần suất uống rượu, chẳng hạn như tổ chức trò chơi, giúp đỡ chủ tiệc….

Trong bữa tiệc, thay vì biến rượu, bia trở thành “điểm nhấn,” hãy tập trung vào việc trò chuyện với mọi người và tận hưởng các hoạt động khác.

Khi bạn trò chuyện, tán dóc vui vẻ với mọi người, một lượng cồn đáng kể sẽ được bay hơi ra ngoài. Mẹo nhỏ này còn giúp bạn kiểm soát việc uống nhiều hay ít.

Tiến sĩ Church gợi ý: “Bạn có thể chụp vài tấm ảnh lưu giữ kỷ niệm, kết giao với một vài người bạn mới. Nếu trong bữa tiệc có nhạc sống, hãy phiêu theo điệu nhạc và khiêu vũ.”

Tán dóc trong bữa tiệc giúp bạn kiểm soát được việc uống nhiều hay ít. (Ảnh: iStock)
Không pha trộn các đồ uống với nhau

Việc trộn lẫn rượu bia với nước uống có gas gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, bởi nước có gas chứa lượng khí carbon dioxide lớn thúc đẩy tốc độ thẩm thấu cồn vào máu nhanh hơn. Điều này khiến chúng ta say rượu nhanh chóng.

Bên cạnh đó, việc pha trộn hai loại thức uống này còn có nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch, dạ dày… và dễ bị rối loạn tiêu hóa khi tỉnh rượu, nặng hơn có thể phải nhập viện.

Cắt bỏ rượu trước và sau dự tiệc

Việc cắt giảm rượu bia vào những ngày trước và sau các buổi tụ tập ăn uống sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, giữ được sự kiểm soát và hạn chế việc tiêu thụ quá nhiều cồn.

Tiến sỹ Church cho biết: “Nếu bạn giới hạn được việc uống rượu trong khoảng thời gian gặp gỡ mọi người, bạn sẽ có xu hướng uống ít hơn.”

Không nên ở lại suốt buổi tiệc

Nếu bạn là người đang trong chế độ cần phải kiêng hoặc cắt giảm bia, rượu nhưng không thể không tham dự bữa tiệc, thay vì tham gia sự kiện từ đầu đến cuối, bạn hãy đến muộn hơn, về sớm hơn hoặc làm cả hai.

Hãy thông báo cho chủ tiệc biết trước rằng bạn sẽ không ở lại lâu để tránh sự bất ngờ.

Với những bữa tiệc rượu gặp mặt đối tác, hãy thảo luận trước với đồng nghiệp đi cùng để hỗ trợ bạn khi cảm thấy cơ thể không thể tiếp nhận thêm đồ uống có cồn.

Nếu có thể, hãy mời thêm bạn hoặc người thân đi cùng khi tham gia các buổi tụ tập xã giao để cảm thấy an toàn trong việc kiểm soát lượng rượu.

Trong trường hợp bạn đi dự tiệc một mình, khi cảm thấy bắt đầu váng vất, hãy bước ra ngoài chỗ thoáng để nghỉ ngơi hoặc nhờ sự hỗ trợ từ mọi người.

Nghệ thuật từ chối uống rượu một cách khéo léo

Sẽ thật ngại ngùng và gây sự chú ý khi bạn không hòa chung vào không khí “nâng ly” vui vẻ của bữa tiệc. Theo tư vấn của chuyên gia, bạn không cần phải thông báo cho mọi người về quyết định uống rượu của mình, nhưng nên chia sẻ lý do vì sao bạn không uống để mọi người thông cảm.

Một số lý do chính đáng để từ chối uống có thể là về vấn đề sức khỏe, bạn đang sử dụng thuốc, không thể uống bia rượu. Hoặc bạn có cuộc họp quan trọng, một chuyến bay sớm vào ngày mai…

Hãy từ chối bằng một cách nhẹ nhàng, không gây mất hứng cho bàn tiệc và đề nghị một loại uống không cồn khác để cụng ly với mọi người.


From the same category