Hôm nay đi đón Bơ, nghe cô giáo khen con có khả năng ngôn ngữ rất tốt so với các bạn khác trong lớp, mẹ vui lắm. Mẹ cảm thấy những cố gắng của mình đã có kết quả. Cô giáo khen con có thể gọi tên chính xác mọi đồ vật, biết hỏi những câu hỏi dài, đúng ngữ cảnh và hiểu cả những câu đùa “ý nhị” từ người khác, lại có thể kể những câu chuyện đơn giản chừng 5, 6 câu ngắn gọn rất lưu loát. Thực ra, để con có thể giao tiếp và phát triển ngôn ngữ như thế, cả mẹ và Bơ đều đã cố gắng rất nhiều.
Nói chuyện với con càng nhiều càng tốt
Vì ông bà vẫn đang công tác, bố mẹ lại bận rộn nên từ 18 tháng, mẹ gửi con đi một nhà trẻ tư thục. Ai cũng bảo đi trẻ như con là sớm quá, sẽ không thể khỏe mạnh và phát triển tốt như các bạn ở nhà. Nhưng vì hoàn cảnh, mẹ phải gửi con đi. Bù lại, lúc con ở nhà, mẹ cố gắng đã dành nhiều thời gian cho con nhiều nhất có thể.
Thường xuyên trò chuyện với con vừa giúp bé phát triển ngôn ngữ vừa giúp mẹ hiểu về con hơn
Sáng nào trước khi đi làm và buổi chiều về nhà, mẹ con mình cũng đều “nói chuyện riêng” với nhau về một ngày của con. Mẹ cùng con đánh răng, rửa mặt, cùng nấu cơm (mẹ cho con vài cọng rau, bảo con “nhặt rau giúp mẹ”, đưa cho con một cốc nước và một chiếc thìa, một chiếc bát nhựa, nhờ con “múc canh” – xúc nước bằng thìa từ cốc ra bát giúp mẹ). Con vụng về, lóng ngóng, chưa thể giúp được gì nhưng con được chơi đùa gần mẹ sau cả ngày xa cách và mẹ có thể hỏi han con nhiều điều. Ban đầu, con chưa hiểu hết câu hỏi của mẹ, chỉ lo nghịch ngợm, nhưng về sau, con rất thích nói chuyện với mẹ. Con say sưa kể cho mẹ nghe hôm nay ở lớp con ăn gì, chơi gì, có bạn nào rủ con nghịch ngợm không. Thậm chí, 20 tháng, con đã hiểu cả ánh mắt của mẹ nhìn con, khi mẹ vui, khi mẹ buồn, khi mẹ hào hứng hay mẹ không hài lòng với việc con làm…
Mẹ đã luôn thấy rằng mẹ làm đúng, bởi lẽ, nói chuyện riêng với con, dù mẹ vất vả hơn đôi chút nhưng là cách để mẹ tạo ra khoảng không gian riêng cho mẹ con mình, không có sự “chen ngang”, “nhiễu sóng”, nghĩa là con hiểu rằng mẹ yêu con nhiều biết chừng nào, và mẹ hạnh phúc vì được lắng nghe con biết bao nhiêu…
Nói chuyện với trẻ nghĩa là lấy trẻ làm trung tâm trong cuộc giao tiếp ấy
Ban đầu ông bà nội con không hài lòng, ông bà trách mẹ bày trò cho con, “nghịch bẩn”, hay “phá hoại” nên thường bế con lên nhà, cho ngồi trên ghế, buộc đai vào bụng và cho con xem TV. Ông bà bảo, xem TV cho ngoan, đỡ nghịch phá và đỡ mất công trông coi. Bà còn bảo, ngày xưa bà vất vả, đẻ nhiều, bố con và mấy cô chú nhà mình đều học cách tự chơi, làm sao “bám dính” như mẹ con mình được.
Mẹ không muốn con xem TV nhiều mà mong con được thường xuyên giao tiếp với người thân và bạn bè
Nhưng sau thời gian tác động nhẹ nhàng mà kiên quyết, nhờ cả bố con giúp đỡ, mẹ và Bơ đã “chiến thắng” trong êm đẹp. Mẹ lại đưa Bơ trở lại nhà bếp – thiên đường của hai mẹ con mình. Mẹ biết ông bà cũng chỉ mong cho mẹ nhàn thân, mong cho Bơ tự lập nhưng Bơ còn bé quá, sao xem TV được. Nếu Bơ xem TV sớm như vậy như vậy sẽ khiến con phải hoạt động tối đa năng lượng của cả hai giác quan cùng lúc là tai và mắt. Trí tưởng tượng cũng phải làm việc hết công suất để “đuổi theo” các nhân vật trong phim, nhưng miệng thì lại không hề giao tiếp trên thực tế. Lâu dần Bơ sẽ ngại, không muốn giao tiếp bằng ngôn ngữ, cộng thêm sức hút quá lớn từ TV sẽ làm con bị lệ thuộc, lười hoạt động, béo phì, làm sao mà nhanh nhẹn, lí lắc như bây giờ.
Dù bà nội con trách mẹ “vẽ chuyện”, mẹ cũng vẫn kiên định, vì mẹ biết, trên thực tế, ở nhiều gia đình khác, ngay cả khi mọi người không dành thời gian để nói chuyện riêng với các con, thì các con vẫn có cơ chế “hóng chuyện” để bắt chước và nói theo. Tuy nhiên, nếu sự hóng chuyện ấy không có sự chủ động nghe và nói bổ sung, sẽ khiến các con không biết cách xưng hô, biết gọi đúng vai vế. Thêm nữa, con nghe thụ động quen rồi sẽ không thể cảm nhận được sự quan tâm của ông bà, bố mẹ dành cho chính bản thân mình, không có khả năng cảm nhận không khí của cuộc nói chuyện, không biết cách nhìn vào mắt của người đang đối diện, không hiểu được ý nghĩa của những ý nhị riêng tư trong giao tiếp. Làm thế, con sẽ thô vụng và kém tinh tế lắm, sẽ không mong muốn lắng nghe người khác và không bày tỏ để người khác lắng nghe mình.
Mẹ tin, ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy, nhưng tư duy của con phát triển được lại là do sự kích thích của tình cảm. Nên mẹ mong con phát triển ngôn ngữ tốt bằng cách mẹ thể hiện tình yêu mà mẹ dành cho con, thể hiện ra đầy đặn, trơn trịa và đầy đủ, ngọt ngào; để con biết rằng mẹ rất yêu con, và con nghe mẹ nói, con lại bày tỏ để mẹ biết nghe con, thay vì mẹ để con “nói theo mẫu” của TV hay “nghe lỏm” người lớn.
Chuyện và thơ – “thuốc tiên” cho con
Hôm trước, con làm đổ nước ra giường, ga giường của con bị ướt, mẹ trải ga chống thấm lên rồi bảo con nằm lùi ra chỗ khô, chỗ có ga chống thấm để mẹ nằm cũng được. Mẹ không mắng con, mẹ chỉ dặn con lần sau cẩn thận hơn. Con biết lỗi, con ôm lấy mẹ, thủ thỉ vào tai mẹ: “lòng ta chỗ ướt, mẹ nằm đêm mưa”. Mẹ biết con chưa thực sự hiểu hiết ý nghĩa của câu thơ “để đời” ấy của bác Nguyễn Duy đâu, con chỉ liên hệ “chỗ ướt mẹ nằm”, và vì mẹ đọc con nghe nên con nhớ vậy thôi. Nhưng sự liên hệ dù còn vụng dại, ngây ngô ấy của con làm cho mẹ xúc động biết nhường nào. Chưa đầy 2 tuổi rưỡi, con biết nói như vậy, mẹ đã vui vô cùng! Mẹ thường đọc thơ và kể chuyện con nghe, những câu chuyện cổ tích về các nhận vật quanh con, và những bài thơ về ông bà cha mẹ, về quê hương đất nước của mình. Mẹ đọc con nghe vì mẹ yêu thơ, như một cách chia sẻ với con những tâm tình của mẹ, chứ trong thâm tâm mẹ không nghĩ con cũng thích nghe, và con lại nhớ, lại có thể vận dụng, dù vụng dại – khi cần.
Mẹ tin rằng mẹ đúng trong việc giúp con phát triển những cảm xúc và ngôn ngữ của mình. Mẹ chia sẻ để các mẹ khác cùng đọc và tin rằng, không phải đứa trẻ nào cũng có thể trở thành thần đồng, nhưng sự định hướng đúng đắn bằng tình yêu thương của mẹ, vẫn có thể làm nên những thành công!
Bài: An Minh