Bí quyết cung đình

Sức hấp dẫn của các câu chuyện về vẻ đẹp khuynh thành của các mỹ nhân xưa cùng những bí quyết tạo nên các phương thuốc huyền diệu có từ hàng ngàn năm trước đã góp phần đưa ba quốc gia phương Đông là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản trở thành ba trong năm thị trường mỹ phẩm lớn nhất thế giới hiện nay.

 

Những công thức huyền bí…

Rất nhiều câu chuyện thâm cung bí sử còn ghi chép lại những bài thuốc được các ngự y kết hợp một cách tinh tế và thông minh từ các vị thảo dược khác nhau để đem đến những vẻ đẹp lưu danh hậu thế. Một trong số đó là “Cống thần đơn” (Gongjindan), đơn thuốc bí truyền tuyệt đỉnh với những thành phần thảo dược thượng hạng nhất, chỉ dành dâng tặng riêng cho vua và hoàng hậu xứ Hàn. Đây là sự kết hợp cầu kỳ, tỉ mẩn của nhiều loại thảo dược quý hiếm ở Hàn Quốc, trong đó đặc biệt phải kể đến lộc nhung, đương quy, ngũ gia bì, sơn thù du, nhân sâm, tảo biển, mầm lúa, trà xanh, dâu tằm… Công đoạn, tỉ lệ, sự phối hợp tinh tế các tinh chất quý báu này đã góp phần giúp làn da, mái tóc đạt đến trạng thái cân bằng, vẻ đẹp thanh nhã, hồng nhuận, trường tồn mãi với thời gian. Và để miêu tả vẻ đẹp ấy Cao Ly sử cũng không tiếc những lời trau chuốt: “làn da như sắc hoa, trong trắng có hồng, trong hồng có phấn, nước da như phát sáng” hay “mái tóc suôn mềm óng ả như nhung và luôn ngát hương thơm của mùi thảo mộc”.

Đa phần những nguyên liệu làm đẹp của phương Đông đồng thời cũng là các vị thuốc quý báu. Trong suốt một thời gian dài, người ta mải chú ý đến công dụng chữa bệnh mà quên đi giá trị làm đẹp của các loại thảo dược mà linh chi là một ví dụ. Cuốn “Thần nông bản thảo” của Trung Quốc đã viết: “Linh chi là thuốc kết tinh được cái quý của mây mưa trên núi cao, cái tinh của ngũ hành trong ngày đêm mà khoe năm sắc nên có thể giữ sức khỏe cho các bậc đế vương”. Tới thế kỷ 16, Lý Thời Trân gọi linh chi là loại “Cây cỏ tốt lành. Ăn nhiều lần, cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên”. Linh chi từ lâu đã được đưa vào các bài thuốc làm đẹp được các bậc vương tôn quý tộc dùng để đắp mặt nạ giúp làn da đẹp hơn. Giải thích cho điều này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra linh chi có thể tiêu diệt các gốc tự do, tiêu giảm mỡ và chống lão hóa, phát huy tác dụng trên toàn cơ thể.

Cũng giống như linh chi, nhân sâm là một loại thực vật mà để liệt kê tác dụng chữa bệnh của nó thì không biết phải tốn bao nhiêu giấy mực. Nhưng cùng với tác dụng chữa bệnh, không mấy ai không biết đến khả năng làm đẹp của loại Đông dược này. Khi sấy khô, gốc nhân sâm bốn năm tuổi thường có chứa 10% nước, 12,2% protein, 70% carbohydrate, 4,2% sợi xơ, 1% chất béo và 2,6% tro. Nhân sâm còn chứa một lượng nhỏ các vitamin A, B1, B2, B6, B12, C, E, acid folic, biotin, pantothenic acid và các khoáng chất như calci, sắt, phosphor, iodine, magne, kẽm và đồng.

Vì vậy mà ngoài việc sản xuất các loại kem dưỡng da, người ta còn tạo ra những túi trà sâm để tắm cùng với rượu vang đỏ hoặc trắng kết hợp uống các viên nhân sâm hay trà sâm. Xưa kia, mỗi sáng sớm, Dương Quý Phi đều ăn một chút canh sâm, còn Từ Hy Thái hậu thì ngậm một chỉ sâm. Ngoài ra, Dương Quý Phi còn lệnh cho người đem trân châu, bạch ngọc, nhân sâm nghiền thành bột, trộn đều với bột sắn dây thượng hạng, ban đêm dùng thoa mặt, thành một lớp mặt nạ, rửa đi trước khi đi ngủ. Mặt nạ với hỗn hợp bột thuốc này không những có thể khử vàng, làm cho da dẻ tươi mịn, mềm mại và dồi dào sức đàn hồi, mà còn có thể hút bụi bẩn trong lỗ chân lông và tế bào chết trên da, làm sạch và duy trì da dẻ trắng nõn. Mỗi khi vua Tự Quang vấn an Từ Hy Thái hậu đều kiểm tra xem còn đủ nhân sâm để dùng hay không, đủ thấy rằng triều Thanh coi trọng nhân sâm như thế nào. Ngày nay rất nhiều loại mỹ phẩm chiết xuất từ nhân sâm được ưa chuộng.

Nói đến những bài thuốc dưỡng sắc của Đông y không thể không nhắc đến những công thức của Từ Hy Thái hậu – người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Sử sách ghi lại năm bà 68 tuổi, bà vẫn hút hồn một sỹ quan người Anh 27 tuổi xuân chỉ vì trông bà vẫn tươi trẻ như gái đôi mươi. Để giữ được làn da trong trắng có hồng, trong hồng có phấn ấy, theo tương truyền bà dùng một bài thuốc tên gọi “trứng gà chu sa”. Bài thuốc này được ghi lại như sau: “Chọc một cái lỗ nhỏ vào quả trứng gà, rút hết lòng đỏ và để lại lòng trắng. Sau đó cho thêm vào đó ít bột chu sa và lấy sáp bịt kín lại. Để lại quả trứng gà đó vào ổ để cho gà mẹ tiếp tục ấp. Đến ngày những quả trứng ở bên cạnh nở thì lấy chất bột chu sa trong quả trứng kia ra. Dùng hợp chất này bôi lên mặt sẽ giúp da luôn luôn tươi hồng, sáng nhuận và loại trừ mọi nếp nhăn”. Bài thuốc này về sau cũng được chị em phụ nữ tích cực áp dụng.

 

Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa – nguồn cảm hứng bất tận cho các loại mỹ phẩm 

Ngoài ra còn có một bài thuốc làm từ ích mẫu thảo được mô tả cực kỳ phức tạp: Phải hái cây ích mẫu vào đúng ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch; rửa sạch bằng nước mưa tinh khiết, rồi hong khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau đó đem tán thành bột mịn, trộn với bột mì và nước, nặn thành từng nắm to cỡ quả trứng gà, lại đem phơi khô. Tiếp đó đốt thành than trong một chiếc lò đất nhỏ thiết kế đặc biệt để lửa cháy đều chung quanh thuốc. Độ lửa to hay nhỏ (hỏa hậu) khi nung được khống chế theo một trình tự rất nghiêm ngặt. Cuối cùng, đem tán nhuyễn bằng chày ngọc hoặc sừng nai trong chiếc cối bạc. Nhịp chày khi giã phải theo đúng một loại âm luật, mà ngày nay đã bị thất truyền. Sau khi chế biến xong, đem bột ích mẫu cất trong một chiếc bình bằng sứ, nút kín. Hàng ngày lấy 250g bột ích mẫu, trộn thêm 30g bột hoạt thạch, lại thêm 5g son, trộn đều, để lắng, lọc lấy nước trong để rửa mặt.

… Hồi sinh

Bà nội trợ 50 tuổi Kim Jung-won chung thủy với Snowise UV Protection Cream của Sulwhasoo (Hàn Quốc) đã 10 năm nay, kể từ khi lần đầu tiên bà nhìn thấy nó ở kệ quầy mỹ phẩm. Cũng như những người Hàn Quốc khác, bà là fan của mỹ phẩm nội địa, và chính các thành phần nguyên liệu thảo dược phương Đông đã cuốn hút bà. Tất nhiên, không chỉ riêng bà Kim và những người ở lứa tuổi 40-50, ngày nay ở Hàn Quốc, lứa tuổi quan tâm tới mỹ phẩm thảo dược đã bao gồm cả nhóm tuổi 20-30. Người ta cho rằng ở Hàn Quốc, trào lưu mỹ phẩm thảo dược bắt nguồn từ cơn sốt với những bộ phim như “Nàng Dae Jang Geum”, “Thần y”… Năm 1997, Sulwhasoo của Amore Pacific là nhãn hiệu đầu tiên ở Hàn Quốc có chiết xuất từ thảo dược phương Đông và nhanh chóng khiến các bà nội trợ không ngần ngại mở hầu bao. Từ sự thành công bất ngờ đó, hàng loạt nhãn hiệu khác với định hướng tương tự như Hanbang Mi-in, Zain (Coreana), Sooryehan, Bon, The History of Whoo (LG Health & Household), Sanshim (Hankook Cosmetics), v.v… cũng lần lượt ra đời.

The History of Whoo

Hanbang Mi-in của Coreana (2000) và Bon của LG Health & Household (2003) đều dựa trên nguyên lý Âm Dương và Ngũ Hành, kết hợp với các thảo dược thiên nhiên truyền thống. Sanshim (2002) là nhãn hiệu mỹ phẩm đầu tiên đưa tinh chất nhân sâm thiên nhiên vào sản phẩm dưỡng da. Cũng là nhãn hiệu của LG Health & Household, Sooryehan (2002) được pha chế dựa trên bí quyết làm đẹp của mỹ nhân Trung Hoa huyền thoại Tây Thi, còn nhãn hiệu cao cấp nhất The History of Whoo (2003) lại tuyên bố đã khôi phục được công thức làm đẹp thất truyền của hoàng gia. Tới nay, linh chi và nhân sâm đã được đưa vào rất nhiều sản phẩm dưỡng da, chăm sóc cơ thể.

Có thể nói rằng, chính mỹ phẩm thảo dược đã góp phần cứu sống ngành mỹ phẩm Hàn Quốc. Năm 1996, các nhãn hiệu mỹ phẩm ngoại quốc bắt đầu thâm nhập thị trường này. Cũng đúng lúc này, nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Người ta ngại chi tiêu hơn, và cũng có nhiều lựa chọn hơn, điều này khiến ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc dường như bị đẩy lùi vào một góc. Nhưng chính nhờ sự ra đời lần lượt của các dòng sản phẩm thảo dược, cùng trào lưu sống sạch, trở về với thiên nhiên, người tiêu dùng Hàn Quốc lại quay về với các sản phẩm nội địa quen thuộc.

Khu phố mua sắm Myeong-dong tấp nập từ sáng tới tối mịt là nơi thể hiện niềm đam mê đối với lĩnh vực làm đẹp nói chung và mỹ phẩm nói riêng của người Hàn Quốc

Lý giải cho lựa chọn của mình, bà Kim Jung-won nói, “Được làm từ những nguyên liệu vốn đã quen thuộc, mỹ phẩm Hàn Quốc nhẹ nhàng và phù hợp hơn với làn da của tôi. Người Hàn Quốc vốn nổi tiếng về sự khéo léo, tinh xảo, nên tôi tin vào lựa chọn của mình.” Quen thuộc và an toàn, đó là những cảm giác mà mỹ phẩm thảo dược phương Đông mang lại, cũng là những điều khiến nó đang dần trở thành trào lưu lan rộng, không chỉ ở châu Á. Sulwhasoo đã chính thức có mặt ở Hồng Kông năm 2004, Mỹ năm 2010 và Trung Quốc năm 2011.

Mỹ phẩm chiết xuất từ thảo mộc được chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Gồm các sản phẩm từ thảo mộc hoàn toàn, tức là 100% nguyên liệu từ thiên nhiên, không có các thành phần hóa học.

Nhóm 2: Các loại mỹ phẩm thiên nhiên thông dụng nhất, với thành phần có bao gồm chiết xuất từ thiên nhiên như nhân sâm, táo, vỏ cây…

Nhóm 3: Các mỹ phẩm dùng thành phần từ thảo mộc để mang tới cho người sử dụng cảm giác về mùi vị và màu sắc thiên nhiên, cùng với thiết kế logo, bao bì khiến người dùng liên tưởng tới hình ảnh thảo dược phương Đông.

Bài: Lam Sơn Lê – Minh Châu

Câu chuyện làm đẹp

Các bài viết:

>> Bí quyết cung đình

>> Chanel N°5: Nốt trầm hương vĩnh cửu


From the same category