Dinh dưỡng đầy đủ và đúng thời điểm
Về nguyên tắc, chiều cao sẽ phát triển tối đa khi có một thể trạng khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tích cực rèn luyện thể thao để tiềm năng chiều cao được phát huy đầy đủ. Ngoài yếu tố di truyền là không thể lựa chọn được, các yếu tố về dinh dưỡng và vận động – cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động để giúp bé thêm cao.
Để con thêm cao lớn, trước hết các bậc cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng cho con đầy đủ và đúng thời điểm. Trong quá trình phát triển của cơ thể, có 3 giai đoạn có tác dụng quyết định chiều cao là thời kỳ bào thai, đặc biệt là 6 tháng cuối thai kỳ, giai đoạn 5 năm đầu cuộc đời và giai đoạn dậy thì. Người con có tiềm năng phát triển chiều cao tối đa trước hết khi người mẹ có ý thức ăn uống đầy đủ chất trong khi mang bầu và đứa trẻ đó được ăn uống hợp lý trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là thời kỳ dậy thì.
Các chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng chiều cao gồm:
– Chất đạm (protein) rất cần để cơ thể tăng trưởng và phát triển. Nếu trẻ ăn không đủ protein sẽ ngưng tăng trưởng, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, dễ mắc bệnh và hậu quả là chậm phát triển chiều cao. Thức ăn chứa nhiều đạm là thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành.
– Canxi là một khoáng chất quan trọng trong cấu trúc xương (chiếm 99%), làm cho xương vững chắc và giúp trẻ phát triển chiều cao. Thức ăn có nhiều canxi gồm: sữa, cá, tép, tôm, cua, nghêu sò, ốc hến…
– Vitamin A: rất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, giúp hình thành khung xương… Thiếu vitamin A trẻ bị quáng gà, chậm lớn và không cao. Thức ăn nhiều vitamin A là gan động vật, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, củ quả chín có màu đỏ, vàng như cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín, cam, đào…
– Vitamin D: giúp cơ thể hấp thu canxi, giúp tăng tổng hợp chất protein chuyên chở canxi trong máu. Cơ thể hấp thu vitamin D từ thức ăn như dầu gan cá thu, sữa, bơ, phô mai, trứng, gan, tôm… và da tự tổng hợp vitamin D dưới tác dụng của ánh sáng.
Chú ý khi dùng sản phẩm bổ sung canxi
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ coi sữa và các chế phẩm từ sữa là một sản phẩm đặc biệt quan trọng vì giàu canxi, đồng thời giúp hấp thụ tốt protein nên lựa chọn khá cẩn thận các sản phẩm này cho con. Trên thị trường hiện nay, có nhiều chế phẩm chứa canxi mà các bậc phụ huynh thường dùng như các loại sữa và cốm thúc đẩy chiều cao.
Theo các chuyên gia, một sản phẩm chứa canxi tốt phải đảm bảo các yếu tố sau: hợp chất chứa canxi phải là dạng dễ hấp thu nhất; phải chứa vitamin D ở hàm lượng thích hợp, vì vitamin D giúp xương hấp thu được canxi; phải giúp cho hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh, không bị táo bón. Vì vậy, các sản phẩm chứa canxi này nên bổ sung một lượng men tiêu hóa sống để giúp hệ tiêu hóa của bé được khỏe mạnh, chống táo bón, tăng cường hấp thu canxi và dưỡng chất.
Môi trường sống và tập luyện
Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như: bơi, nhảy cao, chạy… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, để cải thiện chiều cao và đạt được chiều cao tối đa là cả một quá trình kể từ khi thai kỳ tới lúc trưởng thành.
Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ sâu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ có điều kiện phát triển chiều cao của mình. Cần cho trẻ đi ngủ trước 22h, thời gian từ 22h đêm đến 3h sáng là lúc cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng cao nhất. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi độ tuổi cần có một thời gian ngủ riêng. Cụ thể, trẻ sơ sinh thường ngủ 22 tiếng; trẻ từ 2 – 6 tháng ngủ từ 15 – 18 tiếng; trẻ từ 6 – 18 tháng ngủ đủ từ 13 – 15 tiếng; trẻ từ 18 tháng – 3 tuổi nên ngủ 12 – 13 tiếng và trẻ từ 3 – 7 tuổi nên ngủ 11 – 12 tiếng mỗi ngày.
Chiều cao của con người qua các giai đoạn
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên, chiều cao trẻ phát triển nhanh. Chiều cao trẻ 1 tuổi gấp rưỡi chiều cao lúc mới sinh, ví dụ lúc mới sinh chiều dài của trẻ là 50cm, đến 1 tuổi chiều dài sẽ là 75cm. Từ 1 – 10 tuổi, trẻ ở giai đoạn lớn đều, mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì, trẻ lớn rất nhanh. Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 – 11 tuổi đối với nữ và 12 – 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì (12 – 13 đối với nữ và 15 – 16 đối với nam), sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1 – 2 cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.
|
Theo CNMS