Biến nhỏ thành lớn
Những bức tường ngăn chia vụn không gian được phá bỏ, chỉ giữ lại những mảng cần thiết, theo chủ ý của kiến trúc sư. Sự phân tách các khu vực chức năng như phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ chỉ mang tính ước lệ, bởi tất cả vẫn liên thông với nhau. Điều này tạo hiệu ứng khoáng đạt, rộng rãi. Không khí và ánh sáng chan hòa tạo cảm giác tự do, cởi mở.
Biến thấp thành cao
Trong kiến trúc truyền thống, người Việt thường sử dụng mặt sàn với các cốt khác nhau khiến ngôi nhà nhìn có vẻ cao hơn so với thực tế. Đó chính là lý do các kiến trúc sư lựa chọn nguyên lý này để tạo ấn tượng mạnh hơn về không gian rộng mở của căn hộ. Lớp vữa trên trần, trên tường được bóc ra và tái sử dụng để lấp vào giữa ụ bê tông, tạo thành những mặt sàn cao thấp khác nhau, như những hòn đảo trên mặt bằng rộng lớn. Cách làm này cũng nhằm phân chia mục đích sử dụng của các mặt sàn: nơi làm việc, góc thưởng trà, bàn ăn…
Biến cũ thành mới
Kiến trúc là một không gian 4 chiều, trong đó chiều kích thời gian thường dễ bị bỏ qua. Dù không gian được xử lý thông minh, vật liệu tinh tế, nhưng nếu thiếu màu thời gian, mọi vật sẽ trở nên nông cạn, vô hồn. Vì vậy, các kiến trúc sư đã giữ lại nhiều mảng tường cũ của tòa nhà.
Trong không gian đổ nát, rêu phong, có những vị trí được sơn trắng tinh, lắp kính trong suốt, hoặc tô màu lộng lẫy, nhũ vàng lóng lánh. Sự tương phản giữa cũ và mới, giữa cái tàn lụi và sức sống mới càng được thể hiện rõ nét.
Giữa những mảng mới tinh đó, một lần nữa nổi bật lên những món đồ cổ, những bề mặt da, mây tre, đồng bóng lừ qua tháng năm sử dụng, những tấm vải thổ cẩm chứa sức nặng thâm trầm của thời gian.
Trời thô – đất tinh
Mỗi ngôi nhà có thể được ví như một tiểu vũ trụ. Sàn là đất; trần, mái là trời. Trong căn phòng, sàn là nơi tiếp xúc trực tiếp, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên đó, vì vậy, càng tinh tế thì càng tăng được cảm giác dễ chịu, thoải mái. Ngược lại, trần nhà thô nhám sẽ dễ tạo sự thân thiện, gần gũi với người sử dụng. Bởi vậy, các kiến trúc sư đã để trần bê tông thô, chỉ phun qua lớp thủy tinh lỏng bảo vệ, còn sàn nhà được phủ nhẵn bóng và tráng màu tạo sự độc đáo, cá tính cho không gian.
Lửa – nước là trung tâm
Trong không gian sinh hoạt của người Việt, bếp và khu vực vệ sinh thường bị coi là công trình phụ và đẩy vào những góc khuất, thiếu ánh sáng, không khí kém lưu thông. Song nếu tính về công năng và hiệu quả tạo hình thì không gì mạnh mẽ hơn hai nguyên tố cơ bản là lửa và nước.
Ở ngôi nhà này, lửa và nước được đưa vào vị trí trung tâm, thậm chí còn có riêng một cầu thang dẫn lên bồn tắm nhũ vàng. Hãy tưởng tượng, còn gì tuyệt vời hơn khi bạn nằm trong bồn tắm độc đáo này, nhâm nhi ly rượu vang, đọc sách và bỏ mặc thời gian trôi ngoài cánh cửa.