Cuộc sống càng đi lên, nhu cầu ăn mặc càng tăng tiến và kèm theo đó là nhu cầu về các chất tẩy giặt. Chẳng phải vô lý khi cách đây hơn một thế kỷ, nhà hoá học Liebig đã từng đề nghị lấy lượng tiêu thụ chất giặt rửa tính trên đầu người làm thước đo sự phát triển của một xã hội.
Sự tình cờ may mắn
Trước công nguyên khoảng 3.000 năm, những người tiền sử sống ở Thung lũng sông Nil nướng những tảng thịt thú săn được trên lửa để tế thần. Mỡ nhỏ giọt trên đóng tro tàn, khi nguội vón lại tạo thành những cục mềm màu xám xịt. Trời mưa xuống. Các cục đó tan trong nước, bọt ngầu lên. Xoa lên người, những vết bẩn bị rửa trôi. Từ đó, họ chủ động làm ra những cục như vậy mang xuống sông tắm rửa. Thủy tổ của xà phòng xuất hiện như vậy. Và có lẽ đây là phát minh sớm nhất của loài người.
Khoảng 600 năm trước công nguyên, những thủy thủ người Phênixieng đã mang những hiểu biết về xà phòng đến bờ biển Địa Trung Hải. Thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, những bánh xà phòng tốt nhất đã được sản xuất quy mô thủ công từ mỡ cừu và tro của gỗ sồi ở Savona và sản phẩm lấy luôn tên này cho tiện. Người Pháp gọi nó là savon, và tiếng Việt được du nhập thêm một từ mới: xà-phòng ở miền Bắc và xà-bông ở miền Nam… Cách sản xuất được giữ kín như một bí quyết cha truyền con nối. Chẳng thế ở châu Âu, có câu thành ngữ so sánh: “Bí mật được giữ kín như bí mật của anh thợ nấu xà phòng”.
Đến thế kỷ 18, xà phòng được sản xuất trên quy mô lớn. Lúc này người ta đã phát minh ra xút ăn da và biết chế tạo ra chất kiềm từ muối ăn để thay thế cho tro từ gỗ. Đồng thời cũng biết ép dầu từ các loại hạt và quả. Nhiều nhà máy ép dầu ra đời, thay thế mỡ động vật. Nguyên liệu phong phú và sẵn. Bí mật công nghệ cũng bị khám phá. Chẳng còn trở ngại nào ngăn được ngành sản xuất xà phòng đi lên.
Bí mật của sự tẩy rửa
Tại sao cái sản phẩm gọi là xà phòng ấy lại có tính chất làm da dẻ, quần áo sạch trơn như vậy. Mấy “thầy” hoá học bỏ công tìm hiểu và biết rằng, về bản chất, xà phòng là muối của axit béo (từ mỡ động vật hoặc dầu thực vật) với kiềm (tức thành phần kim loại là natri hoặc kali). Cứ coi phân tử xà phòng như một con rắn đi, thì này con rắn này có đầu “ưa nước” (hydrophile), còn phần đuôi dài ngoẵng lại “ưa dầu, ưa mỡ” (oleophile).
Chất bẩn thường là vết dầu mỡ hoặc có bản chất như dầu
Có lẽ chẳng ngày nào chúng ta không nghe quảng cáo về bột giặt. Chừng nào loài người còn mặc quần áo thì chúng ta còn chất tẩy giặt. |
mỡ. Trong một trường nước (khi giặt), chất bẩn “túm” chặt lấy phần đuôi. Nhưng đầu khoẻ hơn, lôi đuôi lúc này đã bị chất bẩn bám chặt ra khỏi quần áo. Vậy là chất bẩn bị kéo vào môi trường nước, phân tán ra và quần áo trở nên sạch. Sự vò mạnh càng hỗ trợ cho việc “lôi kéo”, chứ trong chuyện này làm gì có sự “đánh bật các chất bẩn cứng đầu” như cách nói thậm xưng của những lời quảng cáo nhằm gây ấn tượng.
Rồi người ta dần cũng nhận ra các nhược điểm của xà phòng: ít tạo bọt vả khó giặt trong nước giếng, chảy qua những lớp đá ngầm nên mang theo canxi và magiê (thường gọi là nước cứng), rồi giặt nhiều cứ bợt cả tay ra… Đành tìm những chất thay thế.
Các chất tẩy rửa tổng hợp
Nắm được bí mật của cơ chế giặt rửa, các nhà khoa học đã có trong tay chiếc đũa thần để tạo ra hàng chục loại xà phòng tương tự, tức các chất hóa học cứ một đâu “ưa nước”, một đầu “ưa dầu mỡ”. Khi công nghiệp hóa dầu phát triển, biết bao nhiêu hợp chất hữu cơ ra đời. Nguồn nguyên liệu dồi dào, tha hồ lựa chọn để chế biến thành các chất mang “hai đầu” như trên.
Chúng có khả năng vượt trội so với các chất truyền thống xưa nay chỉ biết dựa vào thiên nhiên. Người ta gọi chúng là các chất hoạt tính bề mặt tổng hợp (synthetic surfactant). Tuy chúng “đóng vai chính” nhưng riêng mình chúng chưa đủ, y như phải có “quân, thần, tá, sứ” trong một thang thuốc bắc và gọi là chất phụ gia. Mỗi chất phụ gia mang lại cho sản phẩm một tính năng nào đó.
Ví dụ chất khử “độ cứng” của nước, chất chống bám để chất bẩn đã bị kéo ra nước thì đừng quay trở lại, chất tẩy trắng để làm mất màu những vết bẩn như vết nước chè, cà phê và những vết bẩn bám trên quần áo của bọn trẻ, chẳng biết nguồn gốc; chất quang hoạt (trước đây thường gọi là lơ hồng) để quần áo, vải vóc hấp thụ một phần tia tử ngoại và trở nên “trắng hơn cả trắng” mà các nhà sản xuất thường quảng cáo, rồi enzym để phân huỷ các chất hữu cơ mà những quảng cáo viên gán cho tính… cứng đầu.
Nhiều khi, người ta còn những chất độn để hạ giá thành, để các bà nội trợ khỏi kêu ca là quá đắt. Và cuối cùng đâu thiếu được chất thơm để gây thêm cảm tình của người tiêu dùng. Với bấy nhiêu chất nhưng các đơn pha chế, nghĩa là mỗi thành phần chiếm bao nhiêu phần trăm, cũng được các nhà sản xuất giữ bí mật chẳng khác gì các anh nấu xà phòng xưa kia. Xem ra chất lượng na ná như nhau, nhưng ăn nhau về quảng cáo. Đôi khi chỉ hương thơm của từng loại đủ tạo ra thói quen sử dụng cho mỗi người.
Họ hàng sao đông đúc thế!
Chỉ quanh quẩn chỉ bấy nhiêu chất thôi nhưng người ta đã “thiên biến vạn hoá” thành hàng trăm loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của con người. Các loại sản phẩm dựa trên chúng chia ra rất nhỏ thành chi này ngành nọ như cuốn gia phả phức tạp của một dòng họ. Để giặt giũ, chăm sóc quần áo thì có bột giặt, kem giặt, nước giặt.
Để chăm sóc thân thể, từ mái tóc đến làn da, gọi chung là mỹ phẩm thì vô cùng. Tắm có xà phòng thơm, sữa tắm, loại dành cho đàn ông khác loại dành cho đàn bà, loại dành cho trẻ em khác loại dành cho những cô thiếu nữ hơ hớ thanh xuân để có làn da “mịn như da trẻ con”, có thể tự hào cho phép bạn “sờ thử coi!”.
Để chăm sóc tóc thì khó đếm được có bao nhiêu loại nước gội đầu, nước xả. Loại chống gàu, loại cho tóc khỏi bị “chẽ”, loại làm tóc “xuôn mượt” đến mức cô nhân viên thực tập được đồng nghiệp tưởng là thủ trưởng trong một clip quảng cáo truyền hình. Kem đánh răng đa dạng về chủng loại cũng chẳng là họ hàng xa xôi gì… Bị coi là “tầm thường” nhất trong dòng họ là những chai nước rửa bát không thể thiếu được trong các bếp ăn.
Các nhà quảng cáo luôn phải lao tâm khổ tứ, vắt óc nghĩ ra những chiêu, những cảnh đầy ấn tượng, thậm chí gây sốc để làm những đoạn phim vô tuyến, lôi kéo khách hàng. Thời lượng họ hàng nhà “tẩy giặt”, mỹ phẩm xuất hiện trên tivi nhiều hơn bất cứ nhóm sản phẩm nào khác và trong các siêu thị, các quầy hàng, họ hàng nhà này xem ra cũng bắt mắt hơn cả, đông đúc hơn cả.
Những cuộc cách mạng có thể xảy ra trong việc giặt giũ
Lan man mãi, xin quay trở lại với mục đích “thô sơ” ban đầu: chuyện giặt rửa.
Nghĩ ra cách dùng xà phòng để làm sạch quần áo, rồi chuyển sang các chất tẩy giặt tổng hợp và phát triển ra bao nhiêu sản phẩm cùng gốc đã là chuyện lớn. Thế nhưng các nhà công nghệ đâu đã thoả mãn. Họ đang tìm ra những cách “lật nhào” cả ngành sản xuất ra các sản phẩm kiểu xà phòng.
Một khuynh hướng là dùng dung môi, đưa vào các máy giặt kín cùng với quần áo. Đó là hỗn hợp rất nhiều chất hữu cơ có khả năng hòa tan mọi chất bẩn, tuần hoàn nhiều lần, trả lại cho quần áo vẻ sạch ban đầu. Sau đó, chúng thu hồi dung môi và tái sinh để dùng lại. Một dung môi khác nữa đang tập trung nghiên cứu là… khí cacbônic, nhưng đã hóa lỏng. Cácbônic lỏng hoà tan các chất bẩn, dùng xong chỉ việc cho bay vào khí quyển là xong, không để lại một dấu vết.
Khuynh hướng thứ hai do các nhà công nghệ của Công ty Daewoo đề xuất, dùng siêu âm để giặt (hiện nay đã dùng để làm sạch các thiết bị điện tử), sự dao động làm chất bẩn bật ra, nhưng nghe đâu còn nhiều khó khăn về thiết bị.
Cả hai phương pháp đều không dùng đến một giọt nước nào. Chắc chắn con cháu chúng ta sẽ giặt khác hẳn chúng ta.
Có lẽ chẳng ngày nào chúng ta không nghe quảng cáo về bột giặt. Chúng nhiều đến nỗi các bà nội trợ nếu tin vào những lời mời chào hấp dẫn thì sẽ rối trí, xoay như chong chóng vì chẳng biết lựa chọn loại nào phù hợp với mình. Bởi bột giặt là loại sản phẩm thiết yếu. Chừng nào loài người còn mặc quần áo thì chúng ta còn cần chất tẩy giặt./.