Hôn nhân không tình yêu, thậm chí không có cả tình người là sự đầy đọa ràng buộc nhau một cách khốn khổ dù với bất cứ mục đích gì. Có hôn nhân sai lầm thì cũng phải có sửa chữa sai lầm. Phải chăng dư luận xã hội cũng nên có cái nhìn mới đối với những người phải khó khăn lắm mới dứt bỏ được đoạn đời bất hạnh, đi tìm một cuộc sống thanh thản hơn, trung thực hơn và có thể hạnh phúc hơn.
Ngày nay, chẳng ai bắt buộc được một đôi vợ chồng cứ phải tiếp tục chung sống với nhau nếu họ không muốn chung sống nữa. Nhưng có phải vì thế mà có cơ sở để nói rằng tất cả các đôi đang chung sống đều thật sự hài lòng với cuộc sống của mình? Thực ra, ở đâu cũng có những gia đình thường xuyên lục đục hay bề ngoài có vẻ êm ấm nhưng thực chất bên trong lại đang rơi vào tình trạng làm khổ lẫn nhau.
Hôn nhân trên giấy
Một người đàn ông 52 tuổi hiện đang công tác ở Hà Nội, sống một mình gần chục năm nay. Mỗi tháng anh chỉ về thăm nhà đôi lần, mặc dù nhà ở cách cơ quan chưa đến hai chục cây số. Vì vợ chồng không hợp nhau, anh đi suốt cả tuần đến Chủ nhật mới về nên rất ngỡ ngàng khi nghe hàng xóm mách nhỏ: "Sao bác để mẹ khổ thế. Bà cụ phải hái lá hồng xiêm ăn thay lá trầu không".
Anh giận lắm, quay ra trách vợ. Vợ anh thanh minh là không biết và trách chồng sao không tự mua trầu cho mẹ. Lời qua tiếng lại, hai người cãi nhau. Bà mẹ đang ốm đứng dậy chắp tay: "Thôi tôi xin anh chị đừng cãi nhau vì chuyện ấy nữa, người ta cười". Bất ngờ bà cụ ngã vật ra đứt mạch máu não và đột ngột qua đời. Từ đó anh ta cho rằng chính vì vợ mà mẹ mình chết.
Gần mười năm nay hầu như vợ chồng không nói chuyện với nhau. Hỏi: "Nếu không tha thứ được cho nhau sao không tìm một giải pháp. Định cứ sống thế suốt đời à?”. Anh thở dài: "Muộn rồi, cháu lớn đang có người yêu. Tuần sau nhà trai đến ăn hỏi. Bây giờ người ta nghe tin vợ chồng mình ly hôn có lẽ người ta cũng thôi luôn. Biết làm thế nào?". Anh cũng còn hai cô con gái nhỏ nữa.
Một chị 43 tuổi, chồng bỏ đi theo nhân tình cả năm không về. Chị ở nhà vẫn nhẫn nại nuôi con. Nỗi đau dồn nén âm thầm trong lòng không dám ngỏ cùng ai. Đến cơ quan chị vẫn đóng vai người vợ hạnh phúc, gia đình ấm êm, coi như không có chuyện gì. Nhưng đêm đêm không sao ngủ được, cơ thể héo mòn.
Đến bây giờ chồng ngỏ ý xin quay lại, chị không chấp nhận. Những người thân thiết, ruột thịt khuyên chị ly hôn nhưng chị vẫn kéo dài cuộc hôn nhân chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Vì bao nhiêu năm nay trót “làm người hạnh phúc mất rồi”. Sợ biết mình ly hôn vì chồng bỏ đi theo gái người ta cười.
“Đòn" dư luận
Không ít người coi người ly hôn như “công dân loại 2”. Họ tuyên bố có thể chấp nhận lấy người đã từng kết hôn nhưng phải góa vợ, góa chồng chứ không lấy người ly hôn. Bởi vì cái gì thiên hạ đã thải ra thì không chứng này cũng tật nọ.
Không ít người trẻ tuổi gọi đến tư vấn cầu cứu vì gia đình không cho họ yêu và cưới người có cha mẹ ly hôn. Lý do là cha mẹ như thế thì con họ cũng không ra gì.
Có thể nói đây là những quan niệm rất cổ hủ. Trước hết phải thấy rằng ly hôn không phải là xấu mà là sự chia tay của những người không đem lại được hạnh phúc cho nhau.
Có khi cả hai người đều tốt nhưng không hợp nhau. Sự tan rã của một đôi bất hạnh có thể tạo ra hai đôi hạnh phúc. Có những người chẳng hề ly hôn nhưng sống giả dối, lừa gạt nhau thì có tốt gì. "Hôn nhân không có tình yêu là vô đạo đức".
Nếu cứ thấy ai ly hôn cũng cho là người “có vấn đề” là không chuẩn xác. Cũng như thấy tỷ lệ ly hôn gia tăng kết luận là đạo đức vợ chồng bây giờ không bằng ngày xưa là sai.
Thực ra ngày trước, hầu hết khi chồng nói một tiếng là vợ phải theo răm rắp, bởi vì đạo lý hồi đó là “phu xướng phụ tùy” (chồng nói vợ phải theo), thì làm gì chẳng êm thấm suốt đời. Ngày nay bình đẳng, phụ nữ không chấp nhận cuộc sống như vậy nên không riêng nước ta mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy.
Làn sóng ly hôn đang lan rộng khắp châu Á. Khi người phụ nữ tham gia vào công việc xã hội có thu nhập không kém nam giới thì họ không chấp nhận cảnh “chồng chúa vợ tôi”. Ly hôn chứng tỏ họ không cam chịu mà đòi hỏi một trình độ hôn nhân cao hơn, hạnh phúc hơn, ngang tầm với thời đại.
Tất nhiên chúng ta không cổ xúy cho ly hôn nhưng chúng ta cũng không khuyến khích đã lấy nhau thì cứ phải sống hết đời dù có bất hạnh, bị đối xử tàn tệ cũng cam chịu.
Hiện nay ở Hàn Quốc có một chương trình truyền hình thu hút rất đông khán giả vào tối thứ Bảy, mỗi tuần chiếu một bộ phim tâm lý có những cảnh ngoại tình hoặc xung đột gia đình căng thẳng và khán giả có thể tham gia thảo luận rộng rãi qua đường dây trực tuyến xem đôi ấy có nên ly hôn không? Qua ý kiến nhiều người có thể thấy ngày nay đa số không chấp nhận những mối quan hệ vô lý mà người này áp bức người kia dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đây là câu chuyện có thật xảy ra ở Hà Nội. Một chị 31 tuổi, có chồng và đứa con 6 tuổi. Vì luôn bị chồng cư xử trịch thượng, coi như kẻ ăn người ở nên chị xin đi hợp tác lao động ở nước ngoài 3 năm.
Hết hạn trở về nước, người ta vui mừng bao nhiêu thì chị nghĩ đến chồng mình lòng buồn bấy nhiêu. Ngồi trên máy bay chị xác định cố chịu đựng cho con khỏi phải xa bố hoặc mẹ. Nhưng về đến nhà buổi trưa thấy chồng mặt cứ lạnh như tiền, hỏi câu nào nói cộc lốc câu ấy.
Sợ chị đi xa lâu ngày không biết giá cả thế nào nên anh chồng đi chợ mua thức ăn về làm bữa chiều liên hoan gặp mặt. Chị ngồi thái thịt thấy miếng thịt có cục tật tròn tròn như hòn bi, chị lọc bỏ ra vứt đi. Nào ngờ người chồng đứng ngay đằng sau nói giọng hách dịch: “Sao phải vứt đi, ăn được hết. Mày định ăn theo kiểu đầm hả?”. Bỗng dưng nước mắt chị tuôn trào.
Có lẽ do mấy năm ở nước ngoài không có ai đối xử với mình như thế nên chị càng thấy tủi thân. Chị bỏ dao thớt đấy vừa khóc vừa đứng dậy vào nhà gọi taxi, xách mấy cái va li, dắt đứa con về thẳng nhà mẹ đẻ để tiến hành thủ tục ly hôn.
Liệu có ai nỡ trách chị không? Hay đó có thể là một người phụ nữ có đủ khả năng làm vợ, làm mẹ tuyệt vời, chỉ vì sai lầm trong việc kết hôn mà khổ một đời?
Tuy nhiên, không phải bao giờ ly hôn cũng đúng. Theo một cuộc điều tra sau ly hôn do tạp chí Madame Figaro của Pháp thực hiện gần đây thì số người tỏ ra ân hận sau ly hôn cũng chiếm tỷ lệ đến 33,8%.
Thậm chí có người đã "đi bước nữa" còn muốn quay trở lại với người cũ. Bởi vì nếu như người đàn ông trong câu chuyện trên đây có thay đổi đối tượng kết hôn này bằng đối tượng khác mà cách cư xử với người “mới” không thay đổi thì rất dễ lại đi vào vết xe đổ.
Những luồng suy nghĩ khác nhau
Trong thực tế vẫn có những cuộc hôn nhân chẳng hạnh phúc nhưng người ta tự an ủi bằng cảm giác nghĩ rằng mình cao thượng, mình không ly hôn vì là người "tốt", mình sống "có đạo đức" và đôi khi cảm giác đó chẳng phải là không đem lại một thứ "hạnh phúc" theo cách nghĩ của họ.
Có người vì thương con. Cũng có người lần lữa vì phân chia tài sản khó khăn. Có người e ngại dư luận xã hội… Nhưng có một điều có thể rút ra là hầu hết những người đó khi đến tuổi già đều lấy làm tiếc nuối.
Có người tự nhận là nhu nhược, không dứt khoát, sĩ diện hão, vừa muốn được đằng này lại muốn được cả đằng kia nên phải trả giá bằng cuộc đời bất hạnh.
Một ông già tâm sự: "Kể ra nếu mỗi người có hai cuộc đời thì vì sai lầm nên phải bỏ đi một để trả giá và rút kinh nghiệm cho cuộc đời sau. Nhưng tiếc rằng mỗi người chỉ sống có một lần nên đến bây giờ mới thấy… tiếc!".
Tại nhiều thành phố châu Á, các văn phòng tư vấn hôn nhân và luật sư làm ăn phát đạt vì quá nhiều người liên quan đến ly hôn. Trên một đường phố yên tĩnh ở ngoại vi Tokyo, bạn có thể ghi tên tham gia một lớp tư vấn tiền ly hôn để học 50 cách rời bỏ bạn đời. Theo tổng hợp của giáo sư Stella Quah, một nhà xã hội học của Đại học quốc gia Singapore, ngày nay, số vụ ly dị ở quốc gia này tăng gấp 3 lần so với năm 1990, còn ở Thái Lan là gấp đôi. Nhật Bản trung bình cứ 42 giây có một đôi kết hôn và 2 phút lại có một đôi ly hôn. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc vượt cả nhiều nước châu Âu như Đan Mạch, Hungari. Nữ nghị sĩ của Kuala Lumpur, luật sư Kamar Ainiah nói: “Khi ly dị xảy ra, phụ nữ có khả năng nuôi con thậm chí không cần sự hỗ trợ của chồng cũ. Không phải chỉ vì khả năng kinh tế của phụ nữ mà còn vì họ được trang bị những kiến thức về bình đẳng nam nữ từ khi còn đi học”. Nhìn lại sự đổ vỡ của đời mình, một người đàn ông 40 tuổi nói: "Tôi không nghĩ đó là một bi kịch mà trái lại tôi học được nhiều từ sự đổ vỡ đó. Tôi không muốn vượt ra khỏi truyền thống của ông cha nhưng có lẽ đó là số phận”. |
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa |