Gia đình nào cũng có những quy tắc nhất định trong ứng xử giữa con cái với cha mẹ, giữa các con với nhau. Và thực tế cho thấy, nếu bạn không chủ động đề ra các quy tắc thì chính các con bạn sẽ quay sang điều khiển bạn bằng những “lề thói” mà chúng tự đúc kết.
Hẳn bạn sẽ chẳng dễ chịu với các “lề thói” kiểu như: “Nếu mình không tự mặc áo thì mẹ sẽ phải mặc hộ”. “Sáng ra mình lề mề, ỉ ôi thì mình sẽ khỏi phải đến trường mà được sang nhà bà ngoại”. “Nếu mình không dọn đồ chơi thì mẹ sẽ dọn thay”… Bởi vậy, tốt nhất là bạn hãy chủ động xây dựng các “điều luật” đề đưa đám lau nhau nhà mình vào nề nếp mà bạn mong muốn.
Khi đã có những quy định rõ ràng, hợp lý thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều. Bọn trẻ lúc đó sẽ biết rõ hành vi nào bị coi là “phạm quy” và sẽ bị hình phạt như thế nào. Bởi thế chúng sẽ cân nhắc trước khi vất đồ chơi lung tung hay ỉ ôi không muốn đi học. Các quy định nếu được trẻ thực hiện hàng ngày, dần dần sẽ trở thành thói quen của trẻ. Và khi đó cha mẹ sẽ chẳng cần phải cưỡng chế hay nhọc công quát tháo nữa.
Trẻ nhỏ (độ tuổi mẫu giáo) thường rất vị kỷ, chỉ biết nhăm nhăm vào sở nguyện của bản thân mà chẳng mấy bận tâm đến nhu cầu của người khác.Thêm nữa, các bé còn khá khó khăn trong việc ghi nhớ các quy tắc.Bởi vậy sau khi đề ra các quy tắc, bạn cần nhắc đi nhắc lại để giúp trẻ ghi nhớ và làm theo. Rồi các bé sẽ dần thuộc lòng các câu “kệ” kiểu như: “Đúng 9 giờ mình sẽ lên giường đi ngủ” “Đôi khi mình phải tự chơi”. “Bướng bỉnh không ích gì”. “Mình có thể nằm và ngủ một mình cả đêm”. “Dọn đồ chơi là việc của mình”… Dưới đây là một số quy tắc cơ bản mà bạn có thể tham khảo để dần giúp bé đạt được độ “giác ngộ” như trên.
Buổi sáng
• Khi mẹ đánh thức con – con sẽ mỉm cười với mẹ và ngồi dậy trước khi mẹ hát xong bài “Chim vành khuyên”.
• Sáng dậy không chơi đồ chơi, vì ta cần mau mau đánh răng rửa mặt để chuẩn bị đi học.
• Đúng giờ chúng ta sẽ lên đường, dù con không kịp thay chiếc áo đẹp con thích.
Bữa ăn
• Mẹ sẽ quyết định nấu món gì. Con sẽ tự quyết định có ăn hay không và ăn bao nhiêu.
• Khi ăn mình sẽ cùng ngồi tại bàn, trong giờ ăn đồ chơi không để trên bàn.
• Trước khi ăn con không quên mời ông bà, bố mẹ… Ăn xong con sẽ nói “Cảm ơn mẹ!” rồi mang chén bát của mình để vào chậu rửa.
Ngoài đường
• Khi băng qua đường, con luôn luôn nắm tay bố hoặc mẹ.
• Nếu muốn xuống sân chơi, con cần xin phép bố mẹ. Hoặc bố hoặc mẹ luôn phải biết rõ con đang ở đâu.
Cư xử với mọi người
• Khi gặp mọi người mình luôn vui vẻ, nói chuyện đàng hoàng, thân ái, không cáu kỉnh, la lối.
• Không đập phá, ném hay giằng đồ chơi với bạn khác. Nếu cảm thấy có gì làm mình khó chịu, con hãy nói rõ ra.
Trong khi chơi
• Nếu bắt đầu cãi vã, ẩu đả – cuộc chơi sẽ buộc phải dừng lại. Hai bên sẽ cách ly nhau trong vòng 5 phút. Nếu muốn chơi tiếp cả hai phải chơi trong hòa bình.
• Muốn lấy món đồ chơi mới ra, trước tiên con cần cất gọn đồ chơi cũ lại.
• Chơi xong phải tự dọn đồ chơi.
Tivi và iPad
• Mẹ sẽ quy định con được xem ti vi trong bao lâu. Xem chương trình nào thì hai mẹ con cùng chọn. Con chỉ bật tivi sau khi đã xin phép bố mẹ.
• Máy tính và iPad – con được dùng trong vòng 30 phút (khi bố mẹ không dùng), và chỉ chơi những trò nằm trong thư mục ghi tên con.
Giờ ngủ
• Lên giường ngủ lúc 9 giờ tối.
• Sau tiết mục kể chuyện cổ tích, mẹ/bố sẽ tắt đèn và ra khỏi phòng con.
• Con nằm yên trên giường và tập trung để ngủ, không ỉ ôi vòi vĩnh.
Tất nhiên, tùy gia cảnh cụ thể mà bạn cân nhắc nên có những quy định thế nào để phù hợp nhất. Sức mạnh của các “điều lệ” nằm ở tính kiên định của nó, nhưng đôi khi cũng cần sự linh hoạt. Chẳng hạn đợt đi nghỉ mát thì giờ ngủ có thể trễ hơn. Các “điều lệ” của bạn nên được viết thành văn bản là tốt nhất. Sẽ rất thú vị mỗi khi chúng được bọn trẻ cùng đồng thanh đọc to lên. Và càng tuyệt hơn nếu như “bộ luật” ấy được viết dưới dạng thơ hay thậm chí là phố nhạc để có thể hát lên cho… vui và cho dễ nhớ nữa.Như vậy, “bộ luật” của bạn sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống hơn để sớm đem lại nề nếp cho tổ ấm nhà bạn.
Bài: Bình Minh