Bên cạnh việc sở hữu một thiết bí chụp chuyên nghiệp, bạn cần “dắt túi” những bí kíp chụp từ các nhiếp ảnh gia nhiều kinh nghiệm để có thể tận dụng tối ưu những tính năng của thiết bị, cho ra đời bức ảnh phong cảnh ưng ý nhất.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm được biết đến như một “vua phong cảnh” tại Việt Nam với gần 30 năm cầm máy cùng hàng chục triển lãm tại Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Singapore, Mỹ, Hongkong… và sở hữu nhiều giải thưởng danh giá trong nghề. Lê Việt Khánh được cộng đồng biết đến như một “phượt thủ” với những tấm ảnh phong cảnh trên khắp mọi miền đất nước, in trên nhiều tạp chí hàng đầu, hay nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc cũng là một người có duyên trong lĩnh vực ảnh phong cảnh với nhiều giải thưởng. Còn anh Lê Thế Thắng được biết đến với những thước phim tuyệt đẹp từ các thiết bị bay không người lái (flycam) thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới và cả Việt Nam.
Đẹp ghi nhận và tổng hợp ý kiến của 4 nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, Lê Việt Khánh, Vũ Ngọc và Lê Thế Thắng để đưa ra những lời khuyên cho người mới cầm máy có thể chụp được những tấm ảnh phong cảnh đẹp nhất, ưng ý nhất hoặc có những chuyến bay flycam hoàn hảo.
Bạn cần phải tìm hiểu về vùng đất đó, từ thời tiết đến phong tục tập quán. Vùng đó đẹp nhất vào thời gian nào, đặc sản phong cảnh là gì (ví như ở Y Tý thì có mây, Hà Giang thì có hoa đào, Đà Lạt có làn sương mỏng rừng thông, Phan Thiết có sóng…). Từ đó bạn sắp xếp thời gian hợp lý để có cơ hội săn được những tấm ảnh đẹp. Hiểu biết về vùng đất đó cũng giúp bạn có thể bay flycam tốt hơn, bạn có thể xem qua trên GoogleMap để biết địa hình ở đó như thế nào, hướng núi, hướng mặt trời mọc lặn…
Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm khẳng định hai điều đó sau khoảng gần 30 năm cầm máy của mình. Bạn phải đam mê tìm kiếm cái đẹp vì phong cảnh rất khó để setup và khoảnh khắc có thể đến bất chợt, vì thế bạn phải chờ đợi khoảnh khắc đó. Còn như anh Lê Việt Khánh thì “nằm vùng” ở Y Tý cả 2 tháng trời chỉ để chụp mây luồn qua những mái nhà trình tường hoặc như bộ ảnh bốn mùa độc nhất của anh được in trên rất nhiều cuốn lịch.
Nếu bạn không có năng khiếu hoặc học các trường mỹ thuật thì cần phải đọc, tìm hiểu nhiều về mỹ thuật bao gồm cả ánh sáng, màu sắc, bố cục,… để từ đó có thể tạo ra được những bức hình chuẩn đẹp.
Bạn cần hiểu rõ thiết bị mà mình đang sử dụng, làm chủ được các thông số từ khẩu độ, tốc độ, iso, các sử dụng kính lọc và cả phần hậu kỳ. Ví như ảnh phong cảnh thì các chi tiết ở vùng sáng hoặc vùng tối đều phải hiển thị rõ ràng, độ sâu ảnh lớn (khép khẩu bé), màu sắc khi hậu kỳ phải tái lập được những gì đã chứng kiến bằng mắt…
Kiên nhẫn là đức tính rất quan trọng để bạn chụp ảnh phong cảnh. Ví như để có được một bức ảnh bình minh trên núi, bạn có thể sẽ phải leo núi từ 3h sáng và ngồi chờ khoảnh khắc mặt trời lên. Vì khoảnh khắc đẹp có thể đến bất cứ lúc nào nên bạn cần kiên trì chờ đợi không được nóng vội.
Nhạy bén về khoảnh khắc là quan trọng, NAG Hoàng Thế Nhiệm cho rằng để chụp ảnh bình minh đẹp nhất là trước lúc mặt trời vì lúc đó ánh sáng là cân bằng tốt nhất còn hoàng hôn thì sau khi mặt trời lặn chừng 15 phút là khoảnh khắc đặc biệt nhất.
Bạn cần có cộng đồng hoặc có mối liên kết cộng đồng bạn bè để biết được thông tin về nơi định chụp ảnh, về thời gian nào là đẹp nhất. Ví như khi hoa đào nở rộ ở Hà Giang thì có bạn bè hay người dân bản địa báo để bạn lên đó chụp. Thêm nữa, phương tiện cũng quan trọng vì nó giúp bạn có thể đi đến được những nơi sâu xa để chụp hình. Ví như những chiếc bán tải (Ford Ranger…) hay SUV (Everest…) có khả năng vượt địa hình tốt hoặc đôi khi cần phải di chuyển bằng xe máy để lên các bản nhỏ, thậm chí là leo núi, đi bộ…
Điều này là bắt buộc đối với người chơi drone (flycam, thiết bị bay không người lái) để có thể bay một cách hợp pháp hoặc “gần hợp pháp nhất”. Bạn cần lưu ý không gian an toàn cho đám đông, động vật, học kỹ năng an toàn về hàng không dân dụng. Như NAG Lê Thế Thắng thì khuyên bạn “cất cánh thì tiến và hạ cánh thì lùi” để nó thuận chiều nhất có thể.
Cũng như máy ảnh, bạn cũng phải làm chủ kỹ thuật của thiết bị bay từ đó có thể sáng tạo các góc chụp như góc thẳng đứng, các khoảnh khắc ở hoàng hôn, bình minh để an toàn nhất. Hiểu về vùng đất đó để bay an toàn và tốt nhất, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Anh Lê Thế Thắng đã bay flycam nhiều nước và có những thước phim tuyệt đẹp chia sẻ kinh nghiệm quý báu là cần phải tuân thủ chặt chẽ luật tại địa phương đó. Bạn có thể check luật bay bằng cách hỏi cảnh sát tại đó hoặc qua các phần mềm như Noflyzone. Ví như ở Mỹ, ở ngoài vạch cấm có thể bay được nhưng phải để ý không xâm phạm vào các vùng đất riêng tư. Hay như lúc bay ở Berlin (Đức), anh Thắng đã không tìm thấy ai để hỏi bèn cầm chiếc drone giữa phố và dùng nó để chụp ảnh (vẫn cầm trên tay), ngay lập tức cảnh sát ra hỏi và anh giải thích là mình đang cầm chứ không có bay, cảnh sát giải thích luật rằng phải ra khỏi cái Berlin gate chừng 6,5km thì mới được phép bay…
Việc mang pin của thiết bị bay cũng cần phải xem thông tin hàng không và bạn phải xách tay pin chứ không được gửi hành lý. Ví như pin trên 160kW/h là cấm không được mang lên máy bay luôn, pin từ 120 – 160kW/h thì được mang 2 viên, pin dưới 120kW/h thì mang thoải mái. Nhưng hầu hết các thiết bị bay hiện đại đều dùng pin dưới 100kw/h.
Ngoài ra, một số nước bạn cần rất đặc biệt lưu ý như các chính quyền hồi giáo hoặc quân sự. Ở đó, họ có những luật rất khác mà bạn có thể bị những hậu quả rất nặng nề khi bay (như NAG ThếThắng đã không dám bay ở Iran), Thổ Nhĩ Kỳ thì thoải mái hơn, hoặc một số nước châu Âu giới hạn trần bay (thường dưới 120m) và kèm theo quy định không được xâm phạm quyền riêng tư và làm phiền người khác; bất cứ khiếu nại nào liên quan đến việc bạn bay thì người vi phạm chính là bạn…