Trong số những kẻ sát nhân mà viên cảnh sát hình sự Li Meijin (Trung Quốc) từng gặp, Chen Guoqiang (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong những gương mặt mà ông nhớ nhất. Chen sinh ra ở tỉnh Henan miền đông Trung Quốc, là con của cặp vợ chồng công nhân nhập cư. Khi Chen chưa đầy 6 tuổi, cả cha mẹ của cậu đều làm việc ở các tỉnh khác, để lại cậu con nhỏ cho bà nội và chú trông nom.
“Đứa bé không hề nghe lời mọi người” – cảnh sát Li nói. Tới năm 12 tuổi thì Chen bỏ học. 17 tuổi, cậu bé bắt đầu dính líu tới hành động phi pháp, trộm cắp của cửa hàng và khách mua đồ, đôi khi còn giết cả những người chống cự. Cuối cùng thì tới năm 2006, Chen đã cướp và giết một nhà báo Trung Quốc thành phố Đại Liên, vùng đông bắc đất nước. Cảnh sát đã tóm được Chen khi hắn mang chiếc máy quay của cô nhà báo đi cầm cố.
Trong khi Chen bị tạm giam để chờ xét xử với 6 tội danh giết người, Li đã thẩm vấn hắn và biết về cuộc đời của kẻ tội đồ này. “Cậu ta chẳng biết gì về luật pháp, về các quy định, về các khoản tiền hối lộ để trì hoãn” – Li nhớ lại. “Cậu ta đã không có sự chăm nom của bố mẹ khi còn nhỏ”. Chen đã bị thi hành án vào năm 2007.
|
Một người đàn ông vẫy chào con mình tại bến tàu, Bắc Kinh. |
Theo Li và các nhà phân tích khác, mặc dù trường hợp của Chen là hiếm có và rất cực đoan, thì vụ việc vẫn xoáy vào một vấn đề đang gia tăng tại Trung Quốc: đó là ngày càng có nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tại vùng nông thôn nước này. Một số trở thành tội phạm vị thành niên khi tuổi còn rất nhỏ. Số khác thì không được bao bọc và xa lánh với cuộc sống xã hội. Một số lại trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi này sống ở các ngôi làng quê mà không có liên lạc gì nhiều với bố mẹ. Cha mẹ chúng đi làm ở nơi xa và phó thác lại việc nuôi con cho ông bà hoặc người thân. Các nhà phân tích cho rằng những đứa trẻ này hầu như phải đương đầu với các rắc rối khi phải ở nhà một mình.
Các công nhân nhập cư đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế bùng nổ hiện nay của Trung Quốc. Với con số hơn 158 triệu người, sức sản xuất không ngừng của họ giúp cho các nhà máy liên tục vận hành và tạo ra sản phẩm. Họ là những người giúp xây dựng nên cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa.
Nhưng cũng chỉ trong vòng ba thập kỷ qua, cuộc sống thiếu cha mẹ đã trở thành một cơn ác mộng cho không người thuộc thế hệ trẻ hơn của đất nước này. Các nhà phân tích cho rằng việc cha mẹ vắng bóng thường xuyên đã lấy đi một phần ‘con người’ rất lớn trong đời sống của đứa trẻ, về mặt giáo dục, an toàn về thể chất cũng như tâm lý. Li nói: “Thông điệp của tôi đối với những bà mẹ có con dưới 6 tuổi là: đừng tìm việc ở những nơi xa nhà quá”.
Tính trên toàn quốc, số trẻ em bị bỏ rơi như vậy ở những nơi ‘khỉ ho cò gáy’ lên tới 60 triệu em. Nguyên nhân chủ yếu là vì lý do tài chính và tệ quan liêu. Rất nhiều người nhập cư – chiếm tới hơn 10% dân số Trung Quốc – thiếu khả năng đưa toàn bộ gia đình lên các thành phố sinh sống, vì giá cả nhà cửa ở đây đắt như ‘trên trời’. Thậm chí, vợ chồng có khi phải làm ở những nơi rất cách xa nhau, cho dù cả hai cùng làm trong một thành phố.
Nhiều đứa trẻ chỉ được gặp cha mẹ hai tới ba lần trong một năm (thường là vào dịp Tết đầu năm hoặc Trung thu), và chỉ vào khoảng chục ngày cả thảy. “Trong một số trường hợp hãn hữu, cha mẹ có khi còn không thể về nhà đoàn tụ với con suốt ba, bốn năm trời” – Nie Mao, một giáo sư về ngành xã hội nhân văn tại Đại học Trung Nam cho biết. “Có rất nhiều tác động tiêu cực về lâu dài… [họ] đều có ít hoặc nhiều vấn đề về tâm lý học, và một số còn phạm tội”.
Nie đưa ra một loạt các vấn đề mà những đứa trẻ bị bỏ rơi này gặp phải, từ những nỗi ám ảnh cho tới tình trạng không được bao bọc, hoặc học vị thấp kém, cho tới xung đột gia đình. Ông đưa ra các trường hợp trẻ bị chết vì không thể chống chọi với thiên tai, như nạn lụt. Ông dẫn ra một trường hợp khác, một cậu bé 13 tuổi đã bị những tên buôn người bắt vận chuyển ma túy. “Mẹ của cậu bé hoàn toàn bất lực với tội trạng của con trai” – Nie nói.
Lạm dụng tình dục cũng là một vấn đề chính đáng lo ngại. Mới đây, một bé gái 12 tuổi sống ở Henan với bà ngoại 65 tuổi đã trở thành nạn nhân khi cha mẹ cô bé đi làm xa. Một người đàn ông hàng xóm đã cưỡng bức với cô bé nhiều lần, khiến cô bé mang bầu. Cô bé bị đe dọa nếu như nói chuyện này với người khác, cô sẽ bị ném xuống sông gần nhà.
Không dưới 19 trường hợp tương tự xảy ra tại cùng một quận ở Henan. Trong vòng 3 năm qua, nghiên cứu tương tự tại tỉnh Guandong cho thấy 2506 trẻ khác dưới 18 tuổi thiếu sự chăm sóc của cha mẹ cũng bị lạm dụng tình dục; trong đó phân nửa nạn nhân là dưới 14 tuổi. Các nhà phân tích cho rằng con số thật sự của các vụ việc còn nhiều hơn thế, vì có rất nhiều trường hợp bị cưỡng bức đã không được trình báo.
Bị cha mẹ bỏ mặc ở nhà, phải một mình đương đầu với cuộc sống, những đứa trẻ này có thể dễ dàng rơi vào những vết rạn nứt của xã hội Trung Quốc.
Cảnh sát Li chỉ ra một vấn đề nhức nhối đặt ra với Trung Quốc trong vấn đề này: “Nếu như một người không được nhận tình thương yêu và chăm sóc khi anh ta còn nhỏ, thì liệu có thể trông chờ rằng anh ta sẽ cư xử tốt với người khác và cả xã hội khi anh ta trưởng thành hay không?”.
Theo Daily Beast