Những đám cưới chạy
Chỉ còn vài tháng là tốt nghiệp THPT nhưng Lan quyết tâm rũ bỏ 12 năm ăn học bằng tờ giấy đăng ký kết hôn. Lấy chồng, bỏ học và đám cưới vội vàng của cô đã diễn ra.
Lan nổi tiếng là cô học sinh ngoan ngoãn, hiền lành, ít va chạm và tiếp xúc với các bạn nam trong lớp, ngoài trường. Nhưng bất ngờ, cô xin thôi học ở trường để chuẩn bị cho đám cưới của mình.
Từ tỉnh cảm học trò, nhiều học sinh sẵn sang bỏ học để lập gia đình. Ảnh minh họa. Trong ảnh: Cảnh thân mật của một đôi học sinh THPT sau giờ học. (Ảnh: Dân trí).
Sinh ra trong gia đình hoàn cảnh, có 3 chị em. Bố mẹ Lan sống trên rừng với cô em út còn Lan và chị cả chuyển về xuôi từ năm học lớp 4. Lan chia sẻ: “Em quen anh ấy từ cuối năm lớp 11. Chồng em làm thợ cắt tóc. Mấy lần vào cắt mái với đứa bạn, thấy anh đẹp trai lại ăn nói dí dỏm nên em thích luôn từ đợt đó”.
Cũng theo như tâm sự của cô, sau một thời gian nhắn tin, hẹn hò Lan cũng bắt đầu si mê anh chàng này hơn mức bình thường. Nhà Lộc (chồng Lan) chỉ có mỗi mình Lộc là con trai, bố mẹ già năm nay đã ngoài 70 tuổi nên sốt ruột muốn có cháu bế ẵm.
Lan cũng nghĩ “mình học hành cốt để biết tính toán thôi” nên quyết định bỏ học và xin phép bố mẹ về chuyện đám cưới.
Còn Linh, cô sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW (Thanh Xuân, Hà Nội), thì lại không nghỉ học giữa chừng như Lan. Linh và Nghĩa quen nhau từ năm học lớp 12. Học cùng lớp lại hay đi về cùng đường nên để ý nhau và nảy sinh tình cảm.
Tốt nghiệp cấp 3, Linh thi ĐH còn Nghĩa ở nhà phụ việc cho bố mẹ bán quán nước, rửa xe máy. Nhà ở Thường Tín (Hà Nội) nhưng ngày nào Nghĩa cũng đưa đón Linh đi học đến nơi đến chốn.
Tình cảm giữa hai bên đã đến độ chín muồi, gia đình hai bên đã đồng ý cho đôi bạn trẻ lập gia đình. Thế là vừa lấy chồng vừa chuẩn bị cho việc sinh con cô kiêm luôn cả đi học.
Hụt hẫng sau hôn nhân
Các bạn trẻ cần suy nghĩ chín chắn khi quyết định lập gia đình (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)
4 tháng sau khi lên xe hoa về nhà chồng, không ai còn nhận ra nổi hình ảnh Lan: tiều tụy và nhếch nhác hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn bè. Tiền cưới mọi người mừng, cô tích góp mua được cái máy quay nước mía, bộ bàn ghế nhựa và mấy cái chén để bán nước giải khát ở đầu ngõ. Cái bụng cứ to dần, áp lực gia đình, kinh tế theo đó cũng tăng lên.
Lấy chồng rồi, bản chất thật của “anh chàng dí dỏm” một thời cô bị cho chết mê chết mệt mới bộc lộ dần. Lộc (chồng Lan) làm thợ cắt tóc nên có tính trăng hoa, hay tán tỉnh các cô gái trẻ khi vào quán làm tóc. Cho đến giờ cô mới vỡ nhẽ ra, trước đây mình đã nhẹ dạ mà ngu muội.
Chồng cứ tíu tít với khách hàng trẻ. Vợ oằn lưng, quần quật quay nước mía bán hàng. Lan ghen. Lộc cũng không dỗ dành như hồi mới yêu mà chuyển sang “hành động”.
Năm ngày, ba trận hàng xóm bốn bên liên tục phải chạy sang can ngăn vì anh chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà bạo lực. Bố mẹ chồng được thể bênh vực con trai theo kiểu: “Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”. Cảm giác lạc lõng, bơ vơ và hối hận là tất cả những gì cô đang phải trải qua.
Trường hợp của Linh cũng éo le không kém gì Lan. Yêu nhau hơn 2 năm, rồi Linh dính thai 2 lần nhưng anh đều khuyên bỏ đi vì tương lai phía trước. Nhưng lần 3 khi cái thai đã được 3 tháng không bỏ được nữa. Linh van nài anh ý xin được cưới.
Mỗi lần chồng đi nhậu nhẹt với đám bạn về say xỉn lại lôi vợ ra nhiếc móc. Thậm chí còn ghen tuông đến độ mù quáng. Linh nước mắt chạy về nhà bố mẹ đẻ, đòi ly hôn. Nhưng đứa con trong bụng cứ lớn dần, giờ chia tay không biết sau này cuộc sống của hai mẹ con sẽ đi về đâu. Với cô mái nhà giờ không khác gì địa ngục.
Trường hợp của Linh, Lan chỉ là hai trong vô vàn những cặp vợ chồng trẻ chưa đủ độ chín chắn mà tiến tới hôn nhân trong vội vàng. Vẫn còn trong độ tuổi “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” nhưng vì những phút bồng bột, vụng dại mà nhiều bạn trẻ lỡ đánh mất cả tương lai.
Không ít cặp vợ chồng trẻ kết hôn khi tuổi đời và sự hiểu biết về cuộc sống hôn nhân còn nông cạn.
Theo Vietnamnet