Khổ sở chiều lòng Ôsin
Con cái sống cùng thành phố nhưng lâu lâu mới ghé nhà, chỉ hai vợ chồng lớn tuổi, ông lại tai biến nằm một chỗ nên bà Dần (ngụ ở phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TPHCM) không thể thiếu người giúp việc. Điều bà Dần sợ nhất là osin nghỉ việc, vì mỗi lần như vậy, bà chẳng biết xoay xở thế nào với công việc nhà, chăm lo ăn uống, tắm rửa cho chồng. Nhiều osin đến rồi nghỉ vì nhiều lý do như không kham nổi việc, đến nơi khác lương cao hơn, gần năm nay tìm được người giúp việc ở Trà Vinh được việc, vợ chồng bà ra sức “chiều lòng” để giữ chân.
Khách ghé thăm nhà sẽ được bà chủ nhà 72 tuổi trực tiếp ra mở cổng, dù cánh cửa sắt cao vót, nặng trịch dường như quá sức bà. Sau lời chào, bà Dần không quên dặn khách: “Vào nhớ chào chị Hai (tên người giúp việc) một tiếng”.
“Tui cũng rất ngại khi khách đến chơi mình dặn dò kiểu vậy, nhiều người tự ái lắm. Nhưng trước đây chị Hai khó chịu, thậm chí lên tiếng quở mắng bạn bè chủ nhà… bất lịch sự, khinh thường người nhà quê không chào mình một lời. Tính chị này cáu cẳm một chút nhưng chăm ông nhà tôi rất tốt. Chứ bây giờ osin rất ngại việc tắm rửa, vệ sinh cho người già”, bà Dần nói.
Dù osin không lên tiếng đòi hỏi nhưng gần năm qua, cũng đã nhiều lần bà Dần tăng lương cho chị. Con cái ông bà cuối tuần về thăm nhà, không nhất thiết phải quà cáp cho bố mẹ nhưng nhất định không được quên chị Hai.
Đến chơi nhà chị Vân, anh Trọng ở Q.1, TPHCM, bạn bè cũng sẽ thấy ngay… quyền lực của người giúp việc 44 tuổi quê Tây Ninh. Mọi giờ giấc, sinh hoạt ăn uống trong nhà đều do osin sắp xếp, nếu chị Vân muốn làm trái lập tức chị ta nhăn nhó ngay. Ý kiến bà chủ, người giúp việc không ngại phản bác, còn cố tình làm trái nên thành ra mỗi khi lên tiếng chị Vân đều phải lựa lời sao cho khéo hoặc im lặng làm ngơ.
Trong hợp đồng ban đầu, mỗi năm người giúp việc chỉ được về quê 2 lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Nhưng gần như tháng nào chị Vân cũng phải thu xếp để người giúp việc về thăm nhà rồi lại phải gọi điện năn nỉ… họ trở lại.
Chị Vân thở dài: “Nhiều khi osin còn la mình xơi xơi trước mắt khách cũng ức lắm nhưng nếu họ nói đi mình nói lại thì họ sẽ nghỉ việc nên tôi cũng cho qua. Chị ấy mà nghỉ việc nhà mình liêu xiêu…”.
Tuy vậy, chị Vân thấy mình còn may vì osin nhà mình rất giản dị, không đua đòi. Nhiều người thân, bạn bè của chị, không chỉ lo giữa chân osin bằng lương thưởng, cách ăn nói, cư xử mà còn phải lo cho osin trưng diện.
“Người giúp việc của bà chị họ tôi có phòng riêng đẹp hơn cả phòng con bà chủ. Cô giúp việc còn trẻ nên thích mốt này mốt khác nên phải mua quần áo, dày dép suốt. Bà chủ dùng cái gì y rằng phải có phần osin, kể cả nước hoa, mỹ phẩm. Bà chị tôi gọi điện sang kể đủ điều nhưng chỉ dám nói sau lưng còn trước mắt vẫn phải ngon ngọt để giữ người ta”, chị Vân kể.
Chủ nhà ăn theo thực đơn Osin
Gia đình gốc Bắc nên dù chuyển vào Nam đã lâu, thực đơn lâu nay của gia đình bà Dần vẫn mang hương vị Bắc. Biết osin trái vị nên mỗi lần đi chợ, bà Dần đều mua thêm những món của người Nam, trong bếp cũng hai kiểu nồi cho hai loại đồ ăn. Khi quen được… chiều chuộng, mỗi lần đi mua sắm với bà chủ, người giúp việc không ngại khuôn đồ ăn theo sở thích của mình rồi chê món ăn của chủ… chẳng ra cái vẹo gì.
Nhà chỉ có ba người mà quá rườm rà, tốn kém cho việc ăn uống nên bà Dần cũng tập ăn theo món của osin như cách nấu canh chua, cách pha nước mắm, mắm ruốc…
Chị Hồ Hải Anh, nhà ở Q. Gò Vấp, cho biết chị rất ngại tám về chuyện osin nhà mình vì sợ mọi người không tin. Chị làm trưởng phòng, quản lý bao nhiêu người, kiếm tiền chồng cũng phải nể mà về nhà lại… sợ osin. Nhà có hai con nhỏ, vợ chồng chị phụ thuộc rất nhiều vào người giúp việc nhưng đôi khi chỉ chút phật lòng osin cũng có thể… xách đồ ra đi, đẩy nhà chị vào cảnh khốn đốn. Rút kinh nghiệm, chị Hải Anh nhắc mình cái gì chiều được osin mà không quá đáng cứ chiều nếu không chỉ khổ mình.
Về công việc, chăm sóc con nhỏ, cô giúp việc nhà chị quê ở Quảng Trị không có điểm gì để chê, làm đâu ra đấy, nhiều nhà xung quanh còn dòm ngó mời về làm. Khổ nỗi, tính cô ta rất tác oai tác quái như chỉ ăn nước tương, ghét mùi nước mắm nên chủ nhà phải cất chai mắm vào chỗ kín, cần ăn thì lấy ra để riêng chứ nấu nướng không được nêm vào.
Người giúp việc khó chịu với các loại mùi như dầu xả quần áo, nước hoa… , mới đầu chị Hải Anh cũng phản ứng, cô osin nói thẳng: “Cô mà xịt nước hoa hay xả dầu thơm lên quần áo thì phải tự giặt giũ, mấy đứa nhỏ có mấy mùi khó ngửi đó tôi cũng không bế nổi”, chị Hải Anh sau đó cũng… xuôi.
Ăn uống, sinh hoạt của gia đình chị chạy theo osin từ lúc nào không rõ. Kể cả trong việc dạy con, vợ chồng chị cũng bị ảnh hưởng bởi osin vì tính ra thời gian người giúp việc chăm con nhỏ nhiều hơn bố mẹ.
Chị Hải Anh còn nghĩ, nhìn vào quyền hành trong nhà, phải nói người giúp việc mới là chủ. Nhiều lúc bị ức chế nhưng chị không dám to tiếng vì osin bây giờ đắt giá, ra ngoài sẽ có người nhận ngay, tìm người mới thì khó nên chị đành nín nhịn. Nhất là dịp đầu năm, lên cơ quan, thấy các mẹ sốt vó vì osin nghỉ việc, sinh hoạt trong nhà bị đảo lộn, tìm người mới không được… chị biết mình còn phải chiều lòng osin dài dài.