Bi hài bác sĩ đi tuyến dưới

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh lấy xét nghiệm máu cho bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh lấy xét nghiệm máu cho bệnh nhân.

Uống rượu mới được lấy máu

Với nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật về xét nghiệm máu cho bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh (Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương) nhiều lần thót tim khi làm những nhiệm vụ ngoài chuyên môn chính.

Trong một ca cấp cứu cho bệnh nhân người dân tộc mổ gan, trong khi lượng máu trong bệnh viện không đủ, máu bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm, bác sĩ phải vận động người nhà bệnh nhân hiến máu nhưng nhất định họ không ra bệnh viện nếu bác sĩ không chịu về tận bản.

Bác sĩ Mạnh kể: “Người nhà bệnh nhân trong xã Sùng Phài, huyện Tam Đường cách thị xã Lai Châu hơn 30km toàn đường rừng núi. Bệnh viện đang cần máu gấp nhưng không có xe từ bệnh viện cũng như xe ngoài đi vào bản, tôi phải bắt xe ôm đến nhà bệnh nhân để thuyết phục.

Ban đầu họ không cho lấy máu, vì cho rằng hại sức khoẻ không làm nương, làm rẫy được. Sau hồi thuyết phục, họ đồng ý nhưng nhất định mời bằng được bác sĩ bát rượu mới chịu theo tôi về bệnh viện làm xét nghiệm và lấy máu”.

Nhưng uống xong bát rượu, bác sĩ Mạnh nổi mẩn, đầu óc choáng váng. “Người nhà bệnh nhân chuẩn bị xe máy theo tôi ra bệnh viện tỉnh thì tôi gục xuống. Lúc đó họ dìu tôi ra trạm y tế xã rồi tự tôi truyền nước cho mình tỉnh lại. Trong đầu tôi chỉ nghĩ làm sao để họ ra ngoài bệnh viện càng sớm càng tốt, mới có máu cấp cứu bệnh nhân.

Sau này khi lấy máu và cứu được người nhà, họ quý tôi và coi tôi như ân nhân. Và cũng chính họ vận động được thanh niên của bản đi hiến máu tình nguyện bổ sung lượng máu thiếu cho bệnh viện”, bác sĩ Mạnh tâm sự.

Đưa xét nghiệm vi sinh về vùng cao

Không phải là bác sĩ đầu tiên về khoa xét nghiệm của bệnh viện Lai Châu nhưng bác sĩ Trần Minh Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai) lại là người đầu tiên thực hiện xét nghiệm vi sinh tại bệnh viện này.

Do đây là kỹ thuật mới, nên vừa phải hướng dẫn bác sỹ, kỹ thuật viên bệnh viện, vừa phải thuyết phục bệnh nhân, họ mới đồng ý cho làm.

Theo bác sĩ Tuấn, áp dụng kỹ thuật xét nghiệm vi sinh cho kết quả chính xác hơn, nên phác đồ điều trị bệnh án sẽ sát hơn và rút ngắn được thời gian điều trị.

Điều này không phải người dân nào cũng hiểu, nhất là người dân vùng cao. Sự thuyết phục không chỉ bằng chuyên muôn mà bằng cả tình cảm của bác sĩ với bệnh nhân.

Bác sĩ Đỗ Văn Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế – Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết: “Xét nghiệm vi sinh lần đầu tiên xuất hiện tại Lai Châu đã tạo ra bước khởi đầu trong việc chữa trị bệnh liên quan ký sinh trùng.

Theo Tiền Phong


From the same category