Bếp điện từ: dùng sao cho đúng?

Xưa thật xưa, người ta chủ yếu dùng củi để đốt, không
có một chiếc lò nào cả. Rồi bếp củi bằng kiềng ba chân ra
đời, đến bếp bằng đất nung. Tiếp theo, họ nhà bếp có thêm
bếp than từ củi, than đá, than tổ ong… Tiến bộ hơn là sự ra
đời của bếp điện, từ sử dụng dây may-so đến dùng thanh
nhiệt, và phổ biến nhất bây giờ là bếp gas, với đủ kiểu
dáng, tính năng.

Chưa dừng lại ở đó! Với lý do tất cả những loại bếp hiện
nay đều không đạt hiệu suất sử dụng nhiệt tối đa, thế là
bếp điện từ lại “kiêu hãnh” xuất hiện. Chiếc bếp đặc biệt
này không phải là sản phẩm rất mới, nhưng nhiều người
nội trợ vẫn chưa hiểu hết về nó để quyết định lựa chọn và
sử dụng cho đúng.

Ưu thế của bếp điện từ


Thế mạnh vượt trội của “anh chàng” này là hiệu suất sử
dụng nhiệt để nấu nướng lên đến 85-90%. Trong khi đó, con
số này ở bếp gas là 40%, lò vi ba 70%. Như vậy, nhiệt lượng
chỉ dùng để đốt nóng không khí (lãng phí) của bếp gas lên
đến 60%, lò vi ba 30% còn bếp điện từ chỉ lãng phí khoảng
10-15%, còn lại là phục vụ cho việc nấu nướng khá nhanh
chóng.

Một ví dụ nhỏ là bạn dùng bếp từ để đun nồi nước lẩu
khoảng 2 lít, chỉ mất chừng 1 phút (so với ấm đun siêu tốc là
3 phút và bếp gas gần 10 phút). Với hiệu suất cao như thế,
rõ ràng bếp điện từ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều về chi phí
lẫn thời gian.

Ngoại hình bắt mắt cũng là một điểm cộng cho bếp điện
từ. Giữa đông đúc dòng họ nhà bếp, bạn dễ dàng nhận ra
bếp điện từ nổi bật với mặt kính bóng loáng, được trang trí
bằng nhiều hoa văn đẹp đẽ, bắt mắt. Đặc biệt, khi sử dụng,
bạn sẽ chẳng bao giờ bị làm phiền bởi một chút khói lửa nào.


Nhược điểm


Nguyên lý cơ bản của bếp điện từ là sử dụng từ trường
để sản sinh ra dòng điện Foucault, nấu chín thực phẩm. Do
đó, chiếc bếp này khá kén chọn những vật dụng để kết đôi
– cũng phải có từ tính – khi cùng làm nhiệm vụ nấu nướng.
Với đặc điểm này, những “cô nàng” xoong, chảo… bằng
nhôm, thủy tinh và cả nồi inox ba đáy (ở giữa là lớp nhôm,
không có từ tính) sẽ không thể nào lọt vào mắt xanh của anh
chàng bếp điện từ.
    

Ngoài ra, trong quá trình nấu nướng, bạn phải rất kỹ
lưỡng. Nếu thường xuyên để nước sôi hay thực phẩm trào ra
trên mặt bếp, mặt kính sẽ dễ bị vỡ do chênh lệch nhiệt độ.
Tất nhiên, không phải thực phẩm trào ra là kính vỡ ngay
nhưng đây là một điều bạn cần lưu ý về mặt hạn chế của bếp điện từ để cẩn trọng hơn trong
quá trình sử dụng. Để hạn chế tình
trạng trào thức ăn ra mặt bếp, các
nhà sản xuất đã thiết kế thêm phím
điều chỉnh nhiệt độ, công suất để
người nấu điều chỉnh dễ dàng, không
để thực phẩm quá sôi.
   
Một điểm hạn chế của bếp điện từ
là giá khá cao so với túi tiền của nhiều
gia đình. Đa số loại bếp này tại thị trường
Việt Nam đều có xuất xứ từ nước ngoài,
giá khoảng từ 500.000 đồng cho đến hơn
30.000.000 đồng/chiếc. Loại có giá 500.000 –
2.000.000 đồng có xuất xứ từ Trung Quốc. Còn
loại cao cấp, trên dưới 10.000.000 đồng thường
mang nhãn Ariston hay Teka…

Chính vì loại bếp này được lắp ráp bằng
những linh kiện kỹ thuật cao cho nên đây cũng là
một hạn chế vì người mua rất khó biết được chất
lượng thực sự bên trong của sản phẩm.

Dùng sao cho đúng?
    

Người nội trợ thông minh sẽ không bao giờ chọn mua
một sản phẩm chỉ vì nhà hàng xóm cũng có một cái giống
vậy, hoặc “nghe mọi người quảng cáo, thấy được lắm…”.
Hãy xem mục đích, nhu cầu sử dụng và cả ngân sách của
gia đình mình như thế nào. Nếu chỉ cần sử dụng theo kiểu
thỉnh thoảng nấu lẩu trong các bữa tiệc nho nhỏ thì bạn chỉ
nên mua loại bếp từ rẻ tiền. Nếu dùng thường xuyên để đun
nấu thì nên chọn loại cao cấp.
   
 Sau khi đã có bếp rồi thì việc sử dụng cũng cần được
quan tâm:
    
– Đầu tiên, phải chú ý đến nguồn điện, bao gồm dây
cấp nguồn và ổ cắm. Đa số bếp từ có công suất cao (200 – 2.000W) nên dây dẫn phải đủ lớn. Ổ cắm không được cắm
chồng lên nhau mà chỉ sử dụng duy nhất cho bếp từ.
    
– Vấn đề tiếp xúc giữa phích cắm của bếp với ổ cắm cũng
phải thường xuyên được kiểm tra để đảm bảo tiếp xúc tốt.
    
– Trong suốt quá trình hoạt động của bếp, không nên
duy trì công suất cao nhất trong thời gian liên tục mà sau
khi nấu sôi, cần giảm công suất. Sau khi ngưng sử dụng,
tắt nguồn bếp bằng nút OFF nhưng không nên rút nguồn
điện vì quạt giải nhiệt cho các linh kiện vẫn hoạt động và
tự tắt sau khi các thiết bị đã nguội hẳn. Bạn phải thường
xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của bộ phận quạt này.
Do quạt giải nhiệt được gắn phía dưới bếp nên khi sử dụng,
không nên lót báo hoặc vải ngay bên dưới vì sẽ che khuất
luồng khí lưu thông vào đáy bếp từ.
    
– Về nguyên lý, mặt bếp từ không nóng do từ trường gây
ra nhưng do tiếp xúc lâu với vật nấu nên nhiệt sẽ lan truyền
khá nhanh từ vật nấu xuống mặt kính của bếp. Sau khi nấu,
cần cẩn thận, nhất là với trẻ em, để tránh bị bỏng.
    
– Do bếp phát ra từ trường liên tục nên trong quá trình
sử dụng, không nên để các vật dụng có từ tính gần bếp như:
dao, nĩa, muỗng hoặc các thiết bị điện tử như điện thoại di
động, máy ảnh, tivi, máy ghi âm, máy tính xách tay…
    
– Trong trường hợp bếp có vấn đề trục trặc về mặt kỹ
thuật, không nên tự tháo ra sửa chữa mà hãy nhờ chuyên
viên kỹ thuật vì các linh kiện của bếp được sản xuất bằng
công nghệ cao.

Giá một số loại bếp từ tại Việt Nam:
– Bếp từ Gali: 800.000 – 900.000 đồng
– Bếp từ Midea: 730.000 – 1.000.000 đồng
– Bếp từ Sanyo: 1.090.000 – 1.800.000 đồng
– Bếp từ Philips: 2.000.000 – 2.300.000 đồng
– Bếp từ Bluestone: 1.900.000 – 2.000.000 đồng
– Bếp từ Teka: 25.500.000 (4 bếp) – 39.000.000 đồng
– Bếp từ Ariston: 7.200.000 – 13.000.000 đồng


From the same category