Bạn hỏi Tết qua có gì vui không?
Chị nói lớn tuổi rồi nên Tết không còn “vui như Tết” nữa, nhưng nhân Tết, có nhiều điều đáng… ngẫm. Tết, trừ những gia cảnh, tâm cảnh đặc biệt thì cái bếp sẽ là nơi gắn dính với phụ nữ. Chị cũng không ngoại lệ. Tết, việc nhiều, con gái đã lớn nên mỗi năm chị bắt “em” phải phụ mẹ thêm mấy thứ. Bữa đó chị nhờ em lột tỏi. Với con dao nhỏ, em lọ mọ khá lâu, cả phút mới xong một tép. Chị bảo con dùng dao lớn đập lên tép thì vỏ tỏi sẽ bung ra, khi đó chỉ cần đưa tay gỡ nhẹ nhàng. Con gái cười nói hay thật, rằng cũng một hiệu quả, nhưng với phương pháp này phải lọ mọ, phương pháp kia thì rất nhanh.
Từ chuyện tỏi tự dưng chị nhớ nhiều chuyện khác và lý thú nhận ra cái bếp cho ta nhiều bài học hơn ta tưởng. Con gái sinh bên Tây nhưng thích ăn nội tạng heo, đặc biệt quả thận. Thận thì ngon nhưng do không được vệ sinh sẵn, cũng không thể nhờ người bán giúp đỡ như ở ta, nên công đoạn lọc bỏ nang giữa với kẻ đảm nhưng không khéo như chị là… căng thẳng vô cùng: Đầu tiên phải chẻ đôi quả thận theo chiều dọc, sau đó trầy trật khoét, cắt những nang trắng khai hôi nhầy nhụa. Phải đến chục lần ghê ghê cái tay, thum thum cái mũi, nhăn nhăn cái mắt chị mới nhận ra một phương pháp đơn giản: cứ lọc cắt phần thịt đẹp xung quanh, cho tới khi đụng nang giữa thì ngưng lại, không đụng tới, không để ý. Từ khi thực hiện phương pháp “không để ý” đó chị không ngán làm thận nữa, hơn vậy, còn nhận ra một suy ngẫm lý thú. Rằng nếu ta chỉ nâng niu những điều tốt đẹp, không để tâm cái xấu thì mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng.
Sau hai năm sử dụng, nồi cơm điện Trung Quốc nhà chị tốt nguyên nhưng cái ruột nấu thì tróc bong phần chống dính, trông xấu xí và khó rửa. Không muốn tự dưng mang vứt cái hư mà không hỏng, chị dùng tiếp, hạn chế chi tiêu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường do rác thải công nghiệp. Lãng mạn hơn, không hắt hủi cái sản phẩm mà nếu nhân cách hóa, chị nghĩ hẳn “nó” rất tủi thân khi bị bỏ rơi trong lúc còn tác dụng. Mỗi lần nấu cơm chị cảm như cái phần điện mỉm cười. Nói chuyện hư-mà-không-hỏng chị nhớ lần đầu tiên ra nhà bạn hái dâu. Đất sạch, vườn rộng, dâu chín tươi, không tì vết. Chị say sưa hái đặt vô túi to. Khi mang về sớt ra làm quà cho lối xóm thì… hỡi ôi, phân nửa số trái bên dưới bị giập nát. Giập do chính sức đè của những trái bên trên! Chị nhớ mình đã thẫn ra nhìn đám dâu mới trước đó tươi nguyên, giờ tan nát, nhem nhuốc vì cái… ngu của chị. Chị cảm giác dâu khóc. Cũng cảm giác mình muốn khóc. Lâu nay chị vốn gớm trái cây giập, nhưng từ sau buổi tự tay gây “tai nạn” cho dâu, chị thấy ít gớm hơn vì biết đôi khi trong cái hư không hẳn là thối rữa. Rằng không phải lúc nào cái thiếu vẹn nguyên cũng là thứ bỏ đi…
Bếp là cân, hàn thử biểu của gia đình. Bếp cho ta thấy/học nhiều điều hơn ta tưởng.
Sinh năm 1988, Trương Huệ Vân, vợ ca sĩ Thanh Bùi, là thế hệ thứ tư của một gia tộc doanh nhân nức tiếng Sài Gòn, sở hữu nhiều bất động sản, trong đó có tòa nhà Times Square cao ngất ở trung tâm vừa diễn ra đám cưới của cô. Những thông tin đó, cùng vẻ đẹp sắc sảo mà phúc hậu của Huệ Vân đáng chú ý, nhưng chị chỉ thật sự chú ý khi nghe Thanh Bùi kể Huệ Vân luôn là người động viên anh kiên nhẫn vượt qua những khó khăn nghề nghiệp bằng một ví von hết sức dễ thương: “Nếu anh nấu thịt kho trong vài phút thì không thể nào ngon bằng nồi thịt được nấu lâu, cho miếng thịt ngấm gia vị, mềm mại”. Ôi dễ thương thật, bởi thời nay lá ngọc cành vàng quan tâm tới bếp hơi bị… hiếm, trong khi bếp, như cách nhìn của chị, là cân, là hàn thử biểu của gia đình. Một lần tới chơi nhà cô bạn mới thành hôn, cậu bạn trong nhóm bỗng thì thầm với chị: “Bếp lạnh quá. Nghi quá…”. Và đúng, chỉ nửa năm sau cô bạn ly dị, để vài năm sau có gia đình khác, viên mãn. Bếp cho ta thấy nhiều điều hơn ta tưởng.
Sau khi ra mắt phim “Cuộc đời của Pi”, đạo diễn tài danh Lý An tiết lộ những ngày tháng sung sức nhất của ông thực ra không phải trên trường quay, mà trong thời gian ông quản… bếp cho vợ đi kiếm sống. Lý An nói ông cảm ơn mười năm nội trợ đúng nghĩa để nung nấu giấc mơ điện ảnh. Cảm ơn người vợ – nhân viên nghiên cứu dược học, lương thấp nhưng chưa bao giờ coi ông là gã đàn ông thất bại, chưa bao giờ thôi tin một ngày nào đó “ông nội trợ” của mình sẽ thành công. Sau nhiều năm lon ton những thứ râu ria ở trường quay, viết kịch bản bị chê liên tục, Lý An chán nản, có lúc định mở quán cơm Hoa trên đất Mỹ, ghi danh học máy tính, nhưng vợ ông phản đối quyết liệt, không cho phép ông từ bỏ ước mơ. Mấy năm sau, ở tuổi 38, phim đầu tay của Lý An đoạt giải. Tự sự “đoạn đời bếp” của người đạo diễn từng đoạt giải Oscar khiến bàn dân hâm mộ, bởi thực sự không có nhiều phụ nữ trong xã hội hôm nay kiên nhẫn tin tưởng chồng đến vậy. Ngược lại, cũng không có mấy ông chồng chịu giúp vợ việc nhà (thường nếu thành đạt, các ông không bước chân vào bếp. Nếu thất nghiệp, các ông càng gia trưởng nghênh ngang giấu che mặc cảm). Việc bếp núc thực ra chẳng khiến đàn ông/đàn bà mất đi giá trị. Vấn đề là bản thân ông/bà có gì trong óc, trong tim… Bếp là cân, hàn thử biểu của gia đình. Bếp cho ta thấy/học nhiều điều hơn ta tưởng.
Bài: Việt Linh