Bệnh viện ‘siết’ bác sỹ

Theo đó, nếu phát hiện đơn thuốc của bác sỹ nào “có vấn đề” và không được phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán thì bác sỹ đó phải chịu toàn bộ trách nhiệm trước bệnh viện.

Chặn những chỉ định, đơn thuốc “có vấn đề”

Bác sỹ kê những đơn thuốc “có vấn đề” và bị phía BHXH từ chối thanh toán sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bệnh viện (Ảnh minh họa: C.Q)
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi thực hiện việc này khá chặt chẽ.

Theo đó, đối với những đơn thuốc hay hồ sơ bệnh án của bệnh nhân BHYT có những chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu bất hợp lý và bị phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ chối thanh toán thì chính vị bác sỹ chỉ định chụp chiếu và kê đơn thuốc bị từ chối thanh toán đó phải chịu trách nhiệm.

Hình thức chịu trách nhiệm là vị bác sỹ có tên trong hồ sơ bệnh án và trên đơn thuốc phải bỏ ra toàn bộ số tiền của đơn thuốc mà đáng ra phía bảo hiểm sẽ thanh toán cho bệnh viện.

Ngoài ra, với những đơn thuốc có giá trị lớn đều được hội chẩn kỹ càng trước khi được phê duyệt.

Tương tự, bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc cũng có những biện pháp “siết chặt” chuyện kê đơn của bác sỹ để hạn chế tiêu cực. Theo đó, nếu lãnh đạo bệnh viện phát hiện đơn thuốc nào không hợp lý thì người kê đơn sẽ bị cắt thưởng và trừ thẳng về khoa.

Bệnh viện Đa khoa Phố Nối – Hưng Yên cũng quy định nếu BHXH “treo” không quyết toán những đơn thuốc, xét nghiệm bất hợp lý thì bác sĩ kê đơn phải chịu trách nhiệm.
 

Hiệu ứng dây chuyền

Nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện “siết” chuyện kê đơn, chỉ định chụp chiếu của bác sỹ là do trong thời gian qua, một loạt bệnh viện đã bị vượt trần, âm quỹ và không được phía BHXH thanh toán. Tổng vượt quỹ, vượt trần của các bệnh viện năm 2011 là trên 3.000 tỷ đồng.

Có những bệnh viện lớn đang bị “treo” ít nhất vài chục tỷ đồng vì không chứng minh được chuyện vượt trần, âm quỹ của mình là do nguyên nhân khách quan.

Do đó, các bệnh viện bị phía BHXH từ chối thanh toán. Và giải pháp mà họ đưa ra là “siết” bác sỹ trong khâu chỉ định thuốc, chụp chiếu, xét nghiệm như ở trên, gián tiếp khiến quyền lợi bệnh nhân bị ảnh hưởng.

Đơn thuốc vượt trần: Bác sỹ tự bỏ tiền túi ra bù

Ngoài những biện pháp này, để tránh tình trạng vượt trần, âm quỹ BHYT, nhiều bệnh viện còn “gây áp lực” cho bác sỹ bằng cách ra trần tối đa cho mỗi đơn thuốc.

Một bác sỹ làm việc tại một bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết bệnh viện của ông ra quy định nếu mỗi đơn thuốc cho bệnh nhân BHYT vượt quá mức tối đa bệnh viện cho phép thì bác sỹ kê đơn đó sẽ phải bỏ ra phần chênh lệch đó để trả lại cho bệnh viện!

 
Bệnh nhân BHYT nộp đơn lấy thuốc tại quầy thuốc BHYT của BV Bạch Mai – (Ảnh: C.Q)
Quy định này đã khiến nhiều bác sỹ của bệnh viện này ngỡ ngàng và “gặp khó” khi thực hiện. Bởi trên thực tế, có những đơn thuốc đúng là không “vượt trần” nhưng có những đơn chỉ vì “trần” này mà bệnh nhân khổ, phải tự bỏ tiền ra mua phần thuốc chênh lệch vì bác sỹ không thể bỏ tiền hộ.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thì tình trạng “siết bệnh nhân” bằng trần đơn thuốc, qua đó gián tiếp “siết” bác sỹ như những cách làm ở trên xảy ra phổ biến ở nhiều bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là những bệnh viện lớn có nguy cơ (và thực tế là đã) bị vượt trần ở mức cao.

Tuy nhiên, có rất hiếm bệnh viện ra quy định này bằng văn bản (trừ bệnh viện Trưng Vương tại TP.HCM và hiện bệnh viện đã phải bỏ quy định trần đơn thuốc bởi như vậy là sai luật).

Trên thực tế, chuyện bác sỹ lạm dụng thuốc, chụp chiếu, xét nghiệm xảy ra rất phổ biến. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có những đơn thuốc được kê 2 loại kháng sinh cùng công dụng.

Ngoài ra, có những đơn thuốc chứa đến 5,6 loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Đây là những đơn được chứng minh “có vấn đề” và phía BHXH đã từ chối thanh toán.

Tình trạng bác sỹ lạm dụng thuốc, xét nghiệm là vấn đề bức xúc nhưng cách xử lý như trên của các bệnh viện được đánh giá là vừa không đúng luật, vừa không tối ưu. Nguyên nhân là vì nếu cứ đưa ra trần đơn thuốc và đơn nào cũng bằng trần ấy (trong khi không đáng phải kê bằng trần đó) thì cũng là có vấn đề.

 
Không phải tiêu cực nào cũng giảm nhờ mệnh lệnh hành chính

Theo đánh giá của lãnh đạo BHXH Việt Nam, cách làm như trên vẫn gây nhiều băn khoăn về hiệu quả trên thực tế vì không phải tiêu cực nào cũng có thể giảm nhờ mệnh lệnh hành chính.

Trên thực tế, hiện BHXH Việt Nam đang áp dụng thí điểm phương pháp giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo tỷ lệ phần trăm trên địa bàn thành phố Hà Nội và 9 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tuy vậy, tỉ lệ % trong kết quả sau giám định này có thể vẫn không đủ sức loại bỏ được hết những đơn thuốc hoặc chỉ định bất hợp lý của bác sỹ.

Do đó, giải pháp căn cơ vẫn là gia tăng kiểm soát việc thực hiện quy chế chuyên môn, cân nhắc kỹ từ khâu đấu thầu và liên doanh, liên kết.

 Theo Vietnamnet


From the same category