Tưởng đã khoẻ, bỗng nhiên ốm nặng
Kienthuc.net.vn nhận được thư của anh Tr.K.H. (156/14 Ngô Quyền, phường 6, quận 10, TP.HCM) phản ảnh về việc bố anh – ông Trang Sỹ Nhỏ tử vong khi điều trị tại Bệnh viện FV TP.HCM.
Anh H. cho biết, trưa ngày 1/5 ông Nhỏ bị đau ở vùng thắt lưng nên gia đình đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Sau khi chẩn đoán cận lâm sàng với kết luận thận phải ứ nước độ I, giãn nhẹ niệu quản đoạn đầu, ít dịch quang thận, cần theo dõi niệu quản phải và cho về nhà theo dõi điều trị.
Chiều ngày 1/5, cơn đau vùng thắt lưng của ông Nhỏ có chiều hướng gia tăng nên gia đình đưa bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện FV TP.HCM. Sau khi khám và truyền dịch, thấy bệnh nhân giảm cơn đau nên bệnh viện cho về. Sáng ngày 2/5, bệnh nhân đau lại và có dấu hiệu sốt nên gia đình đưa vào nhập viện. Tại đây, ông Nhỏ được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng máu và sau vài ngày điều trị, Bệnh viện FV hội chẩn, mổ nội soi sỏi thận lấy viên sỏi 5mm.
Sau khi mổ được vài ngày, bệnh nhân có dấu hiệu bình phục, nhưng đến ngày 12/5 thì biểu hiện khó thở nên phải thở máy và tiếp tục điều trị cấp cứu tại phòng hồi sức. Đến khoảng 18h30 ngày 14/5 thì bệnh nhân tử vong. Sau khi lo hậu sự cho bố, anh H. đã đến bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân. Bệnh viện FV đã tổ chức buổi gặp mặt với gia đình anh H. Bác sỹ Gerard Desviggnes, Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV trả lời bệnh tử vong là do nhiễm trùng đường tiểu và suy hô hấp cấp.
|
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện FV TP.HCM. |
Tử vong không liên quan đến nội soi lấy sỏi
Ngày 31/8, Bệnh viện FV TP.HCM có công văn số 590-2012/FVH -MKT gửi tòa soạn trả lời về trường hợp tử vong này.
Theo đó, ngày 2/5, bệnh nhân quay trở lại đã được theo dõi điều trị liên tục với lý do sốc nhiễm trùng, viêm đài bể thận, sỏi niệu quản phải, viêm phổi nặng. Các kết quả vi trùng học đều dương tính với E.coli, nhạy cảm với các kháng sinh đang sử dụng. Ngày 8/5, khi tình trạng bệnh nhân ổn định, bệnh viện hội chẩn rồi tiến hành thủ thuật nội soi. Trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân, bác sĩ điều trị đã giải thích rất rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra và được gia đình đồng thuận ký tên. Tình trạng bệnh nhân sau mổ cải thiện dần.
Từ ngày 12 – 14/5, bệnh nhân có các triệu chứng sốc nhiễm trùng do viêm phổi nặng bùng phát trở lại, trụy mạch và suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh và hô hấp hỗ trợ. Ngày 14/5/2012, vì tình trạng bệnh nhân nặng kéo dài với sốc nặng và giảm oxy máu nặng, bác sĩ điều trị đã thông báo cho gia đình và gia đình anh H. quyết định đưa bệnh nhân về nhà bằng xe cứu thương của bệnh viện (anh H. đã ký giấy yêu cầu xuất viện trái chỉ định của bác sĩ). Bệnh nhân qua đời tại nhà vài phút sau khi về tới nơi.
Ngày 15/8, bệnh viện họp với gia đình bệnh nhân, giải thích chi tiết về quá trình điều trị, nguyên nhân gây tử vong, đồng thời, mong muốn được chia sẻ một phần viện phí là 54 triệu đồng.
Dễ bị viêm phổi trở lại
|
Bệnh nhân bị viêm phổi nặng cũng là một bế tắc khi điều trị sỏi niệu quản. Tuy nhiên, sau khi điều trị viêm phổi ổn định thì BS đã tiến hành nội soi gắp sỏi ra và thông tiểu là một chỉ định đúng. Do bệnh nhân có tiền căn viêm phổi nên rất dễ bị viêm phổi trở lại, nhất là trong môi trường bệnh viện.
PGSTS.BS Phạm Văn Bùi (Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) |
Theo Bee