Đóng thêm tiền triệu…
Tại BV Bạch Mai, dù giá viện phí mới được áp dụng từ hôm 16/7 với 447 dịch vụ được điều chỉnh, nhưng nhiều dịch vụ, người bệnh dù được BHYT chi trả vẫn phải đóng thêm tiền.
Hay như với dịch vụ mổ u sọ não bằng dao gamma, BHYT chỉ chi trả khoảng 30 triệu, trong khi mức giá bệnh viện tính toán lên đến 45 triệu đồng. Vì thế, bệnh nhân phải đóng phần thiếu hụt này.
Bệnh nhân xem bảng giá viện phí tại BV Mắt T.Ư. Ảnh: H.Hải
“Tôi có người thân đang nằm điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu tại BV Bạch Mai vì u não. Nhưng vì lý do khách quan, chúng tôi chưa chuyển được bảo hiểm theo đúng tuyến nên mới được thanh toán 30% chi phí điều trị. Khi vào đây, hỏi han mọi người mới biết mức giá “khủng” của phẫu thuật u sọ não bằng dao gamma. Gia đình đang tính phải về lại bệnh viện tỉnh để khám lại rồi làm thủ tục chuyển viện”, chị Lê Thị Lan (Thái Nguyên) cho biết.
Ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết, hiện tượng thu thêm của bệnh nhân dù giá viện phí đã được điều chỉnh tăng là có thật. Bởi thực tế mới 447 dịch vụ được điều chỉnh giá trong tổng số hàng nghàn dịch vụ. Hơn nữa, giá viện phí được điều chỉnh lần này, nếu được phê duyệt bằng giá dịch vụ của máy xã hội hóa thì người bệnh không phải trả thêm. Nhưng nếu mức phí được chi trả vẫn thấp hơn mức giá mà BV và đơn vị đầu tư tính toán thì người bệnh vẫn phải đóng phần thiếu hụt đó.
“Máy xã hội hóa là bệnh viện phối hợp với đơn vị đầu tư để đặt máy và tính toán chi phí. Bệnh viện tự xây dựng mức giá trên cơ sở tính đầy đủ, cả lãi, chi phí khấu hao máy móc. Trong khi trong cấu phần giá trong thông tư 04 thì không có yếu tố này, không có tiền công, mà chỉ có chi phí duy tu bảo dưỡng (mới tính 3/7 yếu tố). Nhưng cũng phải nói rằng dù là máy xã hội hóa nhưng dịch vụ y tế được thực hiện trong các bệnh viện công, những nơi này vẫn được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, sửa chữa lớn, trả lương cho cán bộ… nên cần tính mức giá phù hợp”, ông Phúc nói.
Không riêng gì tại bệnh viện Bạch Mai mới thực hiện thu thêm của bệnh nhân trên máy xã hội hóa, mà tại BV Nhi, BV K, BV Việt Đức… đều có máy xã hội hóa và người bệnh phải đóng thêm khoản còn thiếu mà BHYT chưa thanh toán.
“Chúng tôi cũng muốn tự mình dùng kinh phí bệnh viện đầu tư để phục vụ người bệnh, nhưng có những máy móc chi phí đến hơn chục tỉ, chi phí quá lớn nên bệnh viện mới phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa, chứ không phải bệnh viện lạm dụng máy xã hội hóa để thu tiền của người bệnh”, lãnh đạo một bệnh viện phân trần.
Mỗi nơi mỗi giá
Dù máy móc xã hội hóa là không thể tránh khỏi khi nguồn đầu tư của bệnh viện còn hạn hẹp, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia có sự bất hợp lý trong việc đầu tư máy xã hội hóa tại các bệnh viện. Chưa kể, chỉ định chiếu chụp từ máy xã hội hóa nhiều nơi cũng không phù hợp, lạm dụng để “móc túi” người bệnh.
“Theo tôi, cần có sự điều tiết trong việc đặt các máy xã hội hóa và Bộ Y tế nên đứng ra thực hiện việc này. Ví dụ bệnh viện này đầu tư máy chụp CT 256 dãy rồi thì bệnh viện kia thôi. Ngoài ra, việc đưa ra những tiêu chí cụ thể khi nào thì cần chụp 256 dãy, hay 164 dãy, khi nào 128 dãy… là vô cùng cần thiết để giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh. Có bệnh viên, dù máy chụp CT thông thường vẫn sử dụng tốt, phát hiện được bệnh nhưng vẫn đầu tư hẳn một cái máy xã hội hóa chụp CT 128 dãy, rất cao cấp. Nếu không kiểm soát kỹ dễ xảy ra hiện tượng chỉ định ồ ạt chụp CT 128 dãy và người bệnh phải đóng thêm nhiều tiền,trong khi máy chụp CT thông thường vẫn có thể phát hiện được”, ông Phúc nói..
Ngoài việc người bệnh phải đóng thêm tiền khi thực hiện trên các máy xã hội hóa, BHXH VN khẳng định người bệnh đã giảm bớt rất nhiều chi phí phải đóng thêm cho các loại thuốc, vật tư tiêu hao khi tới viện. Ví í dụ với dịch vụ nắn bó bột, trước đây chỉ quy định bó bột cán, chất lượng không tốt nên bệnh nhân thường thỏa thuận với bệnh viện mua bột liền để bó và tự bỏ tiền túi ra trang trải. Trong khi đó hiện nay, trong giá viện phí mới đã đưa bột liền vào dịch vụ nắn bó bột, bảo hiểm y tế sẽ chi trả từ 80 đến 95%, vì thế bệnh nhân không phải bỏ tiền túi ra chi trả cho bột liền. Hay với dịch vụ xông tiểu, trước đây người bệnh phải tự bỏ tiền túi ra mua dây xông, còn nay, giá dịch vụ này đã được tính cả dây này.
“Chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ các địa phương về việc các bệnh viện đã ngừng thu những khoản chi phí mà phía BHYT đã chi trả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang yêu cầu các địa phương có báo cáo toàn diện về việc sử dụng các máy xã hội hóa để tránh tình trạng lạm dụng”, ông Phúc nói.
Theo Dân trí