Theo các nhà dự báo kinh tế và các chuyên gia y tế, nếu không hành động ngay từ bây giờ thì trong vòng 15 năm tới, khi số lượng bệnh nhân ung thư ở châu Á tiếp tục tăng lên, bệnh ung thư sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, đời sống xã hội và nền kinh tế của các quốc gia châu Á.
Kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi điều trị ung thư dạ dày sớm và tiền ung thư. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Điều đáng lưu ý là tại Việt Nam có tới 55% số bệnh nhân ung thư gặp thảm họa tài chính và tử vong sau một năm chẩn đoán mắc bệnh.
Đó là kết quả của nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các nước khu vực Đông Nam Á được Bộ Y tế công bố tại hội thảo phối hợp đa ngành trong phòng chống ung thư quốc gia diễn ra ngày 8/12, tại Hà Nội.
55% số bệnh nhân gặp thảm họa tài chính
Nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các nước khu vực Đông Nam Á (ACTION) do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện, được tiến hành tại 8 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành với hơn 9.500 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân Việt Nam chiếm 20%.
Nghiên cứu trên đã cho thấy, bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán, phải đối mặt với gánh nặng lớn khi tỷ lệ tử vong cao, “bòn rút” một nguồn tài chính khổng lồ cho cả bệnh nhân và gia đình. Chỉ có 45% bệnh nhân còn sống mà không có khó khăn về tài chính; 55% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu hoặc là tử vong (24%) hoặc là còn sống nhưng gặp khó khăn về tài chính (31%) trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.
Theo nghiên cứu, khó khăn về tài chính được định nghĩa khi chi phí điều trị dành cho điều trị bệnh chiếm hơn 30% thu nhập của hộ gia đình.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và ung bướu cho biết, sau khi điều trị một năm có 34% bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc, 22% không thể thanh toán kể cả chi phí đi lại, 24% bệnh nhân không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện nước, gas…
“Đây mới chỉ là kết quả sau 12 tháng, nếu tiếp sau đó thì không biết có bao nhiêu người bệnh còn đi tiếp được đường đi này,” tiến sỹ Khoa nhấn mạnh.
Giảm chi phí bằng phát hiện bệnh sớm
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ, xu hướng mắc bệnh ung thư không những gia tăng ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có 150.000 ca mắc mới, khoảng 70.000 người tử vong và ước tính năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới.
Nguyên nhân dẫn tới số lượng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam tử vong cao là do việc chẩn đoán muộn, chỉ có 24%, người bệnh được chẩn đoán sớm ở giai đoạn 1 và 2.
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỷ lệ tử vong và thảm họa tài chính do bệnh ung thư. Bên cạnh đó, bệnh nhân thuộc diện không có bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm.
Vì vậy, để giảm bớt các chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tầm soát, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đặc biệt, với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội sống còn cao và tỷ lệ gặp phải hệ lụy tài chính thấp do được miễn giảm một phần chi phí điều trị.
Tại hội thảo, Chương trình Phòng chống Ung thư Quốc gia đưa ra thông điệp khẩn cấp kêu gọi những hành động thiết thực như: tăng cường tầm soát sớm, ban hành chính sách hỗ trợ điều trị, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.
Một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị ung thư tại Việt Nam, giáo sư Mai Trọng Khoa nhấn mạnh, Việt Nam nên xem bệnh ung thư như một vấn đề mang tầm quốc gia vì mức độ ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực y tế mà mà còn liên quan đến cả sự phát triển kinh tế và xã hội.
Theo VietnamPlus