Từ thông tin báo chí hoặc tài liệu y học, không ít người bị bệnh “tưởng” ám ảnh, đọc đâu cũng thấy đâu đó vài triệu chứng bệnh hơi giống mình rồi lo ngay ngáy vì nghĩ đã vướng vào một bệnh thuộc “tứ chứng nan y”. Bên cạnh đó lại có những người luôn coi thường những triệu chứng tiềm ẩn căn bệnh nguy hiểm.
Bệnh tưởng
Bệnh tưởng nhiều nhất của chị em là cứ thấy đau ngứa đường sinh dục là nghĩ ngay đến… ung thư cổ tử cung. Để giải tỏa nỗi lo này, tốt nhất vẫn là đi khám phụ khoa để được làm một xét nghiệm. Việc phát hiện sớm những thay đổi ở cổ tử cung trước khi bệnh ung thư phát triển sẽ giúp cho việc điều trị chặn đứng sự tiến triển của khối ung thư. Tuy nhiên ngứa đường sinh dục, hay ra huyết trắng thì rất thường gặp ở phụ nữ, do nhiều nguyên nhân gây ra: nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn… Do đó có đi khám phụ khoa, làm các xét nghiệm chẩn đoán thì mới chọn đúng thuốc điều trị…
Với những người có thể trạng gày ốm, hay húng hắng ho thì chắc mẩm hay là mình bị ho lao. Và bệnh “lo”, bênh “tưởng” như vậy, càng làm cho họ ốm yếu, sầu não. Trong trường hợp này, tùy theo tình trạng thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ cho chụp phim và thử đàm hoặc các xét nghiệm bổ sung khác để xác định nguyên nhân gây ra ho. Nếu chẩn đoán xác định là bệnh lao thì cần phải tuân thủ phác đồ điều trị, không bỏ nửa chừng để vi trùng lao khỏi kháng thuốc. Còn cơ thể gầy ốm có thể do tạng người, do ăn uống không đủ chất dinh dưỡng hoặc do mắc một bệnh tiềm ẩn chưa phát hiện. Có nhiều chứng ho do nhiều nguyên nhân gây ra, vì thế không có nghĩa cứ ho dai dẳng, người gầy ốm là ho lao. Bất cứ bệnh gì gây kích ứng đường hô hấp cũng đều có thể gây ra ho như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi… Ngược lại có những người to lớn, mập mạp khi khám sức khỏe định kỳ chụp hình phổi, mới phát hiện nám phổi hoặc bị bệnh lao.
Lời khuyên của bác sĩ: Để giải tỏa những âu lo không đáng có hoặc để phát hiện sớm bệnh nặng, việc đến các cơ sở điều trị đúng chuyên khoa để khám xác định bệnh rất cần thiết. Không nên vì quá âu lo với bệnh tưởng rồi vơ bệnh vào người khiến ăn không ngon, ngủ không yên, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp, rối lọan tiêu hóa dẫn đến các triệu chứng thực thể của bệnh lo âu.
Bệnh… thờ ơ
Ngược lại với “bệnh tưởng” lại là bệnh… thờ ơ với những dấu hiệu tưởng nhẹ nhưng thật ra có thể là triệu chứng bệnh trầm trọng.
– Môi và phía trong mí mắt nhợt nhạt: có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu.
– Da tím tái, đặc biệt môi và móng tay tím hoặc sẫm lại: có thể có vấn đề về hô hấp (do thở không đủ nên móng tay và môi tím lại, tĩnh mạch cổ nổi lên) hoặc tim, nhất là với người cao tuổi.
-Da, mắt và mặt có màu vàng có thể là hậu quả của bệnh gan (viêm gan, xơ gan, áp xe do amib) hoặc túi mật…
– Tiểu khó: có thể là viêm tuyến tiền liệt hoặc bệnh đường sinh dục, viêm đường tiết niệu.
– Đau bụng dữ dội: có thể là đau bụng cấp do tắc ruột hoặc viêm ruột thừa, viêm màng bụng. Tùy theo các triệu chứng đi kèm hoặc các xét nghiệm bổ sung mà nguyên nhân bệnh được xác định và có hướng điều trị thích hợp tại các cơ sở y tế.
Lời khuyên của bác sĩ: Còn rất nhiều triệu chứng tưởng là bình thường nhưng lại báo hiệu một bệnh nặng, không thể nêu ra hết vì có nhiều triệu chứng giống nhau của nhiều bệnh khác nhau, do đó cần phải có chẩn đoáßn xác định hoặc hội chẩn để định bệnh. Theo BS Phó Đức Mẫn, chuyên khoa 2 Ung bướu học, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM qua kinh nghiệm điều trị nhiều năm thì ho và đau ngực là 2 triệu chứng thường gặp của ung thư phổi cùng các triệu chứng khác là hơi thở ngắn, khó thở, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi bất thường, khạc đàm nhiều có lẫn máu… nhưng nhiều người không để ý vì nghĩ rằng bệnh do thay đổi thời tiết./.
Chia sẻ bài viết này