Bệnh từ massage mà ra - Tạp chí Đẹp

Bệnh từ massage mà ra

Làm Đẹp

Tại các bệnh viên, massage xoa bóp chữa bệnh có thể thực hiện hàng ngày để phòng chống teo cơ cứng khớp, giảm đau… Xoa bóp bồi bổ sức khỏe có thể thực hiện 1-2 lần/ngày để giúp tinh thần sảng khoái, minh mẫn và dễ ngủ… Xoa bóp thể thao thường áp dụng trong những giai đoạn chuẩn bị thi đấu và khi có sự kiện thi đấu. Xoa bóp thẩm mỹ có thể thực hiện 2-3 lần/tuần… Còn tại các thẩm mỹ viện, bạn có thể đến massage tùy theo điều kiện của mình.


Tuy nhiên, lợi ích chỉ có khi massage đúng. Còn không, bệnh có thể từ massage mà ra!


Tai biến, tai nạn với massage
(PGS – TS. Nguyễn Trọng Lưu
– Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)





– Có thể làm gãy xương, trật khớp: Nếu massage trong trường hợp bị gãy xương, trật khớp (sau chấn thương) không được khám xác định tình trạng xương khớp khi massage; hoặc xương gãy không được cố định tốt, bẻ nắn mạnh tay có thể làm gãy xương, nhất là ở người cao tuổi, người bị loãng xương, người có bệnh lý về xương (u xương, lao xương…).


– Gây chảy máu, tổn thương da, cơ: Do xoa day quá mạnh, xoa không đúng kỹ thuật, xoa sai hướng (ngược chiều của dòng tuần hoàn tĩnh mạch, bạch huyết…)


– Choáng ngất: Nếu xoa day quá mạnh vào các vùng phản xạ nhạy cảm, như vùng xoang cảnh (có nhiều sợi thần kinh giao cảm), vùng đầu, vùng tim mạch…


– Đối với da mặt:


+ Xước, rách da, gây nhiễm trùng khi massage mặt: Nếu nhân viên massage day miết sâu hay thực hiện động tác quá mạnh, thô bạo, vì da mặt mỏng và nhạy cảm. Hoặc nhân viên massage để móng tay dài cũng có thể làm rách da, gây nhiễm trùng.


+ Chóng mặt, khó chịu, ù đầu: Nếu nhân viên massage rung lắc mạnh vùng đầu mặt.


+ Nếp nhăn trên da hằn sâu: Nếu massage ngược chiều các nếp nhăn trên vùng mặt, như nếp nhăn trán, nếp nhăn vùng khóe mắt, nếp nhăn mũi, má…


– Đối với chân tay:


+ Có thể tổn thương và cản trợ hệ thống tĩnh mạch, bạch huyết: Nếu massage ngược chiều từ trung tâm ra ngoại vi. Động tác đúng là chiều hướng massage phải đi từ ngoại vi vào trung tâm do cấu trúc các van tổ chim và hướng đi của hệ thống tĩnh mạch, bạch huyết ở chân tay là hướng về trung tâm.


Do đó, bạn không nên massage khi cơ thể ở những trường hợp sau: Có bệnh lý nặng như suy tuần hoàn, có các khối u (nhất là u ác tính), sốt cao, mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh da liễu… Đối với phụ nữ có thai, cần tránh xoa bóp mạnh vào vùng bụng dưới hoặc vùng phản xạ thần kinh liên quan (như vùng thắt lưng cùng). Ngoài ra, cần chú ý những trường hợp sau chấn thương, đụng giập có bầm tím, tụ máu hay nghi ngờ bị gãy xương, sai khớp.


Các trường hợp đau lưng cấp tính, không nên xoa bóp mạnh mà nên chườm đá kết hợp cho nằm nghỉ ngơi thư giãn, uống thuốc, khi nào đỡ đau mới xoa bóp tại chỗ. Tình trạng da bị kích thích, tăng cảm giác (bỏng buốt) hay mất cảm giác, dị ứng, viêm da, xuất huyết dưới da… cũng không nên điều trị xoa bóp.


Cuối cùng bạn không nên quá lạm dụng massage vì có thể bạn sẽ mắc hiện tượng nghiện xoa bóp có tính chất phản xạ do làm lâu, kéo dài.


Cảnh báo với làn da
(TS. Nguyễn Duy Hưng
– Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam)




Khi đi massage, bạn cần hiểu rõ công dụng của việc massage đối với làn da cũng như những tổn thương có thể xảy ra nếu massage không đúng cách và sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng.


Thông thường, phụ nữ hay massage da mặt, toàn thân hay một số vùng da của cơ thể. Massage mặt có tác dụng tích cực, làm cho máu lưu thông, giúp trao đổi chất trong da mạnh mẽ hơn, làm chậm quá trình lão hóa… Khi massage da, người ta sử dụng một số sản phẩm với mục đích chăm sóc, dưỡng da và điều trị một số bệnh da mặt.


Ngoài ra, massage thông thường còn sử dụng một số sản phẩm để dễ dàng cho việc thực hiện massage da mặt. Các sản phẩm này có nhiều loại, của nhiều hãng mỹ phẩm, dược – mỹ phẩm. Nếu sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, được phép lưu hành thì khả năng xảy ra các biến chứng sẽ ít hơn, nhưng nếu sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì có thể xảy ra một số tai biến, rủi ro. Hơn nữa, massage không đúng kỹ thuật, động tác quá mạnh sẽ làm tổn hại da.


Các tai biến có thể gặp:


– Viêm da: Nhiều trường hợp chỉ sau một vài lần massage đã xảy ra viêm da. Biểu hiện là da viêm đỏ, có thể có các mụn nước, ngứa hoặc cảm giác châm chích, khó chịu.


– Trứng cá: Đây cũng là tai biến hay gặp. Trứng cá có thể xuất hiện sớm nhưng cũng có thể muộn sau vài tuần lễ. Nhiều nghiên cứu cho thấy một số mỹ phẩm có chất gây nhân trứng cá (comedongenic). Hơn nữa, một số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường có chất corticoid, cũng là nguyên nhân gây mụn, hại da. Trứng cá do mỹ phẩm là một thể khó điều trị, đôi khi có những đợt bùng phát mạnh gây mụn mủ, các bọc trứng cá lớn. Điều trị thường phải được theo dõi rất chặt chẽ và trong thời gian dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.


– Sạm da, nám, khô da, da bị tổn hại và tăng cảm ứng với ánh nắng, da chóng bị lão hóa: Các tổn hại này do sản phẩm dùng để massage. Những tổn hại có thể trở thành vòng bệnh lý làm cho da già nhanh chóng, giảm đàn hồi và nhăn nheo.


Vì vậy, để tránh những thương tổn cho da, bạn không nên massage khi da đang bị viêm, đang bị mụn trứng cá viêm, có mủ, da nhạy cảm dễ bị viêm, kích ứng da. Và để tránh các tai biến khi sử dụng kem hay dầu massage, bạn nên bôi thử sau tai hoặc mặt trong cánh tay 3 ngày, nếu không dị ứng mới nên dùng.


Tai biến của massage dưới góc nhìn đông y
(ThS. Hoàng Khánh Toàn
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)




Bản chất của yoga là tìm được sự thư thái, tĩnh tại cho tâm hồn. Với mục đích phục hồi, tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật và làm đẹp, nhìn chung, massage là phương pháp lành tính, phạm vi sử dụng rộng rãi nhưng không phải vì thế mà không có những bất lợi, thậm chí là nguy hại cho sức khỏe và sắc đẹp nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những quy định cần thiết như chỉ định đúng, kỹ thuật chính xác, liệu trình hợp lý…


Cụ thể là:


– Chỉ định không đúng: Không được massage nếu bạn đang bị sốt, mắc một số bệnh tim mạch, các bệnh nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ, da có tụ máu, nổi mẩn, mụn nhọt, đầu đinh, ghẻ lở, rối loạn tâm thần, có bệnh gây chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, đang trong tình trạng hưng phấn quá mức hoặc mệt mỏi quá sức sau khi hoạt động thể lực nặng nhọc, say rượu, ăn quá no, phụ nữ có thai và đang hành kinh…


Những trường hợp này, nếu massage có thể làm bệnh nặng thêm hoặc gây ra những tai biến khó lường. Có nhiều trường hợp uống rượu say, bị cao huyết áp sau khi xông hơi rồi massage đã bị trụy tim mạch hoặc đột quỵ.


– Kỹ thuật xoa bóp massage không chuẩn xác: Các thao tác massage xoa bóp phải làm đúng và tuân thủ một trình tự nhất định, nhất là những thao tác tác động lên huyệt vị châm cứu. Theo nguyên tắc của y học cổ truyền “hư thì bổ, thực thì tả”, người khỏe mạnh và mắc bệnh thuộc “thực chứng” thì có thể tác động mạnh và kéo dài. Người yếu ớt và mắc bệnh thuộc “hư chứng” thì xoa bóp cần nhẹ nhàng và thời gian ngắn. Nếu thực hiện không đúng, có thể làm bệnh nặng thêm và phát sinh tai biến.


Nhiều trường hợp do day bấm quá mạnh đã gây nên tình trạng giống như “choáng kim” trong châm cứu hoặc vì giẫm lưng, vận động khớp quá thô bạo đã gây nên thoát vị đĩa đệm hoặc bong gân, sai khớp…


– Sử dụng các loại dầu và dung dịch dưỡng da trong xoa bóp không phù hợp: Những trường hợp này thường xảy ra tai biến do người được xoa bóp có cơ địa dị ứng hoặc chất lượng dầu xoa không tốt, khiến cho làn da viêm đỏ, mẩn ngứa, nổi ban, thậm chí xuất hiện các nốt phỏng, lở loét…


– Những tai biến do vệ sinh bàn tay kỹ thuật viên không tốt: Móng tay để quá dài, bị chai tay làm tổn thương da người được xoa bóp hoặc vì không rửa tay sạch sẽ, bàn tay nhiễm trùng có thể gây nên tình trạng “lây chéo” bệnh lý da liễu từ người này sang người khác.

Bài: P.V

Thực hiện: depweb

10/12/2010, 12:51